Ngay sau khi Quốc hội bế mạc chiều 15-11, Tổng thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường đã chủ trì họp báo, thông báo kết quả kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV đến báo chí.
Điều được báo chí quan tâm nhất tại buổi họp báo là việc Quốc hội quyết nghị ghi “nơi sinh” vào hộ chiếu của công dân Việt Nam.
Việc này, báo Thanh Niên đặt câu hỏi, sẽ được thực hiện trước ngày 1-2-2023, vậy với những hộ chiếu đã được in, bị chú thời gian qua sẽ được xử lý ra sao. Nếu phải làm lại thì người dân có được miễn phí khi làm không?
Mặt khác, theo báo cáo của Bộ Công an, sau một tháng triển khai cấp hộ chiếu mới, có 272.000 hộ chiếu mới được cấp. Đến nay đã cấp được bao nhiêu hộ chiếu theo mẫu mới? Xử lý những hộ chiếu mới đã in ra như thế nào? Cơ quan thẩm tra có yêu cầu cơ quan soạn thảo giải trình hay không?
Được Tổng thư ký Quốc hội chỉ định, ĐB Trịnh Xuân An, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng – An ninh trả lời: Theo tờ trình hồi cuối tháng 10-2022 của Chính phủ, thì tác động của việc bổ sung nơi sinh vào trang nhân thân hộ chiếu không làm phát sinh thủ tục, chi phí do hiện nay trong mẫu tờ khai cấp hộ chiếu, giấy thông hành đã có mục thông tin nơi sinh.
Đây là thông tin bắt buộc phải khai để cơ quan quản lý xuất nhập cảnh đưa vào cơ sở dữ liệu quốc gia về xuất nhập cảnh. Cơ quan quản lý cấp hộ chiếu có thể khai thác thông tin nơi sinh trong cơ cơ sở dữ liệu về thông tin hộ chiếu.
“Cái này rất rõ trong tờ trình của Chính phủ có nói không phát sinh thủ tục, chi phí”, ĐB Trịnh Xuân An nói.
Ông còn nêu: “Tôi thì tôi hiểu rằng, các hộ chiếu in rồi xử lý thế nào thì trong tờ trình và trong phần Chính phủ trình chưa đánh giá nội dung này. Chắc chắn nếu có sự quan tâm thì chúng tôi sẽ tìm hiểu thêm. Hôm nay không thể đánh giá được là bao nhiêu tiền, cụ thể là bao nhiêu. Cái này cần có thời gian để nghiên cứu thêm”.
ĐB Trịnh Xuân An, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Quốc phòng – An ninh trả lời báo chí. Ảnh: P.T
Ông cho biết thêm, việc bổ sung thông tin vào bị chú ở hộ chiếu thì Bộ Công an làm rất nhanh, chỉ trong vòng hai ngày và hoàn toàn miễn phí.
“Việc Quốc hội thông qua nội dung này thể hiện trách nhiệm của Quốc hội chúng ta đối với vấn đề phát sinh và chúng ta phải xử lý. Cho nên đây là câu chuyện mà kết quả chúng ta không bàn nữa rồi”, ông nói.
Về vấn đề xử lý với các hộ chiếu đã in rồi, đã bổ sung bị chú, ông An nói đây là câu chuyện phải trao đổi, bàn bạc với nhau kể cả cơ quan quản lý, cơ quan thẩm tra thôi chứ không phải lý do quyết định (việc thêm nơi sinh vào hộ chiếu-PV) hay không. Việc quyết định ghi nơi sinh vào hộ chiếu và ghi vào nghị quyết chung kỳ họp là việc hết sức linh hoạt, thể hiện trách nhiệm đối với vấn đề quan trọng, phát sinh.
“Chính phủ không nêu việc xử lý hộ chiếu đã in. Chúng tôi thẩm tra trên nội dung Chính phủ trình. Chính phủ trình nội dung nào thẩm tra đánh giá nội dung đó. Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Quốc phòng – An ninh là đồng ý chủ trương ghi nơi sinh vào”, ông An nói.
Ông cũng cảm ơn báo chí đã quan tâm và nhắc lại rằng: quan trọng là đã bổ sung được “nơi sinh” vào hộ chiếu để xử lý các vấn đề phát sinh đã là thành công và Quốc hội đồng tình. Còn chuyện chính sách phải thực sự phù hợp, đáp ứng được nhu cầu, nguyện vọng của người dân là trách nhiệm của cả Chính phủ và Quốc hội.
Cuối cùng, ông An cho hay: những ý kiến báo chí nêu ra sẽ được ghi nhận trong quá trình giám sát thực hiện việc này.
“Trong Nghị quyết chung hướng tới sửa khoản 3 Điều 6 luật Xuất nhập cảnh ghi giấy tờ xuất nhập cảnh chứ không phải hộ chiếu. Xử lý triệt để thì phải sửa đổi luật. Nhưng trong lúc chưa sửa luật thì chúng ta đã linh hoạt ghi trong Nghị quyết chung. Đây là vấn đề phải đánh giá cao trách nhiệm của Quốc hội cũng như Chính phủ”, ông An nói.
Tổng thư ký Quốc hội nói thêm: “”Cơ quan trình đã tính toán đầy đủ rồi. Tôi nghĩ không có cái gì lãng phí ở đây đâu”.
Nguồn: Phapluat