Quý II-2023, doanh nghiệp ở Bình Dương cần khoảng 8.000 đến 10.000 lao động, trong đó lao động có tay nghề chiếm từ 75 - 80%.
Ngày 27-3, Sở LĐ-TB-XH tỉnh Bình Dương thông tin, trong quý I-2023, nhu cầu tuyển dụng của doanh nghiệp trên địa bàn là khoảng 13.000 lao động, trong khi nhu cầu tìm việc của người lao động tăng nhiều hơn so với cùng thời điểm những năm trước, chủ yếu vẫn là tìm kiếm công việc lao động phổ thông.
Người lao động đi xin việc tại một công ty trong KCN Đại Đăng TP Thủ Dầu Một, Bình Dương
Ông Phạm Văn Tuyên, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB-XH tỉnh, cho biết nếu như trước đây, thời điểm đầu năm nhu cầu tuyển dụng của các doanh nghiệp khá ồ ạt thì thị trường tuyển dụng từ cuối năm 2022 đến Quý I/2023 vẫn chưa có tín hiệu khả quan.
Doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng đa số là những doanh nghiệp nhỏ và vừa và số lượng không nhiều, từ vài người đến vài chục người và những doanh nghiệp lớn hầu như không có nhu cầu tuyển dụng lao động phổ thông mà còn cắt giảm.
"Những khó khăn này đã được dự báo trước và đã thể hiện rõ từ Quý III và IV-2022 và đến nay vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại"- ông Tuyên cho hay.
Doanh nghiệp chỉ tuyển dụng số lượng ít, nhưng nhu cầu tìm việc của người lao động lại rất lớn
Theo ông Tuyên, người lao động tìm việc đầu năm đa số không có tay nghề, độ tuổi trên 35 và đây thuộc nhóm lao động yếu thế trong môi trường cạnh tranh về việc làm như hiện nay. Dự báo nhu cầu tuyển dụng trong Quý II-2023 chỉ cần khoảng 8.000 đến 10.000 lao động, trong đó lao động có tay nghề chiếm từ 75 - 80%, tập trung ở các lĩnh vực may quần áo, balo túi xách, gỗ nội thất, cơ khí, ngũ kim...
Một số giải pháp Sở LĐ-TB-XH đang triển khai để giúp người lao động tìm kiếm việc làm như gắn kết giữa các trường cao đẳng, trung cấp, cơ sở đào tạo nghề và doanh nghiệp nhằm nâng cao các kỹ năng tay nghề cho người lao động kịp thời nắm bắt công nghệ sản xuất mới tại doanh nghiệp.
Hàng trăm người chen chúc nộp hồ sơ xin việc tại một công ty trong KCN VSIP I, TP Thuận An, Bình Dương
Tăng cường tổ chức các phiên giao dịch việc làm trực tiếp, trực tuyến kết nối cung - cầu lao động, tổ chức phỏng vấn online hàng ngày hỗ trợ lao động đến đăng ký bảo hiểm thất nghiệp có cơ hội tiếp cận ngay với doanh nghiệp.
Đẩy mạnh công tác kết nối cung – cầu, tiến hành thu thập, xây dựng cơ sở dữ liệu của người lao động bị mất việc để tiến hành các hoạt động kết nối với doanh nghiệp khác hiện đang có nhu cầu tuyển dụng, giúp người lao động mất việc có cơ hội quay trở lại thị trường lao động...
Nguồn: Báo điện tử Người Lao Động