Hàng giả "tấn công" chợ vùng cao Tại chợ phiên ở nhiều vùng miền núi, tình trạng hàng giả, hàng nhái, đặc biệt là những mặt hàng tiêu dùng, thực phẩm kém chất lượng… được bày bán công khai ở mức đáng báo động. Giá rẻ chính là một trong những nguyên nhân khiến người dân dễ dàng mua phải hàng giả, hàng nhái.

 Chợ nông thôn, miền núi ngày nay đã dần thay đổi theo cơ chế thị trường, ngoài những sản phẩm từ nuôi trồng, đồng ruộng, hàng hóa giờ đã trở nên phong phú hơn trước. Tại các chợ nổi tiếng miền núi phía Bắc như: Bắc Hà, Simacai (Lào Cai), Hoàng Su Phì, Đồng Văn (Hà Giang), Bà Cò (Hòa Bình), Mường Chà (Điện Biên), Sìn Hồ (Lai Châu)..., hàng hóa rất đa dạng có từ giày dép, quần áo, gia vị thực phẩm... đến những vật dụng thiết yếu trong gia đình, đa phần được tư nhân từ dưới xuôi mang lên, đáp ứng những nhu cầu thiết yếu của người dân vùng cao.

Tuy nhiên, điều đáng nói là mặc dù phải vận chuyển từ dưới xuôi lên, chi phí lớn, nhưng giá các mặt hàng tiêu dùng vẫn “mềm” hơn hàng cùng loại ở khu vực đồng bằng. Tại sao có nghịch lý như vậy?

Cất công tìm hiểu tại một vài khu chợ mới thấy, phần lớn hàng hóa không có nguồn gốc xuất xứ, hoặc nếu có chỉ là tên nhái của nhiều thương hiệu nổi tiếng trong nước.

Như mặt hàng mỹ phẩm, dầu gội Sunsilk bị nhái thành Sunsilek, nước rửa chén Sunlight thành Sunlighter, bột giặt Tide thành Tise... Mặt hàng quần áo, chăn ga không nhãn mác được bày bán công khai dưới hình hình thức xe lưu động, đi đến đâu cũng bắc loa rao bán “Hàng Việt Nam chất lượng cao”, “Hàng Sài Gòn cao cấp”… với những chương trình xả hàng, khuyến mãi. Tuy nhiên thì tất các các sản phẩm này không rõ xuất xứ, thương hiệu, hoặc gắn với những cái tên “vô tội vạ” nào đó mà người tiêu dùng ở vùng cao thì không thể biết được. Các mặt hàng chăn, ga, gối có dán mác na ná Hàn Quốc được bày bán đổ đống, với đủ chủng loại, kích cỡ. Một bộ chăn, ga hiệu Eveton (nhái thương hiệu Everon) có giá từ 300.000- 500.000 đồng; bộ chăn ga nhãn hiệu Hacovic giá 400.000 đồng...

Giá rẻ là “ưu điểm” của các loại hàng nhái để thu hút người tiêu dùng. Tuy nhiên, với mặt hàng thực phẩm chế biến, đồ uống, bánh kẹo... nếu chỉ vì rẻ mà người tiêu dùng sử dụng hàng kém chất lượng thì thật nguy hại. Lên chợ vùng cao, ghé các hàng giải khát mới thấy sự phong phú của các sản phẩm, nước giải khát, từ những lon nước ngọt với tên gọi na ná Pepsi, CocaCola không ghi địa chỉ sản xuất, hạn sử dụng, được bán với giá 3.000- 4.000 đồng/lon, đến những loại nước hoa quả đóng chai nhựa đủ màu sắc với giá chỉ 2.000 đồng. Bánh kẹo đủ các nhãn hiệu, thương hiệu, đủ màu sắc bắt mắt nhưng giá chỉ bằng một nửa, thậm chí chỉ bằng 1/3 giá các sản phẩm cùng loại ở dưới xuôi...

 

Qua tìm hiểu được biết, ngoài những hàng hóa có xuất xứ từ Trung Quốc do dân buôn lậu mang về, tại các chợ vùng cao, hàng giả, hàng nhái được cung cấp từ các “lò” hàng giả như Đình Bảng (Bắc Ninh), Thổ Tang (Vĩnh Phúc). Tùy vào sự đặt hàng của dân buôn mà các lò sản xuất, cung cấp đưa ra những loại hàng hóa với các loại giá khác nhau, giá nào cũng sản xuất được. Và, hàng giả cứ thế tấn công chợ vùng cao.

Theo Báo công thương.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC