Nhờ được học tập tại Đức, nhiều nông dân đã làm trang trại đạt hiệu quả cao, trong đó không ít người đã thành công và giàu lên trông thấy.

 

Ngày 2.6, tại Hà Nội, T.Ư Hội Nông dân Việt Nam phối hợp Hội Nông dân Đức tổ chức buổi họp thẩm định dự án hợp tác trong lĩnh vực dạy nghề giữa 2 bên.

Theo đó, nhờ được học tập tại Đức, nhiều hộ đã làm trang trại đạt hiệu quả cao.

Hợp tác dạy nghề hiệu quả

Ông Hartwig Breternitz – Tư vấn quốc tế cho biết, thực hiện thỏa thuận dự án hợp tác về lĩnh vực dạy nghề trong 2 giai đoạn (giai đoạn I từ năm 2012 – 2014 và giai đoạn II từ năm 2015 – 2017), T.Ư Hội NDVN đã tổ chức được 14 đoàn với tổng số 131 người là cán bộ, hội viên, nông dân tham gia các khóa đào tạo đánh giá tại Đức; 5 hội thảo chuyên ngành cấp quốc gia với 450 người tham gia, 54 cuộc hội thảo cấp tỉnh chia sẻ kinh nghiệm sau các khóa tập huấn tại Đức…

Đáng chú ý, 12 chủ trang trại là nông dân Việt Nam sau khi được đi đào tạo, học tập ở Đức về đã đầu tư, phát triển trang trại hiệu quả hơn, trong đó có 8 chủ trang trại đã kết hợp với Hội NDVN tổ chức dạy nghề theo phương pháp song hành của Đức (vừa học lý thuyết, vừa học thực hành).

Học nghề kiểu Đức, nông dân Việt thành tỷ phú - 0Trang trại gà của anh Đặng Đình Tiên ở xã Đại Yên, huyện Chương Mỹ, Hà Nội phối hợp Trường Trung cấp nghề Hội NDVN dạy nghề hiệu quả cho nông dân. ảnh: Thu Hà

Tại buổi làm việc, ông Hartwig Breternitz đánh giá cao tinh thần hợp tác và kết quả thực hiện dự án giữa Hội NDVN và Hội ND Đức.

Theo ông Hartwig Breternitz, đối tác Hội NDVN đã năng động và lồng ghép thành công đào tạo dạy nghề theo hướng thực hành và gần gũi với người nông dân.

Để thực hiện tốt đào tạo song hành, Hội NDVN cần tiếp tục thực hiện phương pháp song hành với 30% thời lượng lý thuyết và 70% thời lượng thực hành. Cần có sự liên kết chặt chẽ giữa các trường dạy nghề với các trang trại, công ty, doanh nghiệp nông nghiệp đã đạt chuẩn, trong đó có thợ cả (hay còn gọi là người dạy thực hành) để dạy nghề cho nông dân” - tư vấn quốc tế Hartwig Breternitz bày tỏ.

Đào tạo nghề song hành

Là chủ trang trại gà khép kín, anh Đặng Đình Tiên, ở xã Đại Yên, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) chia sẻ:

“Qua thực tế học tập tại Đức, tôi đã bắt tay vào quy hoạch tổng thể trang trại nuôi gà theo hướng bền vững. Theo đó, tôi đã chuyển từ gà siêu trứng sang nhân các giống gà ta có ưu điểm vượt trội. Tôi đang tiến hành đầu tư xây dựng chuỗi gà ta Tiên Viên khép kín từ con giống, thức ăn, giết mổ, chế biến và tiêu thụ…”.

Ông Tiên cho hay, ông còn hợp tác với Hội NDVN đào tạo dạy nghề theo phương pháp song hành.

Theo đó, với mô đun “Kỹ thuật chăn nuôi phòng trị bệnh trên gà”, học sinh là nông dân sẽ được thực hành 3 tháng tại trang trại của Công ty CP Tiên Viên do ông Tiên làm giám đốc.

Các học viên sẽ áp dụng kiến thức được học vào ngay thực tiễn sản xuất. Phía công ty sẽ lo mọi chi phí từ ăn, ở, nghỉ cho học viên.

Đổi lại, trong quá trình học viên thực hành có tham gia vào sản xuất, công ty cũng tiết kiện được nhân công lao động.

Đến nay, ông Viên đã tiếp nhận được 3 khóa học viên với hơn 90 người tham gia học nghề tại trang trại”.

Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực T.Ư Hội NDVN Lều Vũ Điều khẳng định, dự án đã có những tác động lớn đến cán bộ, giáo viên dạy nghề, hội viên, ND và hoạt động của Hội NDVN.

Được đi thực tập sinh tại Đức, những nông dân giỏi đã áp dụng tốt các kiến thức đã học; tham gia dạy nghề hiệu quả cho các ND khác. Phó Chủ tịch Thường trực Lều Vũ Điều bày tỏ mong muốn thời gian tới, Hội NDVN và Hội ND Đức tiếp tục có những hợp tác, hỗ trợ về lĩnh vực đào tạo nghề cho ND trong giai đoạn III.

 

Nguồn: Dân Việt




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC