Hàng loạt tài xế xe buýt đình công Sáng 22/4, hơn 50 lái, phụ xe tuyến 41 bỏ xe buýt trong bãi, tụ tập ở bến Giáp Bát (Hà Nội) đình công, khiến hàng trăm khách đi tuyến buýt trên đứng chờ tại các bến mà không hiểu sao không có xe chạy.

8h30 sáng, sau khi chạy một lượt từ Giáp Bát đến Nghi Tàm trở về, hơn 50 lái phụ xe buýt tuyến buýt 41 ngồi chật kín trong khu vực nhà xe trước cổng bến xe Giáp Bát.

Lái xe Lê Ngọc Chính cho biết, lý do đình công là để phản đối những quy định của công ty xe buýt Bắc Hà. Những năm trước, hầu hết lái, phụ xe tuyến 41 (Giáp Bát - Nghi Tàm) đều được ký hợp đồng 3-4 năm, nhưng đầu năm 2009, lãnh đạo công ty thay đổi hợp đồng theo hình thức một năm.

"Đây là hình thức “né” nâng bậc lương cho chúng tôi, vì nếu theo hợp đồng lao động cũ, những người làm đủ thời hạn 3 năm sẽ được nâng bậc", anh Chính cho biết.

Theo anh Chính, công ty còn đưa ra nhiều quy định để phạt công nhân. Mỗi lần sót vé, phụ xe sẽ bị phạt 150.000 đồng, mới đây mức phạt được nâng lên 900.000 đồng. Ngoài ra, nếu không chốt lệnh bị phạt 100.000 đồng, xe bẩn phạt 350.000 đồng...

"Lương lái xe chỉ còn 3 triệu đồng một tháng, phụ xe 1-1,2 triệu đồng. Nếu một tháng không may chúng tôi quên vé một lần thì coi như hết lương", một phụ xe lên tiếng.

Đến đầu giờ chiều, lãnh đạo Công ty xe buýt Bắc Hà đã điều một xe buýt xuống bến xe Giáp Bát, nơi các công nhân này đang đình công mời lên xe và đóng cửa họp kín. Phía dưới bến, hàng chục khách đi xe buýt ngơ ngác chờ xe mà không hiểu chuyện gì đang xảy ra.

Đứng chờ xe buýt tại bến xe, 5 học sinh từ Trường THCS Thường Tín (huyện Thường Tín, Hà Nội) lên thăm Văn Miếu ngỡ các tài xế đang họp giao ban. Sau khi chờ đợi hàng tiếng không thấy mở cửa đón khách, được một số xe ôm xe biết, tài xế và phụ xe đang đình công, cả 5 cuống cuồng đi tìm tuyến buýt khác để thay thế.

"Chúng em không hay đi xe buýt lắm, nghe nói muốn đến Văn Miếu phải bắt xe 41. Vào bến đợi từ đầu giờ chiều, nhưng bây giờ đã 3h30 vẫn không thấy chạy. Không biết giữa họ có khúc mắc gì nhưng như thế này thì không công bằng với hành khách", một nữ sinh tên Hoa nói.

Anh Nguyễn Thành Nam, hành nghề xe ôm tại bến xe Giáp Bát cho biết, suốt từ sáng khi các tài xế đình công, hàng chục học sinh sinh viên vào bến chờ đợi không được phải bỏ đi tìm xe khác.

Hàng loạt tài xế xe buýt đình công _0
Khách đi xe nghe ngóng tình hình. Ảnh: Xuân Tùng

Trao đổi với VnExpress.net, ông Nguyễn Văn Hùng, phụ trách điều hành Công ty xe buýt Bắc Hà cho biết, nguyên nhân dẫn đến việc lái xe tụ tập đình công là do một số lái phụ xe vi phạm quy chế của công ty bị xử phạt nên đã tụ tập và đứng ra đe dọa các tài xế đang chạy, buộc họ đình công. Công ty đã báo cáo việc này với công an thành phố và yêu cầu giúp đỡ.

Với những thắc mắc của lái phụ xe buýt đưa ra, ông Hùng cho biết, thời gian ký hợp đồng trước đây đã quá lâu. Đầu năm 2009, khi thực hiện mức lương mới công ty rà soát theo nhu cầu và ký lại hợp đồng lại với công nhân nhưng vẫn đảm bảo quyền lợi của người lao động, hoàn toàn không có chuyện "né" việc nâng lương.

Ông Hùng cho biết, những công nhân làm việc đủ 3 năm đều được nâng lương, đóng bảo hiểm xã hội và hưởng các chế độ khác theo nội quy của công ty. Còn việc nâng mức xử phạt là do yêu cầu của phòng Quản lý giao thông đô thị thành phố.

"Việc này cũng nhằm thiết lập kỷ cương và nâng cao chất lượng phục vụ hành khách được tốt hơn. Chiều nay sau khi lãnh đạo công ty xuống làm việc các lái, phụ xe đã đồng ý làm việc trở lại. Hy vọng sáng mai tuyến buýt sẽ trở lại hoạt động bình thường", ông Hùng nói.

Công ty xe buýt Bắc Hà hiện có 12 xe chạy tuyến Giáp Bát - Nghi Tàm, với 52 lái, phụ xe, mỗi ngày chạy 192 lượt.

Theo Vnexpress.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC