Có lẽ đã đến lúc cần một phong trào “đòi lại vỉa hè quan chức”, thẳng tay loại bỏ những cán bộ, công chức “Sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, những “phẩm hàm” tuy “hữu danh” nhưng “vô thực” của thời “tràn lan cấp phó”.
Công cuộc đòi lại vỉa hè cho người đi bộ đã và đang nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ từ Đảng, Nhà nước, được nhân dân nhiệt liệt hoan nghênh.
Dù vấp phải sự phản ứng cả công khai lẫn ngấm ngầm, song, đã và đang đạt tới sự thành công đáng ghi nhận.
Bắt đầu từ một cuộc họp, ông Phó Chủ tịch Quận 1 của TP Hồ Chí Minh Đoàn Ngọc Hải “nổi máu”, xắn tay hùng hồn tuyên bố: “Nếu không dành lại được vỉa hè cho người đi bộ, tôi sẽ cởi áo từ quan”.
Nói là làm, ông Hải đã thẳng tay đập bỏ những công trình “dù chỉ lấn của vỉa hè một tấc đất”, với phương châm “không có vùng cấm” mà khởi đầu làm gương là các cơ quan nhà nước. Xe biển xanh, bốt gác cũng cẩu, dỡ, đập.
Theo gương ông, một làn sóng hưởng ứng được khơi dậy tại nhiều tình thành trong cả nước.
Tất nhiên, trong quá trình thực hiện, có những sơ suất như một xã nọ đốn cả hàng cây cổ thụ để làm thoáng vỉa hè. Tất nhiên, những sai sót là khó tránh khỏi và đã được kịp thời khắc phục.
Nhớ lại cách đây hơn 30 năm, Chỉ thị 36 của Chính phủ ban đầu cũng gặp không ít trở ngại. Đã từng có không ít những phản ứng tiêu cực, thậm chí từ những cán bộ có chức, có quyền.
Việc thứ hai có thể nhắc đến, đó là chỉ thị cấm đốt pháo, một truyền thống được coi như nét văn hóa đã từ ngàn năm của dân tộc cũng gặp phản ứng tương tự.
Tiếp theo, là việc bắt buộc đội mũ bảo hiểm khi lưu thông trên xe gắn máy. Khi đó, gần như có một “làn sóng” phản ứng từ dư luận.
Song, bằng biện pháp tuyên truyền, thuyết phục cộng với việc hạ giá mũ bảo hiểm và thái độ kiên quyết của Chính phủ, đến nay việc đội mũ bảo hiểm khi lưu thông trên xe máy là điều hiển nhiên, không phải bàn cãi.
Và hiệu quả, những vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng giảm rõ rệt.
Từ những việc trên cho thấy, một khi việc làm đó đúng, chính quyền kiên quyết, nhân dân ủng hộ thì không có bất cứ thế lực nào ngăn cản nổi.
Song, hiện nay người dân còn mong muốn sự quyết liệt không chỉ như cấm đốt pháo, đội mũ bảo hiểm hay giải phóng vỉa hè mà còn ở nhiều lĩnh vực khác, đặc biệt là công cuộc phòng chống tham nhũng.
Đã hơn 10 năm qua (6/2006) kể từ ngày Luật Phòng, chống tham nhũng có hiệu lực, tham nhũng vẫn là vấn đề rất nhức nhối. Tình trạng tham nhũng vẫn chưa thuyên giảm, các vụ tham nhũng sau thường to hơn, tinh vi hơn vụ trước. Trong nhiều các văn bản của Đảng, Nhà nước đều nhắc đến vấn đề này với những ngôn từ đầy lo ngại.
Tại sao một công việc Đảng quyết tâm, nhân dân hết lòng ủng hộ mà lại xảy ra tình trạng này? Phải chăng tại các bộ, ngành và địa phương chưa có một “Đoàn Ngọc Hải” sẵn sàng “cởi áo từ quan”, “không có vùng cấm”…?
Hiện nay, công tác cán bộ đang là vấn đề rất bức xúc, được coi như một dạng “tham nhũng quyền lực” với tệ nạn “chạy chức, chạy quyền”, “mua quan, bán tước”.
Hậu quả là càng giảm biên chế, đội ngũ công chức càng phình, lãnh đạo nhiều hơn nhân viên… để lời than của Đức Vua Trần Nhân Tông “Quan lắm thế này, dân nuôi sao nổi” sau gần 700 lại đang hiện hữu.
Còn nhớ đầu tháng 9/2016, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Nội vụ rà soát, báo cáo tổng hợp số lượng cấp phó của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện trên cả nước.
Tuy nhiên đến nay, hình như vẫn chưa có báo cáo về vấn đề này.
Có lẽ đã đến lúc cần một phong trào “đòi lại vỉa hè quan chức”, thẳng tay loại bỏ những cán bộ, công chức “Sáng cắp ô đi, tối cắp ô về”, những “phẩm hàm” tuy “hữu danh” nhưng “vô thực” của thời “tràn lan cấp phó”.
Thậm chí, cần có qui định cấp phòng chỉ có 01 phó phòng, cấp sở có 2 phó sở, cấp tỉnh có 3 phó Chủ tịch tỉnh… bất cứ ở đâu có sự “lấn chiếm” đều bị “tước”, “cẩu”.
“Dễ trăm lần không dân cũng chịu – Khó vạn lần dân liệu cũng xong - Thanh Tịnh”.
Không lý gì một việc làm đúng, Nhà nước quyết tâm, nhân dân đồng lòng ủng hộ mà công cuộc phòng chống tham nhũng vẫn ngày càng nhức nhối, đội ngũ cán bộ, công chức ngày càng phình to… phải không các bạn?
Nguồn: BÙI HOÀNG TÁM
DÂN TRÍ