Một số vụ bạo hành trong thời gian gần đây cho thấy sự dã man và tàn bạo, vô nhân tính của những người chồng. Những trận đòn roi “tra tấn” của đức lang quân khiến không ít phụ bị chấn thương nặng, thậm chí tử vong...
Nạn nhân của những ông chồng “quỹ dữ”
Mặc dù cả xã hội đang lên án những hành vi bạo lực gia đình, đặc biệt là đối với những người phụ nữ, thế nhưng hàng ngày, hàng giờ ở đâu đấy trên đất nước này vẫn có những người phụ nữ phải hứng chịu những “tra tấn” tàn nhẫn từ chính người chồng của mình.
Chắc hẳn mọi người không thể quên câu chuyện người chồng đánh chết vợ vì phát hiện trong củ khoai mình ăn có hạt sạn, xảy ra tại tỉnh Hải Dương hồi đầu năm ngoái. Vũ Tiến Đại (SN 1976, trú tại thôn An Lại, xã Cẩm Đông, huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương), sau một buổi chiều đi làm về thấy vợ mình là Phan Thị Hiền (SN 1977) đang ngồi ăn khoai cùng mấy đứa con ở ngoài sân nên đã ngồi xuống ăn cùng mọi người. Tuy nhiên trong lúc ăn khoai Đại phát hiện trong củ khoai mình đang ăn có hạt sạn nên đã có lời lẽ trách móc vợ, rồi dùng chân phải đá mạnh vào mạng sườn trái của chị Hiền khiến chị ngã gục xuống đất. Cú đá oan nghiệt này đã cướp đi mạng sống của người vợ bao năm chung sống với Đại.
Cuối tháng 10/2011, hành vi tra tấn dã man người vợ của Nguyễn Tiến Thịnh (trú tại phường Hùng Vương, thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc) đã gây nên làn sóng căm phẫn trong dư luận xã hội. Chỉ vì mâu thuẫn trong gia đình, Nguyễn Tiến Thịnh đã dùng mọi thủ đoạn đê hèn để đánh đập "tra tấn" người vợ là Lê Thị Lý trong nhiều ngày khiến chị phải nhập viện trong tình trạng đa chấn thương.
Không chỉ tra tấn, đánh đập, Nguyễn Tiến Thịnh còn bắt chị Lý xem lại video hắn quan hệ với người tình rồi buộc chị phải quan hệ đúng với những gì mà trong video. Thậm chí Thịnh còn quay lại video lại cảnh đánh đập vợ rồi mở cho chính mẹ vợ xem… Hành vi tra tấn vợ dã man của Thịnh đã phải trả giá bằng 5 năm tù giam.
Gần đây nhất, vào ngày 23/6 vừa qua, chỉ vì mâu thuẫn vợ chồng dẫn tới cãi vã, ông Nguyễn Văn Hiền (SN 1950, trú tại xóm 6, xã Đốc Tín, huyện Mỹ Đức, Hà Nội) đã cầm dao đâm vợ liên tiếp cho hả giận. Hậu quả, bà Nguyễn Thị C (SN 1952) phải đi cấp cứu tại bệnh viện với nhiều thương tích trên người, trong đó có vết thương thủng ruột do bị chồng đâm. Tuy nhiên, bà C. vẫn cho rằng việc xảy ra với bà chỉ là sự nóng giận nhất thời của chồng chứ không có gì to tát. Bà cũng không muốn vì vụ việc này mà gia đình bà tan nát nên mong mọi chuyện được giải quyết theo hướng nhẹ nhàng, không đưa ra pháp luật.
Trước đó, đêm 14/5, chồng bà Trần Thị Thu Hằng (47 tuổi, ở Thanh Xuân, Hà Nội) đi uống rượu về đã cầm chai rượu đánh liên tiếp vào đầu, bả vai rồi xé quần. Quá sợ hãi, bà Hằng đã nhảy từ lan can tầng 2 xuống đất khiến bất tỉnh phải đưa vào bệnh viện cấp cứu. Đây không phải lần đầu tiên người phụ nữ này bị chồng bạo hành, tháng 7/2011, do nghi ngờ vợ ngoại tình, chồng bà đã trói vợ bằng xích sắt rồi đánh đập suốt nhiều tiếng. Khi được giải cứu, nạn nhân đã ngất xỉu vì đói và đau đớn. Một ngày sau, người chồng vũ phu bị bắt tạm giam. Nhưng sau đó ông này đã được công an thả về.
Chị Lê Thị Lý bị chồng đánh đập dã man
Vì sao người phụ nữ bị bạo hành?
Trên đây là một trong số vô vàn những vụ bạo hành đã xảy ra. Theo khảo sát của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, có đến gần 60% phụ nữ Việt Nam cho biết đã từng là nạn nhân của ít nhất một hình thức bạo hành. Như vậy, cứ 3 phụ nữ có gia đình hoặc từng có gia đình được hỏi thì 1 người đã từng bị chồng bạo hành về thể xác hoặc tình dục. Độ tuổi bị bạo hành chiếm tỷ lệ cao nhất là từ 18-24 tuổi.
Chỉ thống kê sơ bộ, năm 2011 đã có hơn 30.000 vụ bạo lực gia đình, trong đó có gần 15.000 vụ bạo lực với phụ nữ và trẻ em. Vậy nguyên nhân nào khiến người phụ nữ bị bạo hành? Có nhiều nguyên nhân dẫn đến bạo hành đối với phụ nữ song nguyên nhân sâu xa chính là do yếu tố nhận thức. Bạo lực gia đình chính là một biểu hiện của sự bất bình đẳng giới, là sản phẩm của chế độ gia trưởng. Các yếu tố khác như tệ nạn xã hội, kinh tế, mâu thuẫn gia đình, ngoại tình… được xem là nguyên nhân trực tiếp của bạo lực, làm gia tăng nguy cơ của bạo lực gia đình. Ngoài ra, việc phổ biến, tuyên truyền Luật Phòng chống bạo lực gia đình đến người dân cũng chưa hiệu quả, các quy định của luật chưa đi vào thực tế cũng là nguyên nhân khiến nạn bạo hành phụ nữ gia tăng.
Điều đáng buồn nhất trong các vụ bạo lực gia đình xảy ra ở Việt Nam là vụ việc chỉ được phanh phui khi báo chí lên tiếng hoặc do hàng xóm tốt bụng trình báo. Tâm lý "xấu chàng hổ ai" khiến cho nhiều người không đủ dũng cảm để kể về việc mình bị bạo hành. Có đến 90% phụ nữ bị bạo hành chọn cách im lặng đã khiến cho chúng ta không khỏi day dứt, bởi những hậu quả đáng sợ của bạo hành ai cũng biết rõ. Có lẽ vì thế mà nhiều vụ bạo hành thể hiện sự dã man, ngang tàn và nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật.
Có thể nói, bạo lực gia đình không còn đơn thuần chỉ là hành vi đánh đập ngược đãi về thể xác, về tinh thần… mà còn là hành vi phạm tội nghiêm trọng. Bạo lực gia đình đã tạo lên những bi kịch vô cùng đau xót cho nhiều thế hệ và gây ra những hệ lụy tiêu cực cho sự phát triển của xã hội. Người phụ nữ bị bạo hành phải chịu biết bao bất hạnh cả về thể xác lẫn tinh thần.
Để chống lại tình trạng bạo hành gia đình thiết nghĩ các cơ quan chức năng cần phối hợp chặt chẽ và đưa ra những giải pháp toàn diện, lâu dài và đi sâu vào cuộc sống. Mặt khác, bản thân người phụ nữ cũng cần ý thức tốt hơn về bản thân mình, từ đó có ý thức tự bảo vệ bản thân khỏi sự bạo hành.
Theo Vnmedia.