Thẩm tra báo cáo về Đề án đổi mới cơ chế tài chính giáo dục giai đoạn 2009 - 2014 do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng GD-ĐT Nguyễn Thiện Nhân trình bày tại Quốc hội sáng nay (30/5), UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng QH đã bác đề xuất thu học phí bậc mầm non và phổ thông ở mức 6% thu nhập hộ gia đình.
"Luôn khả thi"
Trong phần trình bày của mình, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân khẳng định nguyên tắc đảm bảo học phí sẽ "không phải là gánh nặng" tài chính đối với gia đình, thậm chí "luôn khả thi".
Mức nói trên, theo ông Nhân, là "phù hợp với mức bình quân của các nước". Dựa theo mức bình quân 6%, HĐND cấp tỉnh sẽ quyết định mức học phí cụ thể phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của địa phương.
"Để có nhiều trẻ đi học được và nâng cao chất lượng giáo dục, không nên chỉ trông chờ vào bao cấp của Nhà nước, mà các hộ dân cần đóng góp tiền theo khả năng của mình", Bộ trưởng Nguyễn Thiện Nhân nêu quan điểm.
Bác mức đề xuất 6%, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng QH, Đào Trọng Thi cho hay ở các nước mới phát triển, học phí và các chi phí học tập cần thiết khác chiếm 1,9 - 7,95% thu nhập bình quân hộ gia đình, còn ở các nước phát triển, con số này giao động từ 2% đến 10%.
Nhấn mạnh Việt Nam mới ra khỏi nhóm các nước chậm phát triển và trở thành nước đang phát triển trung bình có mức thu nhập thấp, ông Thi nói việc áp dụng mức 6% là mức chi trả "khá cao", "không phù hợp thực tế thu nhập" của các hộ dân hiện nay.
Mặt khác, ông Thi cho rằng, ghép "các khoản chi cần thiết khác" mà gia đình học sinh tự chi tiêu chung với học phí người học phải đóng cho cơ sở giáo dục là "không rõ ràng", dễ dẫn đến "vận dụng tùy tiện" khi xác định mức học phí cụ thể.
Ủy ban đề nghị tách riêng học phí và quy định khoản này không vượt quá 5% thu nhập bình quân của hộ gia đình để giảm bớt phần đóng góp của người dân, đồng thời tạo điều kiện cho HĐND cấp tỉnh chủ động quyết định mức thu học phí cụ thể.
Trần học phí ĐH: 230.000 đ/tháng
Thẩm tra đề xuất tăng học phí đào tạo theo lộ trình nhằm khắc phục chi phí đào tạo quá thấp, đồng tiền trượt giá, UB Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng QH chấp nhận năm học 2009 - 2010 tăng mức trần học phí của khối đào tạo nghề nghiệp.
Cụ thể, tăng mức trần học phí ĐH từ 180.000 đồng/tháng lên 230.000 đồng/tháng (bậc cao đẳng có hệ số bằng 0,8 lần ĐH), cao đẳng nghề từ 120.000 đồng/tháng lên 155.000 đồng/tháng. Bắt đầu từ năm học 2010 - 2011 sẽ thực hiện theo lộ trình của Đề án sau khi điều chỉnh và được phê duyệt.
Tuy nhiên, ông Đào Trọng Thi - cựu Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội lo ngại: "Sau khi áp dụng chế độ học phí mới và khung học phí mới trong các cơ sở giáo dục công lập, dễ xảy ra tình trạng nâng học phí đồng loạt tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập (đặc biệt là hệ cao đẳng, ĐH)".
Ủy ban cho rằng nên công bố mức "trần" học phí đối với chương trình giáo dục đại trà tại các cơ sở này để tránh thu học phí tùy tiện.
Theo Vietnamnet.