Tối 7/2, tại TP.HCM, hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức lễ trao danh hiệu Hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2018 cho 640 doanh nghiệp.
Trước đó, ban Tổ chức (BTC) đã thực hiện cuộc điều tra bình chọn trong gần 4 tháng bằng cách phỏng vấn trực tiếp 13.000 hộ gia đình và 3.000 điểm bán lẻ tại 12 tỉnh, thành phố nhằm ghi nhận ý kiến bình chọn đánh giá của người tiêu dùng và thu về 17.300 phiếu bình chọn đạt chuẩn.
Từ đó, kết quả sơ bộ gồm 834 doanh nghiệp được người tiêu dùng bình chọn, trong đó có 138 doanh nghiệp lần đầu tiên đạt số phiếu bình chọn.
Lễ công bố Hàng Việt Nam chất lượng cao năm nay đã có nhiều thay đổi nhằm nâng cao sức cạnh tranh.
Sau các vòng đánh giá, kết quả cuối cùng là chỉ có 640 doanh nghiệp đủ điều kiện đạt nhãn hiệu chứng nhận Hàng Việt Nam chất lượng cao năm 2018.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao cho biết: “Lễ công bố năm nay được tổ chức trễ hơn các năm trước vì chúng tôi áp dụng thêm hình thức khảo sát online, đi sâu vào điều tra bán lẻ. Với thay đổi này, chúng tôi mong muốn hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp địa phương, vốn không có điều kiện để chiếm lĩnh thị trường tại các thành phố lớn, thì vẫn có thể đủ phiếu để tham gia vào danh sách được bình chọn”.
Để đáp ứng xu thế hội nhập và giúp doanh nghiệp xuất khẩu hàng hóa ra các thị trường khó tính, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao đã đồng thời xây dựng bộ tiêu chí, xem xét và trao chứng nhận “Hàng Việt Nam chất lượng cao – Chuẩn hội nhập” cho 66 doanh nghiệp trong lĩnh vực thực phẩm.
Đây là một lợi thế, là lời cam kết vững chắc về chất lượng của các doanh nghiệp thực phẩm trong điều kiện cạnh tranh gay gắt với hàng ngoại như hiện nay.
Tiếp tục trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, bà Kim Hạnh chia sẻ:
“Qua những dịp tiếp xúc thế này, các doanh nghiệp đã nói lên nhu cầu bức thiết nhất của mình, chính là được cập nhật chính xác và kịp thời những thông tin thị trường thay đổi, điều chỉnh trong chiến lược kinh doanh. Vì lẽ, trước giờ chúng ta nói thị trường xuất khẩu, tức là đem hàng Việt sang các thị trường nước ngoài. Nhưng bây giờ, hàng hóa nước ngoài đã tràn ngập trong nước, đặc biệt là thành phố lớn. Các doanh nghiệp Việt đang chiến đấu khốc liệt trên chính sân nhà”.
“Sở dĩ hàng hóa nước ngoài tấn công mạnh mẽ vào thị trường Việt khá hiệu quả vì họ biết tạo nên các chuỗi giá trị bằng cách liên kết với nhau. Mà điều này thì các doanh nghiệp Việt vẫn còn dè chừng”, bà Hạnh nói thêm.
Bà Vũ Kim Hạnh kết luận:
“Chúng ta nói về hàng Việt Nam chất lượng cao do người tiêu dùng bình chọn nhưng khi hội nhập thế giới, người ta đòi hỏi đẳng cấp thật, chất lượng thật của sản phẩm.
Chúng ta phải thừa nhận có thước đo thật của thị trường thế giới mà lâu nay chúng ta ít quan tâm. Vì thế, chính từ cách đánh giá danh hiệu như thế này, chúng ta phải có sự thay đổi, theo sát với tiêu chuẩn quốc tế để nâng cao sức cạnh tranh”.
Theo: Người Đưa Tin