Chiều 14/10, trong khuôn khổ Đại hội đại biểu Hội Liên hiệp thanh niên Việt Nam TP Hà Nội nhiệm kỳ 2024-2029, Chủ tịch UBND TP Hà Nội và lãnh đạo sở ngành đã đối thoại với thanh niên Thủ đô.
Bí thư quận đoàn Ba Đình Phạm Thu Phương nêu câu hỏi ở đối thoại chiều 14/10. Ảnh: Hoàng Phong
Trả lời câu hỏi của Bí thư quận đoàn Ba Đình Phạm Thu Phương về chủ trương, giải pháp để giảm thiểu ô nhiễm môi trường trên địa bàn, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lê Thanh Nam cho hay Hà Nội hiện có 17 khu công nghiệp, khoảng 1.300 làng nghề, 8 triệu xe gắn máy và ôtô, mỗi ngày tiêu thụ khoảng 80 triệu kWh điện và hàng triệu lít xăng dầu... "Đây là một trong nhiều nguyên nhân gây ô nhiễm không khí", ông Nam nói.
Để cải thiện môi trường nói chung và không khí nói riêng, ông Nam cho hay thành phố đang triển khai 5 giải pháp chính gồm: Cải tạo và xử lý ô nhiễm các hồ, sông ngòi; mở rộng hệ thống quan trắc tự động chất lượng không khí và nước; chuyển đổi năng lượng xanh và phát triển đô thị thông minh; phát triển giao thông thông minh, hiện đại; cải tạo, xây dựng không gian xanh tại nội đô.
"Từ năm 2025 thành phố sẽ thí điểm mô hình phát thải thấp tại một số khu vực đông đúc, là điểm nóng về ô nhiễm không khí. Tại khu vực này, phương tiện giao thông gây ô nhiễm bị hạn chế", ông Nam nói.
Ngoài ra, thành phố chủ trương phát triển các tuyến đường dành riêng cho xe buýt điện và các loại xe phát thải thấp, phát triển giao thông công cộng nhằm điều tiết lưu lượng giao thông và giảm khí thải.
Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Lê Thanh Nam trả lời câu hỏi của Bí thư quận đoàn Ba Đình. Ảnh: Hoàng Phong
Luật Thủ đô năm 2024 được Quốc hội thông qua tháng 6, có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 nêu khái niệm vùng phát thải thấp (LEZ) là khu vực được xác định để hạn chế phương tiện giao thông gây ô nhiễm môi trường nhằm cải thiện chất lượng không khí. HĐND thành phố quyết định phạm vi vùng phát thải thấp và các biện pháp được áp dụng trong vùng theo lộ trình phù hợp; quy định các biện pháp hạn chế sử dụng phương tiện giao thông phát thải gây ô nhiễm môi trường.
Thông tin thêm tại diễn đàn, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Trần Phi Thường cho biết trong khoảng 8 triệu phương tiện trên địa bàn thì 1,2 triệu ôtô. Tốc độ tăng phương tiện cá nhân mỗi năm 4-5%, riêng ôtô tăng 10%, nhưng tốc độ tăng hạ tầng giao thông của thành phố chỉ khoảng 0,28%.
"Sau rất nhiều cố gắng trong việc đầu tư hạ tầng, tỷ lệ đất dành cho giao thông của Hà Nội mới đạt hơn 12%, còn kém xa so với quy hoạch giao thông vận tải của Thủ đô đặt ra là 16-20%. Điều này dẫn đến lưu lượng phương tiện trên các tuyến đường vượt quá ngưỡng thiết kế", ông Thường nói và cho biết đây là nguyên nhân khiến địa bàn còn 33 điểm ùn tắc.
Giám đốc Sở Giao thông Vận tải thành phố cho rằng giải pháp căn cơ để giảm ùn tắc là đầu tư hệ thống đường sắt đô thị. Theo quy hoạch trước đây thành phố có 10 tuyến đường sắt đô thị với tổng số 417 km. Hiện nay, thành phố điều chỉnh quy hoạch giao thông, nâng tuyến đường sắt đô thị lên 14, với gần 600 km.
Tuy nhiên, theo ông Thường để làm một tuyến đường sắt đô thị mất 15-20 năm. Trước đây có người gọi tuyến Cát Linh - Hà Đông là "ngôi sao cô đơn", đến nay tuyến này bớt cô đơn hơn vì đã có Nhổn - ga Hà Nội. Ngoài thời gian dài thì làm đường sắt đô thị cũng tốn kém, khoảng 100 triệu USD/km, nếu làm 600 km như dự kiến cần khoảng 50 tỷ USD.
Việc hạn chế phương tiện giao thông ở một số khu vực ùn tắc và ô nhiễm môi trường từng được Hà Nội đặt ra tại nghị quyết của HĐND thành phố từ năm 2017. Tuy nhiên, đến nay hầu hết mục tiêu lớn trong nghị quyết để giảm ô nhiễm đều chưa được triển khai, hoặc chưa có lộ trình cụ thể như cấm xe máy ở các quận, thu phí phương tiện vào nội đô, hạn chế phương tiện gây ô nhiễm.
Thống kê của Hà Nội cho thấy nồng độ bụi mịn PM 2.5 trong không khí trung bình năm tại thành phố giai đoạn 2018-2020 vượt gần hai lần quy chuẩn kỹ thuật quốc gia (25 μg/m3). Giao thông vận tải đang là nguồn phát thải bụi mịn lớn nhất, chiếm 50-70%.
Võ Hải
Nguồn: VNEXPRESS.NET