Trong lúc người dân thắt lưng buộc bụng, ngân sách thành phố phải chắt chiu từng đồng thì có những dự án đầu tư mạng lưới đường ống cấp nước sạch vừa thực hiện xong đã phải di chuyển vì “vênh” với dự án làm đường.
Dự án nước chồng dự án đường!
Dự án cống hoá Cát Linh- La Thành ( kết hợp làm đường đi phía trên) được thành phố Hà Nội phê duyệt tháng 5/2000. Tuy nhiên, do công tác giải phóng mặt bằng (GPBM) gặp khó khăn nên dự án này dở dang gần 10 năm qua.
Đặc biệt tại đoạn mương từ đường Vũ Thạch đến phố Trịnh Hoài Đức (620m) mới chỉ được cống hoá 63m từ năm 2001. Sau nhiều cố gắng, đến tháng 10/2008, quận Đống Đa đã tiến hành GPMB đoạn cống này và bàn giao cho chủ đầu tư Ban Quản lý dự án giao thông đô thị (QLDA GTĐT), Sở GTVT Hà Nội để tổ chức thi công. Tuy nhiên, chủ đầu tư đã tá hoả khi nhận mặt bằng. Gần đoạn cống đã được cống hoá 63m, nay đã có thêm các đường ống nước “mọc” ra.
Ông Đặng Tiến Doãn, Phó GĐ Ban QLDA GTĐT cho biết, trên mặt bằng của dự án đường xuất hiện nhiều ống nước dẫn nước sạch loại đường kính 200mm và 150mm chạy ngang và dọc cống. Những ống nước này vào thời điểm thực hiện dự án cống hoá làm đường năm 2001 không có.
Theo tìm hiểu của chủ đầu tư, những đường ống này được Cty Kinh doanh nước sạch (KDNS) lắp đặt vào những năm 2003-2004, tức là khi dự án đường đang thực hiện.
Dự án nước “chồng” dự án đường gây thiệt hại hàng tỷ đồng cho công tác di chuyển. |
Tuy nhiên, phía Cty KDNS “tiết kiệm” một văn bản hỏi chủ đầu tư dự án đường nên dẫn đến các đường ống nước “mọc” trên đường mà không theo quy hoạch và nay buộc phải di chuyển. Lạ lùng hơn, cả hai chủ đầu tư dự án đường và dự án nước khi đó đều thuộc sở Giao thông công chính (GTCC) Hà Nội.
Dự án đường vì thế đã bị đình trệ vì chờ di chuyển đường ống cấp nước. Trong văn bản ngày 10/9/2008 của Ban QLDA GTĐT gửi Cty KDNS nêu: “Theo dân cư khu vực, tuyến ống này được làm vào năm 2004, mặc dù Ban đang quản lý phạm vi xây dựng công trình nhưng không được Cty thông báo.
Như vậy Ban QLDA GTĐT không thể thực hiện công tác bảo vệ hoặc di chuyển khi tiếp tục thi công công trình”. Thế nhưng, Cty KDNS đáp lại: “Cty KDNS đề nghị quý Ban ký hợp đồng thiết kế thi công di chuyển các tuyến ống cấp nước trên ra khỏi khu vực thi công dự án phù hợp với quy hoạch mới của dự án và đảm bảo an toàn cho các tuyến ống cấp nước”. Quả bóng trách nhiệm đang được đá đi đá lại.
Tại dự án cầu Vĩnh Tuy cũng gặp sự cố tương tự. Năm 2005, Ban QLDA Tả Ngạn được bàn giao mặt bằng thi công và đã có văn bản gửi Cty KDNS thống kê khối lượng đường ống dẫn nước trong phạm vi dự án (phường Vĩnh Tuy). Cty KDNS đã có danh sách gửi Ban QLDA Tả Ngạn.
Tuy nhiên, đến năm 2007, khi thi công dự án cầu Vĩnh Tuy, chủ đầu tư lại “đụng” phải hàng loạt tuyến ống nước (không nằm trong phương án di chuyển trước đó). Đặc biệt, cuối năm 2008 này, dự án đường lại tiếp tục “đụng” các đường ống nước đường kính 100mm, 150mm, 200mm và 300mm. Các đường ống này cũng không được đề cập trong văn bản của Cty KDNS gửi Ban Tả Ngạn trước đó.
Trao đổi với chúng tôi, đại diện ban QLDA Tả Ngạn cho biết, Cty KDNS đã đầu tư các đường ống này ngay trong giai đoạn dự án cầu Vĩnh Tuy đang được triển khai mà không trao đổi với Ban, dẫn đến các đường ống này buộc phải di dời, gây lãng phí và làm chậm tiến độ dự án.
Trái lệnh thành phố làm tiêu tan tiền tỷ!
Tháng 12/2003, Sở GTCC và Cty KDNS Hà Nội có tờ trình gửi UBND TP xin được phê duyệt điều chỉnh, bổ sung dự án dự án cải tạo hệ thống cấp nước khu vực Hào Nam, quận Đống Đa (Ô 13). Ngày 15/12/2003, UBND TP Hà Nội có văn bản giao: Sở GTCC chỉ đạo Cty KDNS phối hợp với Ban QLDA GTĐT nghiên cứu lại phương án điều chỉnh, bổ sung nguồn nước cho dự án trên cơ sở không được phá đi làm lại và phá dỡ các hạng mục của dự án khác đang triển khai gây lãng phí và trùng lặp khối lượng.
Trong trường hợp không xác định được phương án hợp lý, khả thi thì chuyển trả lại việc đầu tư hạng mục cấp nước cho dự án đầu tư đoạn cống thoát nước Cát Linh- La Thành do Ban GTĐT làm chủ đầu tư thực hiện hiện phối hợp đồng bộ với các hạng mục hạ tầng kỹ thuật khác của tuyến đường theo quy hoạch và dự án đầu tư xây dựng tuyến đường đã duyệt”.
Tiếc rằng, chỉ đạo này không được thực hiện: Cty KDNS đã không phối hợp với Ban QLDA GTĐT, dẫn đến đầu tư đường ống không phù hợp quy hoạch tuyến đường dẫn đến phải di dời gây lãng phí hàng trăm triệu đồng.
Tại dự án cầu Vĩnh Tuy, dự kiến kinh phí di dời các tuyến ống nước (được lắp đặt khi dự án cầu đang thực hiện) cũng ngốn khoảng gần 5 tỷ đồng. Mới đây UBND TP Hà Nội lại giao cho chính Ban QLDA Tả Ngạn thực hiện việc di dời mà không phải là Cty KDNS- đơn vị đã đầu tư dự án “chồng” dự án!