Hãy cứu lấy 5 mạng người trong một gia đình!"Ở đây ai cũng khó khăn cả nhưng khổ bậc nhất là gia đình ông Mã ở cuối xóm ấy. Mạng sống cả nhà 5 người đang tính từng ngày từng giờ..."

"Nổi tiếng" nhất xóm chạy thận

Men theo ngõ 121 trên đường Lê Thanh Nghị, tôi tìm đến xóm những người chạy thận vào một buổi chiều muộn. Đối với những bệnh nhân chạy thận, việc chữa trị phải kéo dài cho đến khi hết đời vì vậy cuộc sống của họ gắn bó lâu dài với xóm trọ này, có người đến cả chục năm. Những thanh niên còn sức khỏe đều đi làm thêm, bươn chải cho cuộc sống hằng n gày, chỉ có số ít người già ở nhà.

Dọc theo hai bên ngõ nhỏ là những dãy nhà trọ thấp lụp xụp, ngổn ngang những nồi niêu bát đũa và quần áo giăng kín đường đi, đâu đó chỉ có vài người già không có việc gì đi đi lại lại. Trái với cảnh ồn ào, nhộn nhịp, tưng bừng ở nơi khu phố sầm uất nhất Hà Thành, xóm chạy thận chìm trong không khí lặng lẽ ảm đạm. Thỉnh thoảng hình ảnh những người nhà chuyển đồ của một bệnh nhân vừa mới qua đời càng làm cho không khí thêm u ám.Vào tới xóm, hỏi thăm quán nước đầu ngõ, ông chủ quán hắng dọng: “Ở đây ai cũng đều khó khăn cả nhưng khổ bậc nhất là gia đình ông Mã ở cuối xóm ấy. Mạng sống cả nhà 5 người vẫn đang treo lơ lửng. Ông ấy cả nhà bị thận cả”. Theo lời chỉ dẫn, tôi tìm vào căn nhà trọ lụp xụp nằm cuối dãy. Hơn 6 giờ tối, căn phòng ông Mã đã tối om như mực. Ở trong giường ông nói giọng thều thào mời tôi vào nhà chơi, ông từ từ dựng dậy đưa tay lần mò công tắc điện ngoài cửa.

Ông Mai Hồng Mã năm nay đã ngoài 70 tuổi. Ở cái tuổi gần đất xa trời như ông, nhiều người đã có cuộc sống an nhàn bên con cháu thì ông Mã từng ngày phải vật lộn trong đau đớn với căn bệnh quái ác, đau đáu với những giằng xé cõi lòng khi nghĩ về tình cảnh của gia đình mình khi có tới 5 người mắc phải căn bệnh thận quái ác

Ngồi co mình ở một góc giường, ông Mã ngậm ngùi kể lại quãng đời nhiều cay đắng của chính mình. Những năm 1966 – 1967, khi cuộc kháng chiến cứu nước đang bước vào giai đoạn gay go nhất, ông Mã là chiến sĩ có mặt ở hầu hết các chiến trường từ đường 9 Khe Xanh vào Tây Nguyên. Đã nhiều lúc ông Mã tưởng mình sẽ phải bỏ mạng nơi rừng thiêng nước độc và ông không nhớ nổi mình đã thoát chết trong bao nhiêu lần trong làn đạn của kẻ thù.

Ngày đất nước độc lập, ông trở về quê hương nhưng cùng với niềm vui đoàn tụ gia đình là nỗi đau xót  tột cùng khi ông khi biết mình bị dính phải chất độc màu da cam do quân đội Mỹ rải ở chiến trường Tây Nguyên và cũng mắc phải căn bệnh suy thận quái ác.

Hãy cứu lấy 5 mạng người trong một gia đình!_0
Ông Mã trầm tư kể chuyện cuộc đời mình

Nỗi đau chồng chất nỗi đau

Con trai cả của ông Mã, anh Mai Anh Tuấn (SN1976) khi vừa bước sang tuổi 20 cũng là lúc anh được biết mình mang “án tử hình” treo lơ lửng. “Hôm đó là ngày 1/1/1995, bác sĩ bảo là con tôi bị suy thận giai đoạn cuối nên có thể ra đi bất cứ lúc nào nếu không được chữa kịp thời. Mắt tôi hoa cả lên, đầu tôi quay cuồng không tin vào tai của mình”.

Em gái Tuấn, Mai Thị Thu cũng bị phát hiện ra bệnh viêm cầu thận sau đó không lâu. Là con gái, lại mắc căn bệnh quái ác này cũng gần như đồng nghĩa với việc Thu sẽ không biết thế nào đến một giấc mơ có được một gia đình hạnh phúc. Câu nói chan đầy nước mắt của Thu khiến ông Mã cũng phải quặn lòng "Con chịu hi sinh đời con để có đứa cháu cho gia đình mình an toàn một chút”. Ngờ đâu số phận của Thu không may mắn khi lấy phải một người chồng vũ phu,  say sưa tối ngày rồi về đánh vợ”. Thu cũng không thể nhớ hết bao nhiêu trận đòn roi cô phải hứng chịu từ người chồng bất nhân đó. Càng thấy con gái bất hạnh, ông Mã đau như cắt từng khúc ruột.

Kể đến đây, giọng ông Mã chùng hẳn xuống: "Trước đó có nhiều người đến hỏi cưới  cháu Thu nhưng tôi không dám gả. Sợ sức khỏe con bé lại suy yếu đi, sợ đi về nhà chồng phải làm nhiều, chồng con vào phát bệnh khổ nó”. Được người con dâu cả động viên, ông Mã cắn răng chấp nhận để Thu đi tìm duyên mới bên một thanh niên cũng bị suy thận. Hiện tại cả hai vợ chồng Thu cũng đang thuê nhà ở Hà Nội để cùng chạy thận.

Cứ mỗi khi nhắc tới người người con trai thứ 3, Mai Hồng Xuân, ông Mã lại trào nước mắt. Xuân sinh năm 1979 nhưng cũng tới tháng 5/1996 anh phát hiện ra căn bệnh suy thận quái ác. Sau 11 năm chống chọi để giành giật sự sống, anh đã qua đời năm 2006. “Cứ nói đến thằng thứ 3 tôi lại tủi thân vì thương cho nó. Suốt những năm biết mắc chứng suy thận, nó không biết đến một thứ đồ ăn ngon nào, chỉ dám ăn nhạt. Ăn cái kẹo cũng nhòm ngó mãi xem có muối ở đó không”, ông Mã vừa nói vừa đưa tay quệt nước mắt đang nhòe trên hai khóe.

Hãy cứu lấy 5 mạng người trong một gia đình!_1
Ông Mã vẫn thường đem tấm ảnh của cô cháu gái ở quê ra xem cho đỡ nhớ

Cô con gái út, Mai Thị Như (SN1981) lấy chồng ở quê và có con gái 2 tuổi. Thỉnh thoảng bà Trần Thị Hòa ( vợ của ông Mã) từ dưới quê lên vẫn thường đem theo các tấm ảnh mới nhất của đứa cháu nhỏ cho ông xem. Ông Mã cầm trên tay tấm hình đứa cháu gái, đầu gật gật: “Mặc bộ này trông nó lớn ghê anh ạ. Nó chưa được 2 tuổi cơ đấy”.

Khi tôi hỏi chuyện, bà Hòa vẫn ngồi bên cạnh ông Mã chỉ biết khóc. Bà Hòa nhớ lại: “Lo lắng lắm, lần trước bị 1 đứa rồi. Sau đó phát hiện hai đứa tiếp theo tôi không dám nói với ông nhà. Hồi đó ông nhà tôi cùng anh Tuấn, con trai cả đang chữa bệnh ở Hà Nội, chỉ có mình tôi đưa chúng đi khám. Ông Mã chỉ được biết tin thông qua một người em họ xuống Hà Nội khám bệnh. Những ngày đó tôi đã khóc cạn nước mắt nghĩ thương con”

Khánh kiệt vì bệnh

Một gia đình có tổng cộng tới 5 người chạy thận thì tiền núi cũng hết chứ chưa nói đến trường hợp gia đình nghèo “nổi tiếng” như gia đình ông Mã. Bệnh viện rồi trạm xá ở huyện Ba Vì đều đã quen mặt với gia đình bệnh nhân “đặc biệt” này.

Nhiều thời gian nằm chữa bệnh ở bệnh viện Bạch Mai, ông Mã đã có ý định tìm đến cái chết để giải thoát cho người vợ khổ cực bao nhiêu năm, để không còn là gánh nặng cho gia đình. “Đã nhiều lần vì không có tiền, ông Mã đã gọi hết con cháu xuống Hà Nội bảo mọi người đưa ông về quê để chết nhưng mọi người nhất định không nghe. Còn nước thì còn tát. Không có tiền thì tôi đi vay mượn bà con làng xóm chứ quyết không để ông ấy ngừng chữa bệnh”, bà Hòa nghẹn ngào nói.

Hiện tại, trong gia đình cũng không còn thứ gì đáng tiền để bán. Với khoản chi phí khoảng 2 triệu đồng/tháng bà Hòa phải tìm mọi cách để xoay sở. Nhiều khi lứa lợn chưa đến ngày xuất chuồng, con gà con vịt chưa đủ cân... bà Hòa cũng phải về quê thu hoạch vội đem bán lấy tiền nuôi ông Mã những ngày ở Hà Nội.

Hãy cứu lấy 5 mạng người trong một gia đình!_2
Gánh nặng kinh tế đè hết lên đôi vai của bà Hòa

Hiện tại ông Mã được hỗ trợ trợ cấp chế độ là 700 nghìn/tháng. Những người con đẻ của ông được hỗ trợ 380 nghìn/tháng. Tuy nhiên anh Mai Anh Tuấn lại chỉ được theo tiêu chuẩn con cháu của người có công với cách mạng nên vẫn phải đóng 20% chi phí chữa bệnh tức là 1,2 triệu/tháng. Số tiền quá lớn đối với những người ở xóm chạy thận này. Tính trung bình, một tháng gia đình anh Tuấn phải mất gần 4 triệu đồng. Nhiều lần anh Tuấn về quê xin chuyển chế độ sang bảo hiểm người nghèo để mức đóng chỉ là 5% chi phí (tức 400 nghìn đồng) nhưng mong muốn ấy vẫn chưa thành hiện thực. Trước đây, lúc còn sức khỏe anh Tuấn còn chạy xe ôm, đánh giầy... để kiếm thêm thu nhập lo chi phí thuốc thang thì giờ đây mọi gánh nặng về kinh tế lại đặt lên đôi vai người vợ trẻ.

Mỗi ngày trôi qua là một ngày lo lắng lại đến với những thành viên trong gia đình ông Mã. Trước mắt họ là tiền nhà, tiền thuốc, tiền sinh hoạt... cần phải thanh toán trong khi túi họ đã không còn lấy một đồng. Không có tiền cũng là lúc tính mạng họ treo trên đầu sợi tóc...

Theo VTCNews.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC