Để hoa đẹp, cành lá xanh tốt trong vòng 3 tháng, các chủ vườn hoa khẳng định phải phun thuốc sâu, thuốc kích thích tăng trưởng nhiều đợt.
“Tắm” thuốc sâu để hoa đẹp hơn
Có mặt tại một số vùng trồng hoa chuyên canh như Tây Tựu, Mê Linh, Quảng Bá (Hà Nội)..., không khó để bắt gặp cảnh tượng người dân vừa tấp nập cắt hoa vừa phun thuốc vào những luống mới trồng hoặc sắp tới ngày thu hoạch.
Làng hoa Tây Tựu (Hà Nội) những ngày này đang vào thời điểm chính của hoa cúc với đầy đủ các loại như: cúc vàng kim cương, pha lê, vàng chanh, cúc trắng, hoa hồng...
Theo chị Lan, một chủ vườn tại đây, với các loại hoa cúc, hoa ly thì thời gian từ lúc gieo mầm đến khi thu hoạch khoảng 3 tháng đến 3 tháng rưỡi, hoa loa kèn thì thông thường 1 năm sẽ thu hoạch 1 lần.
Ngoài việc tưới nước, bón phân đạm thì một thứ không thể thiếu để những bông hoa sau khi thu hoạch trông đẹp mắt, bóng, cành lá tốt tươi là phun thuốc trừ sâu. Hoa sau khi cắt sẽ được đóng thành từng bó 50 bông rồi vận chuyển đi tiêu thụ tại các chợ hoa Quảng Bá, Hà Đông, Ngã tư sở...
Người dân tắm các loại hoa trong thuốc sâu từ 5-6 lần từ lúc trồng đến lúc thu hoạch. Ảnh: Hà Đông
“Ngay từ lúc trồng đã phải phun thuốc rồi. Từ khi trồng đến lúc thu hoạch ít nhất phải 5-6 lần phun thuốc, có khi nhiều hơn tùy vào điều kiện thời tiết. Thông thường, cứ 10 ngày, chồng tôi lại mang bình ra đồng một lần. Trung bình, mỗi sào phun hết 4 bình thuốc, cộng các loại thuốc vào nhau mà diệt. Chi phí mỗi sào hết khoảng 300 nghìn đồng”, chị Lan chia sẻ.
Cũng theo lời chị Lan, thời điểm trước khi cắt hoa mang đi bán cũng cần phải phun thêm thuốc để cánh hoa không bị côn trùng làm đen, héo, trông mượt mà, óng vàng hơn.
“Nếu mình không phun thì hoa làm sao mà đẹp được. Trên cánh đồng hoa có nhiều loại sâu, bọ, rồi thời tiết khí hậu nữa.
Nếu cứ để tự nhiên, hoa xấu, còi cọc, cành lá không đẹp, cong queo thì ai mua. Khi hoa bị bệnh, phải dùng thuốc kịch độc để diệt ngay. Nếu không phun coi như mất trắng”, chị Lan tâm sự.
Theo quan sát của phóng viên Đất Việt, xung quanh thửa đất trồng hoa nhà chị Lan, rất nhiều các hộ gia đình khác cũng đang tiến hành phun thuốc sâu cho những dãy hoa sắp tới kỳ thu hoạch.
Nhiều loại thuốc được sử dụng như: thuốc trừ cỏ DOSATE 480SC, thuốc bảo vệ thực vật Toplusa 450SC, thuốc trừ sâu Asimo 10 WP, thuốc kích thích tăng trưởng ATONIK... Những nhãn mác sản phẩm này sau khi người dân phun xong thì vứt luôn trên lối đi hoặc ở đầu bờ dãy hoa.
Việc phun thuốc để hoa được đẹp, tươi tắn là chuyện bình thường tại các làng hoa. Ảnh: Hà Đông
“Làm hoa này vất vả như thế nhưng có thu nhập được nhiều gì đâu. Mỗi mầm hoa mua về trồng đã là 100 đồng rồi, còn chi phí thuốc sâu, phân bón cũng cả chục triệu đồng. Nếu đợt nào thu hoạch hoa được giá 2000 đồng/bông thì sau khi trừ chi phí các loại còn lãi được chút ít, chứ hoa chỉ xuống tầm 1.000 đồng coi như không có lãi rồi”, chị Lan nói.
Khi được hỏi những loại thuốc kia phun vào hoa có ảnh hưởng đến sức khỏe không, chị Lan thẳng thắn: “Chúng tôi phun thuốc rồi tiếp xúc trực tiếp với hoa suốt có thấy sao đâu. Giờ cái gì người ta chả phun thuốc sâu, thuốc kích thích tăng trưởng. Cả rau, cỏ cũng thế cả thôi mà. Nhiều người cứ sợ bệnh tật các thứ, nhưng chúng tôi có sao đâu”.
Thuê người phun thuốc khi đến vụ
Tiếp tục có mặt tại vườn hoa Quảng Bá -Tây Hồ - Hà Nội, phóng viên Đất Việt được nghe thêm chia sẻ của một người phụ nữ tên Hà nhiều năm làm nghề trồng hoa.
Theo chị Hà, hầu như vùng trồng hoa nào cũng sẽ sử dụng các loại thuốc trừ sâu, chất kích thích, phân bón để khiến cho hoa được tươi, trông đẹp hơn.
Sau khi phun thuốc, những bông hoa sẽ trở nên đẹp, sáng và tươi tốt hơn được cắt để bán ra thị trường. Ảnh: Hà Đông.
“Tùy mỗi vùng và tùy các chủ vườn lựa chọn các loại thuốc.
Trên thị trường hiện nay cũng đa dạng và nhiều lắm.
Nếu không phun thuốc thì hoa trồng ra bán cho ai. Ở Việt Nam dịch bệnh, sâu bọ nhiều nếu mình không tác động thì không thể có hoa tươi bán được.
Từ khi làm đất đã phải phun thuốc trừ sâu để diệt bệnh rồi. Sau đó, mỗi giai đoạn tăng trưởng đều phải phun thuốc kết hợp với bón phân. Để thu hoạch được một bông hoa bán ra thị trường trong 3 tháng phải trải qua nhiều công đoạn lắm”, chị Hà chia sẻ.
Chị Hà cho biết thêm, trước đây người dân Quảng Bá sống chủ yếu bằng nghề trồng hoa, nhưng gần đây đất đai bị thu hẹp.
Nhiều người chuyển đổi đất sang mục đích kinh doanh, chụp ảnh, phục vụ nhu cầu của nhiều đối tượng.
Những hộ dân còn lại theo nghề như chị Hà chủ yếu trồng các loại hoa cúc để cung cấp cho người dân trong vùng và chợ hoa Quảng Bá vào ban đêm.
“Giờ đất đai cũng ít rồi, chỉ có một số hộ còn lại trồng hoa thôi. Nếu không trồng hoa thì chẳng biết làm nghề gì cả nên tiếp tục làm thôi. Dù thu nhập không cao nhưng mình làm quen rồi”, chị cho biết.
Theo quan sát của phóng viên Đất Việt, trên khoảng đất trồng hoa rộng khoảng 8 sào nhà chị Hà đang có 3 công nhân làm việc.
Người làm cỏ, người tưới nước, bỏ phân. Phía đằng xa, các hộ dân khác cũng đang dùng bình phun thuốc vào các gốc đào còn xót lại sau đợt tết nguyên đán.
“Ở đây không chỉ hoa cúc mà các gốc đào cũng phải phun hết. Khi phun thuốc cũng phải đi ủng, bịt khẩu trang, gang tay đầy đủ. Thuốc nó mạnh nên nếu không cẩn thận thì cũng sẽ bị ngộ độc khi sử dụng, ngứa và nhức đầu chẳng hạn.
Vì thế tôi chỉ tưới nước, bỏ phân thôi, mỗi lần cần phun thuốc sẽ thuê người làm”, chị Hà cho biết thêm.
Minh Anh
Theo Nguyễn Hòa/ Baodatviet