Liên quan đến gói 30.000 tỷ đồng, một số ngân hàng thông báo áp dụng lãi suất thương mại thông thường đối với dư nợ giải ngân sau ngày 1/6/2016.

 

Quy định có từ lâu

Đây là thông tin được đăng tải trên nhiều tờ báo trong những ngày qua. Cụ thể, các ngân hàng dẫn quy định tại Khoản 1, Điều 2 Thông tư 11/2013/TT-NHNN ngày 15/5/2013 của Ngân hàng Nhà nước hướng dẫn: "...

Việc giải ngân cho vay hỗ trợ nhà ở của ngân hàng đối với khách hàng từ nguồn tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước kết thúc khi Ngân hàng Nhà nước giải ngân hết số tiền tái cấp vốn nhưng tối đa là 36 tháng kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực (1/6/2013)".

Ngân hàng Nhà nước cũng khẳng định, phần dư nợ vay được giải ngân từ ngày 1/6/2016 trở về trước sẽ được áp dụng lãi suất vay vốn ưu đãi của gói 30.000 tỷ đồng, phần dư nợ vay giải ngân sau ngày 1/6/2016 áp dụng lãi suất vay thương mại thông thường do khách hàng và ngân hàng cho vay tự thỏa thuận.

Hoảng loạn lãi vay gói 30.000 tỷ: Hai cách tránh - 0

Trong vai người có nhu cầu vay vốn từ gói 30.000 tỷ đồng để mua nhà, PV được nhân viên quan hệ khách hàng của một số ngân hàng tư vấn cụ thể.

Theo đó, một nhân viên của ngân hàng TPBank chi nhánh Hoàn Kiếm xác nhận thông tin nói trên và cho biết nó đã có từ khi gói hỗ trợ cho vay mua nhà 30.000 tỷ đồng bắt đầu được triển khai (2013) nhưng đa số khách hàng không đọc kỹ.

"Phần lớn khách hàng chỉ quan tâm đến phần lãi suất vay và thời hạn vay, còn phần khi nào hết hạn khách hàng lại không chú ý. Đến bây giờ, khi thời điểm 1/6 sắp đến và thông tin đó lại rộ lên thì khách hàng mới biết", nhân viên này cho biết

Nhân viên tư vấn của VietinBank tại phòng giao dịch Thanh Xuân cho biết, gói 30.000 tỷ đồng hiện giải ngân được hơn 60% và còn có phần chưa được giải ngân tiếp, tức là có những người đã ký được hợp đồng và đang giải ngân nhưng theo tiến độ dự án chưa được đến giải ngân hết.

"Theo đúng câu chữ văn bản của Ngân hàng Nhà nước, mức lãi suất ưu đãi chỉ áp dụng đối với các khoản giải ngân trước ngày 1/6, còn các khoản giải ngân sau ngày 1/6, kể cả những người đã ký hợp đồng và đang giải ngân rồi cũng sẽ bị áp dụng theo lãi suất cho vay thương mại.

Ví dụ, căn nhà trị giá khoảng 900 triệu đồng, trong đó 700 triệu đồng đã được giải ngân trước ngày 1/6 thì vẫn được hưởng lãi suất ưu đãi 5%, còn khoảng 200 triệu đợt giải ngân cuối phải chịu mức lãi suất cho vay thương mại", nhân viên này giải thích.

Theo nhân viên quan hệ khách hàng của BIDV chi nhánh Sơn Tây, hiện lãi suất cho vay áp dụng theo quy định thông tư của Ngân hàng Nhà nước, đến nay BIDV vẫn đang triển khai cho vay gói 30.000 tỷ đồng bình thường và lãi suất áp dụng là 5% trong hết năm 2016. Lãi suất các năm tiếp theo thực hiện theo thông báo của BIDV trên cơ sở quy định của Ngân hàng Nhà nước.

Cách nào tránh?

Theo nhân viên tư vấn của TPBank, với những khách hàng có đợt giải ngân sau ngày 1/6, tức phải chịu lãi suất cho vay thương mại, có hai giải pháp:

"Thứ nhất, trong quá trình vay, khách hàng nếu có tiền trả nợ trước hạn thì sử dụng để trả khoản vay thương mại đó. Hiện TPBank đang có một số gói ưu đãi: 8.8% cố định trong 1,5 năm, sau đó lãi suất rơi vào khoảng 10-10,5%.

Thứ hai, khi chuẩn bị đến đợt giải ngân mà khách hàng sẽ phải chịu lãi suất vay thương mại, nếu có sẵn tiền trong tay khách hàng có thể làm việc với ngân hàng để không vay ngân hàng nữa, thay vào đó khách hàng sẽ tự thanh toán phần đó với chủ đầu tư.

Khi ấy, khách hàng sẽ chỉ phải chịu mức phí 0,5% trên tổng số tiền của đợt giải ngân đó, gọi là phí phạt không sử dụng hết hạn mức".

Tuy nhiên, điều quan trọng là khách hàng phải có tiền vào đúng thời điểm giải ngân nói trên.

Nhân viên VietinBank cũng cho, khách hàng có thể vay một số gói vay thương mại mà ngân hàng đang áp dụng.

Hiện tại Vietbank đang có một số gói cho vay với lãi suất từ khoảng 7% trở lên, tùy thuộc vào hạng khách hàng và thời hạn khoản vay. Sau thời gian ưu đãi ngân hàng sẽ áp dụng lãi suất thông thường, rơi vào khoảng 10-10.5%.   

Thành Luân




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC