Nhờ việc được ký kết hợp đồng BT "siêu khủng" với UBND TP.HCM để xây dựng 4 tuyến đường chính trong khu đô thị mới Thủ Thiêm, Đại Quang Minh nhận được "món quà" hời là 79ha đất Thủ Thiêm đang tăng giá từng ngày.

4 con đường, 11,9km và 8.265 tỷ đồng

Đại Quang Minh vốn được biết đến là chủ đầu tư dự án BT lớn nhất TP.HCM cũng như lớn nhất Việt Nam tại khu đô thị Thủ Thiêm nhờ 2 hợp đồng BT “khủng” được ký kết cách đây vài năm.

Theo tài liệu mà Người Đưa Tin có được, hợp đồng đầu tiên được ký kết giữa công ty CP Đầu tư Địa ốc Đại Quang Minh và UBND TP.HCM ngày 1/12/2014 là hợp đồng BT số 883/HĐ-UBND-M đầu tư dự án xây dựng - chuyển giao (BT) 4 tuyến đường chính trong khu đô thị mới Thủ Thiêm có tổng chiều dài 11,9km, bao gồm 10 cây cầu, trong đó có 2 cầu cạn.

Hé lộ thương vụ khủng Đại Quang Minh làm đường Thủ Thiêm đắt gấp 4 lần đường cao tốc - 0

Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM Đào Thị Hương Lan và ông Nguyễn Đăng Khoa (thường gọi là Khoa "khàn") ký kết hợp đồng BT xây 4 tuyến đường chính trong khu đô thị Thủ Thiêm ngày 1/12/2014.

4 tuyến đường được coi là xương sườn của khu đô thị Thủ Thiêm gồm: Đại lộ vòng cung (tuyến R1 – 3,4 km); Đường ven hồ trung tâm (tuyến R2 – 3km); Đường ven sông Sài Gòn (tuyến R3 – 3km); Đường vùng châu thổ, đường châu thổ, đường ven sông – khu dân cư (tuyến R4 – 2,5 km).

Theo hợp đồng số 883/HĐ-UBND-M, tổng mức đầu tư của dự án là hơn 8.265 tỷ đồng, nếu tính cả chi phí dự phòng do trượt giá và lãi vay (3.917 tỷ đồng), tổng số vốn đầu tư dự án lên tới hơn 12.000 tỷ đồng.

Như vậy, suất đầu tư trung bình mỗi km đường trong khu đô thị Thủ Thiêm lên tới gần 700 tỷ đồng – gấp 4 lần suất đầu tư tuyến đường cao tốc Bắc - Nam đã được Quốc hội thông qua (gần 182 tỷ đồng/km).

Mặc dù tới tháng 12/2014, hai bên mới chính thức ký hợp đồng BT, trước đó 1 năm (tháng 11/2013), Đại Quang Minh đã ký tắt hợp đồng BT với TP.HCM và dự án đã được khởi công từ đầu năm 2014 để kịp tiến độ hoàn thành vào năm 2017.

Khi đó, lấy lý do “các khu đất đối ứng hợp đồng được bồi thường giải toả xong, nếu chờ đến khi hoàn thành 4 tuyến đường mới giao đất cho nhà đầu tư để thực hiện dự án khác như quy định tại Thông tư số 166/2011/TT-BTC của bộ Tài chính ban hành năm 2011 thì sẽ gây ra tình trạng để hoang hoá các khu đất, lãng phí quỹ đất sạch”, UBND thành phố đề nghị bộ Tài chính đồng ý để thành phố thực hiện cơ chế thanh toán hợp đồng BT theo các nguyên tắc: Thành phố thanh toán dự án BT 4 tuyến đường bằng việc giao cùng thời điểm cho nhà đầu tư toàn bộ các khu đất, không phải chờ đến khi dự án 4 tuyến đường hoàn thành.

Đây cũng là điểm mới đặc biệt khác của “siêu hợp đồng” BT giữa Đại Quang Minh và UBND TP.HCM với các hợp đồng bình thường.

Cập nhật trên website chính thức của Đại Quang Minh, tính đến ngày 3/5/2018, Đại Quang Minh khẳng định: “Đến thời điểm hiện tại, các dự án BT tại Thủ Thiêm đáp ứng tiến độ đã cam kết. Dự án 4 tuyến đường chính đã hoàn thành phần không vướng giải phóng mặt bằng vào tháng 2/2017 theo đúng tiến độ hợp đồng BT và đã bàn giao đưa vào khai thác các phân đoạn kết nối với các tuyến đường hiện hữu. Phần vướng giải phóng mặt bằng đang chờ thành phố bàn giao để sớm hoàn thành và đưa vào sử dụng”.

Hé lộ thương vụ khủng Đại Quang Minh làm đường Thủ Thiêm đắt gấp 4 lần đường cao tốc - 1

 

Thông tin mà PV Người Đưa Tin có được, tính đến ngày 31/12/2017, Đại Quang Minh mới rót khoảng hơn 2.000 tỷ đồng vào dự án xây 4 đường Thủ Thiêm. Nói cách khác, sau 5 năm triển khai xây dựng dự án, số tiền mà Đại Quang Minh chi ra chỉ chưa đầy 25% tổng mức đầu tư dự án được duyệt (không tính chi phí trượt giá). Đổi lại, khu đô thị Sala của Đại Quang Minh đang thi công rầm rộ xây dựng hàng loạt căn biệt thự đã được rao bán với giá vài chục tỷ đồng, giá căn hộ cũng từ 4-15 tỷ đồng.

Theo khảo sát thực tế của PV, 4 tuyến đường "xương sườn" Thủ Thiêm mà Đại Quang Minh xây dựng có ý nghĩa quan trọng trong toàn bộ quá trình hình thành và phát triển Khu đô thị mới Thủ Thiêm lại gần như "ôm trọn" và phục vụ dự án Sala của chính Đại Quang Minh.

Xem thêm >> Dấu ấn đại gia Khoa “Keangnam” ở dự án bất động sản lớn nhất Thủ Thiêm

“Ông vua” đất Thủ Thiêm

Với hình thức hợp đồng BT (đổi đất lấy hạ tầng) xây dựng 4 tuyến đường “xương sườn” của Thủ Thiêm, UBND TP.HCM đồng ý giao cho Đại Quang Minh 789.866m2 trong khu đô thị mới Thủ Thiêm (phường Thủ Thiêm và phường An Lợi Đông) để phát triển các dự án bất động sản.

Tiếp đó, ngày 19/6/2015, Đại Quang Minh và UBND TP.HCM tiếp tục ký kết Hợp đồng BT số 409/HĐ-UBND-M thực hiện dự án xây dựng cầu Thủ Thiêm 2. Tổng mức đầu tư là 3.082 tỷ đồng, xây dựng dự án có quy mô 6 làn xe, tổng chiều dài 1.465m, trong đó phần cầu dài 885,7m.

Hé lộ thương vụ khủng Đại Quang Minh làm đường Thủ Thiêm đắt gấp 4 lần đường cao tốc - 2

Phối cảnh 4 tuyến đường Thủ Thiêm và khu đô thị Sala do Đại Quang Minh làm chủ đầu tư 

Đổi lại, Đại Quang Minh được giao quỹ đất với tổng diện tích 260.370m2 tại khu chức năng số 6 (khu đô thị mới Thủ Thiêm) để thực hiện các dự án bất động sản.

Tổng cộng, nhờ 2 hợp đồng “khủng” kể trên với tổng mức đầu tư gần 11.350 tỷ đồng, Đại Quang Minh đã được UBND TP.HCM giao 105ha đất "vàng" mặt đường Mai Chí Thọ hiện được sử dụng làm khu đô thị Sala.

Tính ra đơn giá bình quân mỗi m2 đất Thủ Thiêm được UBND TP.HCM giao cho Đại Quang Minh là 10,8 triệu đồng/m2, thua xa giá thị trường (200-350 triệu đồng/m2).

Ngoài khu đô thị Sala có diện tích 105ha, dự án Cầu Thủ Thiêm 2 và dự án 4 tuyến đường, Đại Quang Minh còn 3 dự án khác ở Thủ Thiêm và đều có quy mô rất lớn, gồm dự án Khu lâm viên sinh thái rộng 150,25ha bao trọn Khu chức năng số 8, dự án Cầu đi bộ dài hơn 500m kết nối Thủ Thiêm với công trường Mê Linh (quận 1), dự án Quảng trường Trung tâm (20,13ha) và Công viên bờ sông (7,26ha).

Tổng diện tích 6 dự án của Đại Quang Minh lên tới 282,6ha, chiếm tới 43% khu đô thị Thủ Thiêm (657 ha).

Chia sẻ với báo chí, ngày 7/5, ông Phan Nguyễn Như Khuê – Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn ĐBQH TP.HCM – cho biết, đang tổng hợp ý kiến của các đại biểu để hoàn thiện tờ trình xin ý kiến Bí thư Thành ủy kiêm Trưởng đoàn ĐBQH TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân về việc tổ chức đoàn giám sát riêng dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm.

Đoàn giám sát sẽ làm rõ tính pháp lý triển khai dự án và những nội dung liên quan đến việc đền bù giải toả, kêu gọi đầu tư, phân khu chức năng. Đồng thời, đoàn sẽ mời chuyên gia độc lập để giám sát, đánh giá dự án… Từ đó làm rõ tính pháp lý của dự án từ Quyết định 367 năm 1996 của Thủ tướng và các văn bản pháp lý để chính quyền TP.HCM triển khai dự án; Đối chiếu xem việc triển khai có phù hợp hay không, chính sách đền bù giải toả, tái định cư như thế nào; sự thay đổi của diện tích khu trung tâm, khu tái định cư.

Dự kiến, đoàn giám sát sẽ triển khai công việc sau kỳ họp thứ 5 của Quốc hội khoá XIV.

Nguồn: Người đưa tin




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC