Siêu bão Haiyan được dự báo sẽ đổ bộ vào các tỉnh khu vực miền Trung. Các địa phương đang huy động tổng lực để ứng phó với siêu bão và di chuyển dân đến nơi an toàn.
Đà Nẵng - Quảng Nam: Dừng mọi cuộc họp
Từ 9/11, toàn bộ học sinh trên địa bàn được nghỉ học; các chợ đóng cửa; các khu công nghiệp, các nhà máy, kho tàn bến bãi tạm ngừng hoạt động.
Tại Đà Nẵng, ngay chiều tối qua (8/11) đã gửi công điện khẩn đến các quận, huyện trên địa bàn yêu dừng tất cả các cuộc họp, tập trung lên phương án, sẵn sàng ứng phó với bão Haiyan.
Cắt tỉa cây xanh chiều 8/11 trên địa bàn tỉnh Bình Định, đề phòng cây ngã đổ khi bão vào.(Ảnh: Trọng Nguyễn) |
Đối với các công trình, nhà cao tầng, cây xanh,… UBND Quảng Nam và TP Đà Nẵng yêu cầu thực hiện chèn chống đảm bảo an toàn; các hồ, đập chứa nước phải cắt cử người trực 24/24, đảm bảo tính mạng con người, tài sản của nhân dân; các lực lượng quân đội, y tế và các cơ quan chức năng chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, phương tiện, thuốc men, lương thực, nước uống,… sẵn sàng cứu người trước, trong và sau khi bão đổ bộ vào đất liền.
Tại Đà Nẵng đã lên phương án sơ tán gần 20.000 hộ dân với hơn 70.000 người thuộc các quận, huyện ven biển và các vùng nguy hiểm, nhiều nhất là nhân dân trên địa bàn quận Liên Chiểu và huyện Hòa Vang. Kế hoạch sơ tán sẽ hoàn thành vào trước 17h ngày 9/11.
Ngoài ra, các địa phương bắt đầu phong tỏa các tuyến đường bộ, hạn chế người và phương tiện di chuyển.
Còn tại Quảng Nam toàn bộ dân cư tại khu vực ven biển từ Núi Thành đến Điện Bàn đều di chuyển sâu vào đất liền phòng trường hợp nước biển dâng và bão mạnh cuốn đổ nhà cửa.
Từ chiều 8/11, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 đã chuẩn bị sẵn sàng tất cả các lực lượng từ không quân đến bộ binh chuẩn bị ứng phó với bão Haiyan. Đồng thời thành lập 3 đội ứng cứu đặt tại các tỉnh khu vực miền Trung để ứng cứu, hỗ trợ người dân và các công trình khi xảy ra sự cố.
Quãng Ngãi: Đóng cửa trường học, di dời 54.000 hộ dân
Theo nhận định, siêu bão Haiyan khi đổ bộ vào đất liền sẽ có sức tàn phá lớn, chính vì vậy công tác di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm, nhất là vùng sạt lở núi, ven sông, ven suối và những vùng hạ lưu dưới các hồ đập được đặt lên hàng đầu.
Hiện số hộ dân của các huyện nằm trong kế hoạch sơ tán khi bão đổ bộ vào là 54.050 hộ, với 216.000 nhân khẩu.
Trong đó, đặc biệt có 5.189 hộ, với 21.370 khẩu có mức rủi ro cao trước ảnh hưởng của gió bão, mưa lớn, ngập lụt, sạt lở đất, hạ du công trình thủy điện ở các huyện thuộc khu vực phía bắc tỉnh gồm: Bình Sơn, Sơn Tịnh, Trà Bồng, Tây Trà, Sơn Hà, Lý Sơn cần phải di dời khẩn cấp.
Theo báo cáo nhanh của BCH Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Ngãi, tính đến 11h ngày 8/11, tổng số tàu thuyền của tỉnh Quảng Ngãi trên các vùng biển là gần 200 phương tiện với trên 3.000 lao động. Hiện Bộ chỉ huy biên phòng Quảng Ngãi đã liên lạc được với tất cả các phương tiện và yêu cầu tìm nơi tránh, trú bão.
Ngoài ra, Quãng Ngãi có 117 hồ chứa nước lớn nhỏ. Trong đó có 15 hồ chứa nước có dung tích trên 3 triệu m3, còn lại là dưới 3 triệu m3. Tuy nhiên có 98 hồ được xây dựng trước năm 1989, nhiều công trình đang xuống cấp. Do vậy đảm bảo an toàn hồ đập, cũng được đặt lên cao.
Đến 7 giờ ngày 9/11, tất cả các trường trên địa bàn Quãng Ngãi đã cho học sinh nghỉ học. Tỉnh cũng yêu cầu hủy bỏ tất cả các cuộc họp để tập trung cho công tác đối phó với siêu bãp Haiyan.
Ông Phạm Trường Thọ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quãng Ngãi khẳng định, siêu bão Haiyan là cơn bão đáng lo ngại nhất từ trước đến nay, bởi phạm vi rộng cũng như tốc độ của nó. Chính vì vậy, lãnh đạo tỉnh đã yêu cầu các địa phương, đơn vị chủ động phương tiện, bố trí lực lượng sẵn sàng ứng phó, không chủ quan lơ là dù chỉ một phút. Đặc biệt việc di dời dân phải hoàn thành trước 17h ngày 9/11.
Bình Định: Còn 129 tàu/903 người nằm trong vùng nguy hiểm
Chiều tối 8/11, Ban chỉ huy PCLB-TKCN tỉnh Bình Định, cho biết: Toàn tỉnh có tổng số tàu thuyền di chuyển đánh bắt trên các ngư trường là 7.345 tàu/42.268 người. Đáng quan ngại, tính đến 19h vẫn còn 129 tàu/903 người nằm trong vùng nguy hiểm của bão Haiyan sắp vào biển Đông (Bắc vĩ tuyến 8 và Nam vĩ tuyến 16).
Tàu thuyền đang neo đậu tránh bão tại cảng Quy Nhơn (ảnh chụp 17 giờ chiều 8/11). (Ảnh: Trọng Nguyễn) |
Hiện nay, các địa phương trên địa bàn tỉnh Bình Định đang triển khai biện pháp chủ động phòng chống cơn bão Haiyan đang tiến vào biển Đông.
Trong những ngày qua, do ảnh hưởng áp thấp nhiệt đới và hoàn lưu cơn bão Haiyan nhiều tàu cá ngư dân Bình Định đã gặp nhiều tai nạn trên biển. Tàu BĐ 91377-TS của chủ tàu Trương Hoài Khánh ở phường Đống Đa (TP Quy Nhơn) làm nghề vây rút chì, trên đường từ Cam Ranh (Khánh Hòa) về Quy Nhơn bị mắc san hô vào ngày 5/11 đã được 1 tàu ở Phú Yên lai dắt.
Ngư dân trên tàu cá QN-94780 TS đang neo đậu tránh trú bão tại cảng Quy Nhơn vào chiều 8/11. (Ảnh: Trọng Nguyễn) |
Trong lúc lai dắt, thuyền viên Trương Văn Tài bị dây thừng quấn vào cổ chết. Đến chiều 8/11, thi thể ông Tài được cơ quan chức năng phối hợp người nhà nạn nhân đưa về quê an táng.
Vào ngày 6/11, tàu của ông Võ Thạch ở xã Hoài Hương (huyện Hoài Nhơn) không có số đăng ký, trên tàu có 1 lao động làm nghề lưới ghẹ bị sóng đánh chìm được tàu BĐ 05153-TS, trên tàu có 2 thuyền viên của ông Võ Thạnh ở cùng địa phương ứng cứu.
Trong quá trình kéo cứu tàu, do sóng to nên bị chìm, 3 thuyền viên được cứu thoát.
Theo Vietnamnet.