Hết "giải cứu Dưa hấu", "giải cứu thịt heo"... giờ lại đến "giải cứu Giáo viên"...
Đừng dùng tiền của học sinh thì gián tiếp hạ thấp tư cách nhà giáo, xúc phạm niềm tin và tự trọng trong họ!
Nhiều ý kiến cho rằng, không nên yêu cầu học sinh đóng tiền để giải cứu giáo viên. (Ảnh minh họa: Trần Vương)
Việc nâng cao thu nhập cho giáo viên là cần thiết, nhưng đề xuất mỗi học sinh đóng 100.000 đồng để lập quỹ "Giải cứu giáo viên tiểu học" bị cho là “không tưởng”. Thậm chí nhiều giáo viên bức xúc cho rằng điều này “hạ thấp tư cách nhà giáo”.
Đừng đổ thêm gánh nặng cho phụ huynh
Rất tâm huyết với ngành giáo dục, đặc biệt trăn trở làm sao để nâng cao đời sống cho giáo viên, TS Lê Trường Tùng - Chủ tịch HĐQT Đại học FPT - đã hiến kế:
Mỗi học sinh (phụ huynh) tiểu học hàng tháng góp 100 ngàn đồng để lập quỹ khuyến dạy, quỹ giải cứu giáo viên.
Ông Tùng cho rằng, trong khi Nhà nước không đủ sức giải quyết, để giáo viên tiếp tục tự bươn chải thì cả xã hội phải chung tay, phải đóng góp, để các thầy cô yên tâm làm nghề.
Đánh giá về đề xuất này, nhiều người cho rằng việc tăng thu nhập cho giáo viên là cần thiết. Nhất là thời gian qua, không ít câu chuyện về việc lương giáo viên thời bão giá, các thầy cô nhịn ăn nhịn tiêu để theo nghề khiến nhiều người xót xa.
TS Lê Trường Tùng - Chủ tịch HĐQT Đại học FPT (Ảnh: FPT)
“Tôi ủng hộ ý tưởng "giải cứu" giáo viên tiểu học của ông Tùng. Ngoài ra tôi cũng đề nghị "giải cứu" cả cho giáo viên mầm non, vì lương họ cũng thấp mà cường độ lao động thì cao, còn phải chịu trách nhiệm về tính mạng, sức khỏe của các cháu bé nữa.
Tôi đề nghị các bậc phụ huynh hãy chăm lo cho giáo viên để giáo viên chăm lo lại cho con mình” – một bạn đọc bày tỏ quan điểm.
Nhiều người đồng tình với ý tưởng giải cứu giáo viên của TS Tùng, nhưng cho rằng đây không phải là cách giải quyết triệt để bài toán nâng cao thu nhập cho giáo viên.
“Đối với những gia đình ở thành phố, bỏ ra 100.000 đồng/tháng có khi chẳng là gì, nhưng với những nông dân như chúng tôi, phải đắn đo lắm chứ. Tôi cũng biết thu nhập giáo viên hiện nay chỉ vài triệu đồng, chưa tương xứng với công sức của thầy cô.
Nhưng đây là trách nhiệm của Nhà nước, của ngành giáo dục, chứ không phải đổ lên đầu phụ huynh học sinh. Con chúng tôi đi học cũng đã phải đóng học phí và nhiều khoản thu cho nhà trường rồi” – anh Nguyễn Minh Chiến (Hưng Yên) chia sẻ.
Cùng quan điểm này, độc giả Nguyễn Thị Mai đặt câu hỏi ngược lại với Tiến sĩ Tùng: “Vậy ai trả lời cho tôi, giải cứu giáo viên xong thì ai giải cứu cho phụ huynh học sinh. Có phải phụ huynh học sinh nào cũng có thu nhập dư dả để bỏ ra 100.000 đồng/tháng”.
“Giáo viên chúng tôi không cần cứu đói”
Là một giáo viên phải đương đầu với bài toán thu nhập, chật vật theo nghề, nhưng thầy Vũ (một giáo viên ở Hà Nội) kiên quyết phản đối ý tưởng nhờ “học sinh/phụ huynh giải cứu giáo viên”.
“Giáo viên mong mỏi được trả đúng công sức lao động, nhưng giáo viên không phải ăn mày, cũng không phải đối tượng cần cứu đói. Đây là nhiệm vụ của các nhà hoạch định chính sách, quản lý xã hội, chứ không phải đi đổ đầu học sinh. Học sinh cũng nghèo lắm…” – thầy Vũ chua xót.
“Giải cứu giáo viên thì không sai, nhưng cách đặt vấn đề của ông Tùng không ổn. Việc cải cách tiền lương giáo viên đúng ra đã phải làm lâu rồi, chứ không phải bây giờ.
Nhưng dùng tiền của học sinh thì gián tiếp hạ thấp tư cách nhà giáo, xúc phạm niềm tin và tự trọng trong họ. Về lâu dài vẫn cần phải điều tiết chính sách và ngân sách” – anh Phạm Sinh (Hà Nội) nêu ý kiến.
Độc giả Võ Thanh Bình “hiến kế” giải bài toán nâng cao thu nhập cho giáo viên:
“Mỗi tháng, mỗi học sinh tiểu học giải cứu giáo viên bằng 100.000 đồng chỉ là tức thời. Học sinh tiểu học ở các vùng núi hay vùng khó khăn thì lấy đâu ra 100.000đ/tháng đóng cho các thầy cô.
Vì nhiều khi, các thầy cô muốn trẻ đi học còn phải bỏ tiền lương ra lo cho các con chỗ học, chỗ ở... và cả bữa ăn nữa. Vấn đề ở đây là Nhà nước hãy xã hội hóa giáo dục tiểu học bằng cơ chế, chính sách, thể chế rõ ràng, cụ thể”.
B.HA - Báo Lao động