Hà Nội vẫn "sợ" trời mưaCông ty Thoát nước Hà Nội dự báo, trong khu vực nội thành còn tới 28 điểm úng ngập cục bộ khi xảy ra mưa rất to (50mm - 100mm/giờ). Việc thoát nước năm nay còn bị hạn chế bởi những công trình đang thi công như: nút giao thông Kim Liên; cống hóa các mương Hào Nam - Yên Lãng, Liễu Giai - Ngọc Hà, Chẹm - Xã Đàn, Nguyễn Phong Sắc…

Chuẩn bị cho mùa mưa năm 2009, Hà Nội mang nhiều nỗi lo canh cánh khi thực trạng thoát nước của TP ngày càng quá tải. Mới chỉ vừa trải qua trận mưa đầu tiên của mùa mưa, Hà Nội đã lại mênh mông nước. Trong khi đó, nhiều khu vực thuộc tỉnh Hà Tây (cũ) vẫn chưa có hệ thống thoát nước đô thị. Liệu Hà Nội có thể đối phó với một trận mưa ngập lịch sử kéo dài nhiều ngày như cuối tháng 10/2008 khi mạng lưới thoát nước còn yếu kém như hiện nay?

Sáng 12/5, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo đã trực tiếp đi kiểm tra cụm công trình trạm bơm đầu mối Yên Sở và nghe báo cáo tiến độ thi công của Dự án thoát nước Hà Nội - Dự án II, giải pháp chống úng ngập khi xảy ra mưa lớn. Làm việc với các sở, ngành liên quan và Công ty Thoát nước Hà Nội về công tác chuẩn bị thoát nước cho mùa mưa 2009, Chủ tịch Nguyễn Thế Thảo đã yêu cầu các đơn vị trên thẳng thắn báo cáo những điểm còn yếu kém trong việc giải bài toán thoát nước của Thủ đô.

Theo ông Nguyễn Lê, Giám đốc Công ty TNHH Nhà nước một thành viên Thoát nước Hà Nội (Công ty Thoát nước), khu vực tả ngạn sông Nhuệ (phía Tây Hà Nội) hiện đang có tốc độ đô thị hóa cao nhất Hà Nội với nhiều công trình quan trọng như Trung tâm Hội nghị Quốc gia, SVĐ quốc gia, các nhà cao tầng, siêu thị lớn... Tuy nhiên, khu vực này lại chưa có dự án thoát nước được đầu tư đồng bộ, bài bản.

Việc tiêu thoát của khu vực này chủ yếu là tự chảy ra sông Nhuệ qua các trục mương tiêu nông nghiệp đã xuống cấp, trong khi mực nước sông này thường lên cao vào mùa mưa. Trong trận mưa kỷ lục vào cuối tháng 10 năm ngoái, nước từ sông Nhuệ còn tràn bờ chảy ngược vào nội thành gây khó khăn hơn cho việc thoát nước ở khu vực vốn đang bị úng ngập rất nặng.

Trong khi đó, điều đáng lo ngại là việc tiêu thoát nước tại những khu vực mới sáp nhập về Hà Nội chủ yếu là tiêu thoát nông nghiệp. Ngay cả hệ thống thoát nước tại một số đô thị thuộc khu vực này cũng phụ thuộc vào hệ thống tưới tiêu nông nghiệp. Đây chính là khu vực tồn tại nhiều "vùng trắng" hệ thống thoát nước trên địa bàn Hà Nội. Nếu xảy ra mưa lớn gây úng ngập, việc thoát nước chỉ trông chờ vào hệ thống bơm tiêu, kênh mương nông nghiệp với khả năng thoát nước rất kém.

Còn trong nội thành cũ, hệ thống thoát nước chỉ có thể chịu nổi những trận mưa dưới 50mm/giờ. Công ty Thoát nước dự báo trong khu vực này còn tới 28 điểm úng ngập cục bộ khi xảy ra mưa rất to (50mm - 100mm/giờ). Việc thoát nước năm nay còn bị hạn chế bởi những công trình đang thi công như: nút giao thông Kim Liên; cống hóa các mương Hào Nam - Yên Lãng, Liễu Giai - Ngọc Hà, Chẹm - Xã Đàn, Nguyễn Phong Sắc… Việc thi công những công trình này sẽ ảnh hưởng đến việc vận hành bình thường hệ thống thoát nước hiện có. Đó là chưa kể hệ thống thoát nước tại một số tuyến phố cũ của nội thành đã xuống cấp.

Ông Thảo cũng khẳng định, ngoài nhiệm vụ thoát nước mùa mưa, còn phải bảo đảm an toàn cho nhân dân trong khi xảy úng ngập bằng hệ thống cảnh báo ở những khu vực nguy hiểm, mương hở và phải bảo đảm vệ sinh môi trường cho cuộc sống nhân dân sau khi nước rút. Ngoài ra, Sở GTVT có trách nhiệm phối hợp với các sở, ngành liên quan bảo đảm không ùn tắc giao thông mỗi khi có mưa lớn gây ngập.

Đối với những "vùng trắng" hệ thống thoát nước, Chủ tịch yêu cầu, trước mắt, Sở Xây dựng kiểm tra và đề xuất danh sách những trạm bơm thuộc ngành nông nghiệp trước đây bàn giao cho Công ty Thoát nước quản lý để thống nhất một đầu mối.

Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Thảo: Yêu cầu Sở Xây dựng cho rà soát lại 28 "điểm đen" và phối hợp với Sở GTVT để tìm ra giải pháp cụ thể giải quyết úng ngập cục bộ. "Cần xem xét ở những "điểm đen" này nguyên nhân ngập là tại sao, liệu có tôn đường được không hay đặt trạm bơm di động. Không thể để tình trạng cứ mỗi lần mưa ngập lại đứng giữa đường mà trông".

Theo CAND online.





 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC