Trong khi cha mẹ yên tâm là con cái mình đang ngồi trong các lớp học thêm, thì các cậu ấm, cô chiêu lại tung hoành bên ngoài với đủ các trò. Quán café, quán bar, cửa hàng Internet là tụ điểm các HS bây giờ hay lui tới sau giờ học.
Hăng “cày” game, quên học thêm
Sau buổi học, 3 HS mặc áo đồng phục Trường THPT Thăng Long đèo nhau trên 1 chiếc xe Attila, đầu không đội mũ bảo hiểm, phóng thẳng đến “đại bản doanh” game nổi tiếng trong giới HS-SV gần khu Bách Khoa - đường Lê Thanh Nghị.
Rất nhanh chóng, các cậu quẳng xe ngay ở đường, người trông xe nhiều tuổi hơn nhưng gặp khách quen nên vồn vã: “Anh, anh cứ để đó cho em”.
Cả 3 bước vào quán đã chật gần kín người.
Mùi thuốc lá nồng nặc đến nỗi chỉ cần đứng ngoài cửa cũng cảm thấy mùi ngái ngái đặc trưng bốc ra từ bên trong.
Vừa ngồi vào “cày”, 1 trong 3 HS vừa nói: “Chúng mày ơi, thử chơi Comandos 2, game chiến thuật thời gian thực, điều khiển 1 tốp lính du kích làm nhiệm vụ đi, hay lắm!”
3 cậu ngồi 3 ghế sát nhau, bật máy tính rồi cùng chơi. Thi thoảng “giết” được thằng nào “gan dạ mà ngang như cua bò”, cả bọn lại cười rú lên rồi phì phèo nhả khói, tiếp tục chơi. Quá trưa, mỗi người gọi 1 bánh mì, 1 chai Coca, ăn uống hết lại tiếp tục cày xới.
Game xuất hiện đã lâu, nhưng niềm đam mê game của các nam sinh dường như không bao giờ giảm. Cảm giác về game của HS cũng thay đổi liên tục.
Không chỉ muốn có mỗi game, HS còn muốn đồ ăn, thức uống như ở nhà. Thế nên, các nam sinh Trường THPT Nguyễn Trãi mới đua nhau tìm đến quán Café và Trò chơi, đối diện cổng khách sạn Horirson, để chơi cho “đã đời”.
Quán này luôn cập nhật các loại game mới. Gần đây nhất là hơn 20 trò có xuất xứ từ Hàn Quốc. Nếu game thủ muốn, sẽ phục vụ café, nước uống, đồ ăn nhanh. Giá thành chơi game vì thế mà “đội lên” gấp mấy lần.
“Chơi ở đây cực sướng, đi cùng hội bạn thì càng vui khủng khiếp”, Bảo – HS trường Nguyễn Trãi khoe.
Hội của Bảo đến đây thường xuyên. Trước khi chơi, Bảo thường lấy điện thoại ra hẹn giờ. Hỏi để làm gì, Bảo cười: “Để biết đường về chứ sao nữa. Chơi game sướng, nhưng mải quá mà về muộn thì bố mẹ phát hiện ra ngay. Phải về trùng giờ với giờ đi học ở trung tâm”.
Không chỉ có HS cấp 3 mới hăng say luyện game, HS cấp 2 cũng “máu mê” không kém.
Phố Thành Công, từ đoạn giáp với ngã tư Nguyên Hồng kéo dài đến khu chợ, không biết bao nhiêu quán game mọc ra. Mà quán nào cũng chật cứng khách, áo đồng phục thấp thoáng bên trong. Bên ngoài, xe đạp “ruồi” khoá lại, dựng ngổn ngang.
|
HS cấp 2, nữ sinh cũng mê game |
“Bọn HS cứ chuẩn bị tan trường là chúng tôi phải khởi động sẵn hết máy tính lên”, anh Ngọc, chủ một quán game ở đây cho biết.
Chuyện chơi game cũng không còn là đặc quyền của nam sinh. Nếu hỏi một nữ “game thủ“ vẫn đang mặc áo đồng phục thì có thể thấy “kiến thức” về game của các em được “cập nhật” kịp thời.
“Nhảy Audition vẫn là game hot, ngay cả khi có game mới ra đời là “Hot step” thì nhảy Au vẫn thích hơn, vì em thấy đồ trong Au đẹp hơn, nhân vật nhảy cũng đẹp hơn, lại liên tục có bản mới. Còn Hot step thì hơi chán, khi nhảy lúc quá cứng nhắc, lúc lại mềm oặt ra”, lời chia sẻ của Thảo, HS lớp 9 Trường THCS Thành Công.
Đến 4h chiều, vòng lại khu phố Lê Thanh Nghị, 3 HS chơi game từ trưa vẫn ngồi mọc rễ ở đây. Anh trông xe cười: “Ngày nào mấy đứa chả đến đây. Chơi lâu rồi nên cũng có đôi chút khuyến mãi về giá thành”.
Anh tiết lộ: “Giảm 5% cho tổng số tiền phải trả. Vì quen biết lâu nên tôi biết chỗ đó cũng chưa ăn thua gì so với tiền bố mẹ chúng nó cho đi đóng học đâu”.
“Học thêm” ở quán café, quán bar
Một cách khác để “hợp thức hoá” thời gian học thêm của những HS chán học là lê la ở các quán café, quán bar để buôn chuyện, ăn uống và chơi bời vui vẻ.
Tiền học thêm cũng được “đổ” vào các cuộc vui này.
Thời gian học thêm rơi nhiều vào tầm tối nên HS tha hồ tận hưởng cuộc vui đến tầm 9h, 9h30 tối rồi về nhà là vừa.
|
Quán cafe dành cho tuổi teen luôn đông khách. (Ảnh: P.Lê) |
Trước đây, nơi mà Dung, HS Trường THPT Phạm Hồng Thái hay tới là quán Buzz ở Văn Cao.
Còn bây giờ, Dung muốn tận dụng giờ “đi học thêm” để khám phá và thể hiện sự chịu chơi của một cô gái mới lớn.
Dung đã có bạn trai, cứ mỗi tối có lịch đi học thêm ở trung tâm là y như rằng cô bỏ thêm áo vào balô, ra khỏi tầm nhìn của mẹ là Dung “lột xác”.
“ILU Building là quán em hay lui tới vào thời gian này. ILU là từ viết tắt của 3 chữ I Love You, bọn em mới yêu nhau nên muốn đến đây”, Dung nói. Khi uống café, khách có thể mượn cá ngựa ngồi chơi nên Dung rất thích thú.
“Uống café lúc nào chả được, năm nay thi ĐH, sao em bỏ cả học lên đây làm gì?” – “Ôi chị ơi! Học lúc nào chẳng được. Học không bao giờ muộn. Nhưng không nhanh nhạy cập nhật kịp những quán xá “tiếng tăm” thế này thì em thành đứa “nhà quê” so với bạn bè đấy”.
|
Nhiều bạn tuổi teen lên bar giải trí |
Cùng chung lý do như Dung để trốn những giờ học thêm được cho là vô bổ, một số ít HS tìm đến các quán bar để vừa được vui chơi, vừa khám phá một thế giới mới lạ.
Quán Paramount trên đường Trần Duy Hưng chuyên mở nhạc sàn sôi động, giá cả không “chát” như những quán bar có tiếng.
Trong quán có những bàn quy tụ 5-6 gương mặt xì-teen, ngồi buôn dưa lê và “nổ” rất to về những thứ như tình yêu, tiền bạc.
Nhất là những fan của những xu hướng như Cosplay, giờ học chính không thể bỏ, học thêm ở trường cũng không thể bỏ, thì giờ học ở trung tâm là thời gian lý tưởng để thoả mãn niềm đam mê.
Những fan này cũng tìm đến quán café MOE - một quán café phong cách Nhật Bản ở Hà Nội, phục vụ những fan của cosplay.
Tường Vi, HS trường Triệu Việt Vương, một fan cuồng nhiệt của cosplay kể lể: “Muốn biết và thưởng thức cosplay, em phải có thời gian, có tiền. Học tập nặng nề chẳng còn lúc nào mà mở mắt. Giờ học thêm không trốn thì lấy đâu ra những người “bắt kịp thời đại” thế này?”
Khi nào bị điểm kém, bị bố mẹ mắng vì kết quả học tập không tốt, Vi cũng bỏ học lên đây để "giải sầu".
Theo Vietnamnet.