Hàng nghìn hộ dân Hà Nội vẫn “khốn khó” trong nướcCác hộ dân sống quanh lưu vực sông Nhuệ vẫn đang phải sống chung với lụt.

Tính đến ngày 10/11, hàng nghìn hộ dân ở 12/29 quận, huyện trọng điểm thuộc Hà Nội sống chung với lụt. Nhiều xã, thị trấn vẫn đang bị chia cắt, cô lập, đời sống người dân vô cùng khốn khó khi cầm cự chỉ bằng mì tôm và nước lọc nhiều ngày qua…

Tập trung cao độ cho công tác tiêu úng, đặc biệt ưu tiên cho khu dân cư, khu công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và các trục đường giao thông chính trên các địa bàn quận, huyện còn bị ngập sâu trong lụt, đó là nội dung chỉ đạo do ông Nguyễn Duy Hùng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội nhấn mạnh trong cuộc họp giao ban công tác khắc phục hậu quả mưa lũ sáng nay (10/11).

Theo báo cáo nhanh của các quận, huyện, vấn đề nổi cộm là còn hàng nghìn hộ dân vẫn ngập trong nước, cầm cự, chống chọi với thiếu ăn, thiếu uống trong suốt hơn 10 ngày nay. Ông Lê Danh Ngân, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức cho biết, toàn huyện có đến 2.100 hộ với hơn 10 nghìn dân vẫn đang sống trong cảnh nước ngập đến… rốn. Riêng xã Lại Yên của huyện Hoài Đức có đến 1.200 hộ dân bị ngập, đường về các thôn, xóm hầu như bị chia cắt hoàn toàn.

Huyện Thạch Thất cũng có đến 2.239 hộ với hơn 10 nghìn dân bị ngập lụt. Huyện Từ Liêm có 1.320 hộ bị ngập. huyện Quốc Oai có 531 hộ bị ngập nặng… Tuy nhiên, việc tiêu úng cho các khu dân cư bị ngập nặng tại các huyện diễn biến hết sức chậm. Nguyên nhân do các trạm bơm tiêu úng ở các xã, thị trấn hầu như tê liệt hoàn toàn với “trận lụt lịch sử” vừa qua.

Ngừng bơm nước ra sông Nhuệ, Hà Nội lụt trở lại

Bà Nguyễn Thị Mai Lan, Phó Ban công tác phòng chống bão lụt huyện Hoài Đức cho biết, tính đến ngày 10/11, các trạm bơm ở huyện một là “không bơm được”, hai là “không được bơm”. Các trạm bơm không hoạt động được do nước ngập trạm, máy móc “chết cứng”. Những trạm bơm có cốt nền cao hơn, có thể hoạt động được thì cũng “không được bơm” vì chỉ đạo của thành phố không được bơm nước ra sông Nhuệ sẽ gây ngập lụt Hà Nội trở lại.

Cũng theo báo cáo nhanh của các huyện, nhiều xã, thị trấn còn bị cô lập, chia cắt do ngập úng, nhiều nơi chưa có điện, nước sạch nên đời sống người dân rất khốn khó. Bà Nguyễn Thị Huệ, Phó Chủ tịch UBND huyện từ Liêm lo lắng về nguy cơ ô nhiễm môi trường ở những khu dân cư bị ngập úng nhiều ngày qua.

Bà Nguyễn Thị Mai Lan, huyện Hoài Đức cho biết, toàn huyện có 35.145 con gà, 354 con lợn bị chết vì mưa lụt. Điều đáng nói là lượng gia cầm, gia súc chết bị tiêu hủy bừa bãi, hầu hết vứt thẳng ra đồng ruộng trôi nổi mà không được thu gom đúng cách. “Nếu nước cứ đứng ỳ một chỗ như hiện nay thì đời sống nhân dân xã rất khó khăn, nguy cơ bùng phát dịch bệnh là không tránh khỏi”, bà Lan lo lắng.

Ông Trịnh Duy Hùng, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội khẳng định, lãnh đạo Hà Nội quan tâm đặc biệt đến việc khắc phục lũ lụt, hỗ trợ đời sống người dân trong vùng ngập úng. Trước mắt sẽ tập trung cho công tác tiêu úng ở các vùng còn bị ngập nặng, ưu tiên cho các khu dân cư, khu kinh tế cũng như công trình giao thông công cộng.

Lãnh đạo thành phố cũng yêu cầu các ngành, địa bàn liên quan tiến hành kiểm kê, đánh giá một cách toàn diện những thiệt hại về mưa lũ trên địa bàn, từ đó đề xuất các phương án, giải pháp khắc phục lũ lụt hiệu quả, nhằm giúp dân nhanh chóng ổn định, tái sản xuất trở lại.

Sông Lam
Dân trí




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC