Từ căn bệnh của người bác
Minh Quân là người nảy sinh ra ý tưởng này khi tận mắt chứng kiến người bác ruột của mình khổ sở chống chọi với ung thư đại tràng và cổ tử cung.
Sau khi theo đuổi những phương thức điều trị như phẫu thuật hay xạ trị, các tế bào ung thư trong người bác của em tạm thời không phát triển thêm, nhưng những những tác dụng phụ là không thể tránh khỏi.
Nhưng 3 năm sau, người bác của Quân lại đối mặt với căn bệnh ung thư máu. “Bác em được tham gia những cuộc thử nghiệm điều trị của Mỹ nhưng với chi phí rất đắt, một viên thuốc lên đến 33 USD và mỗi ngày phải uống đến 4 viên. Những người tham gia thử nghiệm cũng chỉ được miễn phí ở một vài tháng đầu, còn giai đoạn sau nếu muốn tiếp tục thì phải chịu chi phí không nhỏ” - Quân kể lại.
Đỗ Phương Mai và Bùi Đỗ Minh Quân (học sinh Trường THPT Chuyên Trần Phú, Hải Phòng) đạt giải Nhất cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2016 - 2017 (Ảnh: Thanh Hùng)
Nhìn gia đình cùng bác chạy vạy chữa trị, Quân càng trăn trở khi nghĩ đến cảnh nhiều người, nhiều gia đình khác cũng đang từng ngày chống chọi, giành giật sự sống với căn bệnh quái ác.
“Những cuộc thử nghiệm như thế rất tốn kém mà không phải gia đình nào cũng có thể theo được. Tuy nhiên thường chỉ sau một năm sử dụng, những viên thuốc này dường như cũng mất tác dụng, cơ thể lờn thuốc và chỉ số tế bào ung thư trong máu lại tăng lên.
Vì vậy, em nghĩ đến việc phải tìm ra cách nào đó để giúp đỡ bác, và xa hơn là có thể giúp cho những người bị ung thư khác. Hoặc đơn giản chỉ là cầm cự với căn bệnh trong thời gian dài hơn với một chi phí thấp hơn" - Quân đã nghĩ như vậy.
May mắn cho Quân, khi trong quá trình theo dõi quá trình điều trị của bác, em thấy ông của em - vốn là một thầy lang chuyên bốc thuốc - thường sắc thuốc từ cây gừng gió cho bác uống thêm và phần nào đó có tác dụng.
“Ông sắc thuốc cho bác uống sau cuộc điều trị ung thư máu và em thấy có tác dụng một phần nào đấy, bởi xét nghiệm thấy tế bào ung thư giữ ổn định, không tăng lên. Qua tìm hiểu tài liệu, em cũng biết Zerumbone có khả năng chống ung thư rất mạnh nhưng do một số hạn chế như không thấm qua được màng tế bào con người, nên chưa được sử dụng nhiều. Vì vậy, nó hầu như chỉ dừng lại như là thực phẩm chức năng hỗ trợ trong việc điều trị ung thư”.
Do đó mà Quân muốn thử một bước mới trong việc khai thác hợp chất này.
“Chúng em hy vọng có thể tạo ra các dẫn xuất từ Zerumbone nhưng có thể vào được tế bào con người và trở thành một loại thuốc đặc trị ung thư. Từ việc đặt ra một giả thiết khoa học là tác động vào một vị trí khác, chúng em quyết tâm thử nghiệm nó và thu được kết quả khá thành công như hôm nay” - Quân nói.
Ý tưởng là vậy, nhưng vì đề tài liên quan nhiều đến Hóa - Sinh, vốn là một học sinh chuyên Lý, Quân nghĩ phải cần thêm sự hỗ trợ từ một học sinh chuyên Hóa của trường là bạn Đỗ Phương Mai.
Phương Mai vốn có chút kinh nghiệm khi năm ngoái em giành được giải Nhì ở lĩnh vực sinh học ở một cuộc thi nghiên cứu khoa học.
“Em cũng muốn tham gia một đề tài nghiên cứu có thể giúp ích được nhiều cho đời sống con người, và cũng đang rất muốn nghiên cứu về ung thư. Tình cờ anh Quân lại trao đổi về ý tưởng, ngay lập tức em đồng ý tham gia” - Mai chia sẻ.
Mai cho biết các dẫn xuất mà các em chế ra vượt trội hơn hoạt chất Zerumbone ban đầu và chưa hề có trên thị trường khi có khả năng phân cực tốt hơn hay tan trong màng tế bào con người tốt hơn, qua đó tăng hiệu quả điều trị ung thư.
“Trên thị trường hiện chưa có mà chỉ mới dừng lại là một hợp chất thiên nhiên trong cây gừng gió, trong khi dù nó có hoạt tính chống ung thư rất mạnh, nhưng lại kém phân cực và gần như không tan trong nước. Do đó chúng em muốn chuyển hóa nó thành một chất dễ tan hơn và tăng hoạt tính chống ung thư của nó lên nhiều lần”.
Hy vọng chế ra thuốc chữa trị ung thư mạnh
Nghĩ là bắt tay vào thực hiện, song để đến được kết quả ngày hôm nay, đôi bạn gặp không ít khó khăn.
Đặc biệt, chi phí để mua những hóa chất trong quá trình thực hiện nghiên cứu rất tốn kém.
“Có những lọ hóa chất nhỏ thôi nhưng tới 350 nghìn đồng/ lọ, trong khi phải dùng đến rất nhiều và thậm chí phải làm nhiều lần thì chúng em mới có thể thành công” - Quân cho biết.
Nhưng nhờ sự hỗ trợ của gia đình và thầy cô giáo, đôi bạn cuối cùng cũng đã vượt qua với thành công ngoài mong đợi: Những dẫn xuất mới mà các em tổng hợp ra qua nghiên cứu cho thấy có thể mạnh hơn Zerumbone gấp 10 lần.
“Nếu so sánh với một đột chứng được dùng rất nhiều để đo mức độ gây độc tế bào ung thư, thì những dẫn xuất của chúng em gần như hoạt tính xấp xỉ với đột chứng này” - Quân đưa dẫn chứng.
Hiện nay, các em đã thử nghiệm các dẫn xuất này trên các dòng ung thư của người và môi trường thạch mềm - một dạng môi trường mô phỏng trên tế bào con người.
Nói về hướng đi trong tương lai, cả hai chia sẻ: “Chúng em mới chỉ dừng lại ở việc điều chế, tổng hợp những dẫn xuất mới, còn sản xuất ra thuốc hay không là một quá trình rất dài và cần sự giúp đỡ của nhiều nhà khoa học, bao gồm việc thử nghiệm trên động vật và bước cuối cùng là thử nghiệm trên cơ thể người.
Thời gian tới, chúng em sẽ nghiên cứu cơ chế đích về chống ung thư cũng như gây độc lên tế bào lành của các chất. Từ đó, xác định xem liều lượng thuốc như thế nào là phù hợp cho từng bệnh nhân”.
Với những gì đã làm được, dự án "Tổng hợp các dẫn xuất mới từ Zerumbone và đánh giá tiềm năng sử dụng trong điều trị ung thư” của hai học sinh này đã được Ban tổ chức trao giải Nhất tại Cuộc thi khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học năm học 2016 - 2017 vừa qua.
Nguồn: Thanh Hùng
Báo VNNET.