Những câu chuyện về tình người trong xã hội này vốn không thiếu: một cô giáo bỏ việc dưới xuôi lên miền ngược dạy học, một mạnh thường quân giàu có sẵn sàng đóng góp hàng tỉ đồng cho quỹ từ thiện, một người mẹ đã có đủ con nhưng vẫn nhận nuôi thêm một đứa trẻ côi cút…
Tất cả đều khiến cho con người ta cảm thấy yêu thương nhau nhiều hơn và lạc quan hơn về cuộc sống này.
Nhưng đó là những việc và người mang tầm vĩ mô, còn đời thường, có những khoảnh khắc dù là rất nhỏ thôi nhưng cũng có ý nghĩa lớn, góp phần giúp ai đó thay đổi quan điểm về một vấn đề mà lúc trước có thể họ định kiến rất khắt khe, hoặc đơn giản hơn, là khiến người ta mỉm cười cho một ngày đầu tuần thanh nhẹ.
Như trường hợp của anh Tây dưới đây chẳng hạn.
Hai bức ảnh được đăng bởi tài khoản Facebook là M.T cùng dòng trạng thái:
"Tối hôm qua ở hàng phở gà trên phố Lý Quốc Sư, có một anh Tây say bí tỉ đến nỗi còn suýt úp cả mặt vào bát phở. May được bác nhân viên tốt tính đút cho từng thìa một. Ăn xong ông này nằm ngủ luôn trên đống phở bị rơi ra bàn. Thế mới thấy đâu phải lúc nào người Việt Nam cũng làm xấu hình ảnh du lịch nước mình".
Chuyện người giúp người, như đã nói không phải hiếm nhưng đúng tình huống này rất dễ gây thiện cảm cho người nhìn.
Anh Tây kia là giới trẻ, còn bác nhân viên là người lớn tuổi, bác ấy có lẽ không dùng Facebook hay mạng xã hội để mà biết đến trò "câu like" hay tạo scandal để nổi tiếng, bác ấy chỉ đơn thuần giúp người kia thực từ cái tâm thôi, kiểu nghĩ sao làm vậy.
Nhiều người trong chúng ta có thể gặp một anh chàng như thế, nhưng có lẽ ta sẽ cười anh Tây, sẽ thắc mắc anh ta sao uống say thế, sao bệ rạc thế...
Nhưng bác bán hàng lại có cách nhìn khác, dịu dàng giúp anh ăn bát phở, như một người mẹ chăm sóc con mình.
Sức hấp dẫn của câu chuyện này với cư dân mạng quả thực không phải bình thường khi chỉ sau 6 giờ đăng tải, anh Tây và bác bán phở đã thu hút tới hơn 32 nghìn lượt thích và hàng nghìn bình luận.
Bạn Vương Anh Bee chia sẻ: "Đâu phải ai cũng xấu đâu, tại những khoảnh khắc tốt chưa được người khác chụp lại thôi. Vẫn còn rất nhiều người tốt".
Status thu hút lượng lớn người thích sau ít giờ đăng tải.
Rất nhiều ý kiến khác cũng bày tỏ sự vui mừng ra mặt khi giữa cuộc sống bộn bề này vẫn còn có những con người dễ mến đến như vậy, nhất là giữa làn sóng gần đây có kha khá câu chuyện kể về một bộ phận nhỏ những người làm du lịch manh mún, bắt chẹt khách nước ngoài được chia sẻ.
Điển hình có thể kể đến như việc nữ du khách Tây phải mua gói bánh rán - một món ăn quen thuộc ở Hà Nội với giá 700.000 đồng, đắt hơn 35 lần so với giá trị thực của nó khiến cộng đồng mạng xôn xao suốt những ngày qua.
Những lời trần tình của vị khách nghe mới thật chua chát làm sao:
"Bạn sẽ không tin tôi phải trả bao nhiêu tiền cho chỗ đó đâu. Họ cứ gí cái bánh lại sát tôi và họ tự lấy cho tôi, tôi còn không biết tôi phải trả bao nhiêu tiền cho chỗ đó, tôi mở ví ra thế này và họ lấy của tôi một tờ 500.000 đồng và một tờ 200.000 đồng sau đó bỏ đi. Họ lấy tiền của tôi. 700.000 đồng cho chỗ đó, bạn có tin không?
Vị khách Tây phải mua túi bánh rán với giá 700k gây sốc cộng đồng mạng.
Không biết những người bán hàng là ai nhưng sau khi câu chuyện này được lan truyền thì chắc chắn sẽ có rất nhiều du khách không dám hỏi mua hay lại gần người bán quà bánh rong nữa đâu.
Hay dữ dội hơn nữa là chuyện anh đánh giày ngang nhiên "móc túi" khách Tây (do các phóng viên đóng giả).
Theo đó, thay vì chỉ lấy 30k tiền công như đã thỏa thuận thì anh này còn cả gan thò tay vào ví rút tiền của khách như đúng rồi và đòi 300k.
Tuy nhiên, hành động này sau đó đã bị lên án và cảnh báo cho những người khác đừng bao giờ mắc lừa.
Anh đánh giày lưu manh "chôm" tiền của khách một cách trắng trợn.
Những người bán hàng có thể rất khó khăn nhưng một lần "chôm" tiền của người khác cũng chẳng làm cho họ giàu lên được mà ngược lại còn gây tổn thất cho cái sự mưu sinh lâu dài của họ.
Trở lại với anh Tây trong hàng phở kia, cũng có ý kiến cư dân mạng nửa đùa nửa thật cho rằng biết đâu sau khi tỉnh lại, anh ấy sẽ phải trả số tiền lớn cho hóa đơn bát phở thì sao, thủ đoạn đó có khi lại được chủ quán áp dụng cũng nên.
Nhìn những dòng comment đó không ai muốn tin là thật bởi chỉ cần dừng lại ở đoạn bác ấy bón phở cho anh kia như bón cho con thôi là đã đủ cho một ngày tươi đẹp lắm rồi.
Còn vế sau kia, hãy tin là nó sẽ không bao giờ xảy ra bởi tình người trong lúc hoạn nạn là thứ đáng quý và sẽ không ai nỡ lòng nào biến nó thành hành động quá xấu xa cả đâu.
Nguồn: Trí thức trẻ