Dưới tác động của việc bị mất điện liên tục, có lúc còn không được thông báo trước, việc này đang khiến hàng loạt doanh nghiệp rơi vào hoàn cảnh phải đóng cửa sản xuất, lao động phải bị nghỉ làm, có nơi hàng nghìn vật nuôi chết vì không kịp trở tay khi mất điện,… Nhiều người dân bức xúc vì thiệt hại ấy ai sẽ chịu trách nhiệm.

1 Hang Loat Doanh Nghiep Bi Mat Dien San Xuat Lien Tuc Dan Toi Thua Lo

Nhiều doanh nghiệp phản ánh việc mất điện liên tục khiến tình hình sản xuất, kinh doanh bị ảnh hưởng nghiêm trọng. (Ảnh minh họa: baobacninh.com.vn)

Gần một tuần trôi qua, anh Cao Văn Thìn (SN 1988, trú xã Diễn An, huyện Diễn Châu, Nghệ An) vẫn buồn bã khi gần 1.000 con gà gần đến ngày xuất bán bị chết do sốc nhiệt, thiệt hại khoảng 100 triệu đồng, theo báo Việt Nam Net.

Sự cố mất điện xảy ra vào khoảng 9h sáng hôm 3/6, nhưng mãi hơn 1 giờ sau, anh Thìn mới nhận được thông báo mất điện. Thời tiết nắng nóng, nhiệt độ chuồng tăng cao khiến gà bị ngạt, sốc nhiệt và chết nhanh.

Dịp này ông Nguyễn Xuân Sơn (SN 1959, trú xã Diễn Kim, huyện Diễn Châu), chủ một trang trại nuôi tôm, cũng phải túc trực 24/24h ở hồ nuôi rộng khoảng 2.000m2.

“Tôi phải mua, tích trữ hàng chục lít dầu ở trang trại. Khi bị cắt điện, phải nổ máy phát ngay để duy trì dàn quạt tạo oxy hoạt động trong hồ nuôi”, ông Sơn nói.

Vào ngày 9/6, Hiệp hội dịch vụ logistics, Hiệp hội Đại lý, môi giới và dịch vụ hàng hải, Hiệp hội Chủ tàu đã có công văn gửi Tập đoàn Điện lực (EVN) về việc cung cấp điện cho các cảng khu vực Hải Phòng, theo báo Thanh Niên.

Theo các tổ chức này, tình trạng mất điện do sự cố, cắt điện luân phiên diễn ra thường xuyên tại khu vực. Trong khi đó, hoạt động khai thác cảng phải luôn luôn đảm bảo cam kết năng lực phục vụ 24/7 cho tất cả khách hàng, hãng tàu.

Vì vậy, việc cắt điện đã khiến nguy cơ doanh nghiệp phải đền bù thiệt hại rất lớn cho số ngày tàu nằm chờ tại cảng, làm giảm sút nghiêm trọng chất lượng dịch vụ, xuống cấp nhanh chóng trang thiết bị, ảnh hưởng đến an toàn lao động và đặc biệt là nguy cơ mất khách hàng.

Ông Phạm Quốc Long, Chủ tịch Hiệp hội Đại lý, môi giới và dịch vụ hàng hải Việt Nam cho biết cầu cẩu, trục… đều sử dụng điện, không còn chạy bằng dầu như trước nữa, nên việc bị cắt điện gây thiệt hại rất lớn cho doanh nghiệp.

Cắt điện là mọi hoạt động tại cảng phải ngưng hoàn toàn. Trong khi mỗi tàu nằm tại cảng mất 30.000 – 40.000 USD/ngày, hằng ngày có khoảng 20 – 30 tàu vào cảng Hải Phòng.

Bà Phạm Anh, Giám đốc kinh doanh một công ty may gia công lớn tại Bắc Giang, bức xúc: “Mới có tí đơn hàng để làm, điện cắt 3 lần trong 1 tuần, làm thế nào để kịp giao hàng đúng hẹn.“

“Hơn nữa, để kịp đơn hàng, ban ngày bị cúp điện, chúng tôi cho công nhân nghỉ, bù lại phải làm đêm. Làm đêm lại trả thêm chi phí nhân công”, bà Phạm Anh cho biết.

Bộ Công thương vừa quyết định thanh tra việc cung ứng điện của Tập đoàn EVN từ ngày 10/6 nhưng nhiều người cho rằng có thể “vừa đá bóng, vừa thổi còi” vì cũng chính Bộ này đang quản lý EVN.

Theo dự báo của lãnh đạo Bộ Công thương, việc thiếu điện trầm trọng ở miền Bắc có thể kéo dài đến tháng 7, tháng 8 (vì năm nay nhuận nên tháng hè kéo dài thêm 1 tháng). Điều này ảnh hưởng ngày càng lớn đến sinh hoạt, kinh doanh và sản xuất của người dân.

Đức Minh




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC