"Em mơ ước sau này sẽ trở thành một nữ doanh nhân thành đạt. Để mọi người nhắc đến em cũng như là nhắc đến một cái tên tương tự như Newton, Einstein... nhưng hiện tại em chỉ biết học", Hà Anh một nữ sinh THPT, quận Phú Nhuận TP HCM hồn nhiên nói.

Là một học sinh giỏi trong nhiều năm liền, cơ hội vào ĐH của Anh nằm trong tầm tay và em còn muốn sẽ tiếp tục học lên nữa sau ĐH. Hà Anh cho rằng để có được thành công đó mình phải cố gắng học giỏi các môn trong trường học. Đó cũng là một xu hướng của phần lớn các bạn trẻ hiện nay.

Kết quả đưa ra trong hội thảo "Nhận thức và thái độ sống của học sinh - sinh viên (HS-SV) về định hướng tương lai" cho thấy có tới 83.5% các bạn trẻ cho rằng muốn có việc làm tốt trong tương lai phải cố gắng học giỏi các môn học trong trường.

Nguyên Giám đốc Sở GD&ĐT TP HCM, Tiến sĩ Hồ Thiệu Hùng cũng đưa ra kết quả khảo sát trên 2.000 em, cứ 10 học sinh được hỏi thì có tới 8 em muốn tiếp tục học lên ĐH, CĐ, chưa đến 1 em chọn học nghề. Nhưng thực tế chỉ có 1/3 em thi đậu vào các trường ĐH, CĐ.

Từ kết quả trên, tiến sĩ Nguyễn Kim Dung, viện nghiên cứu giáo dục thì nhìn nhận: "Các bạn trẻ hiện nay mong muốn muốn được học lên nhưng lại bế tắc trong việc định hướng tương lai. Hầu hết các em nghĩ rằng để thành công chỉ có cách học văn hóa, Anh văn, Vi tính mà không tập trung vào các kỹ năng mềm như giao tiếp, nhận thức xã hội... Trong khi 75% kiến thức các em phải học từ ngoài đời chứ không phải nằm trong nhà trường".

20081124 11 26 56 0
Ngoài việc học kiến thức HS, SV cần được giáo dục kỹ năng sống. 

Còn đối với các bạn sinh viên, kết quả khảo sát cũng cho thấy, 75% sinh viên muốn tiếp tục học lên sau khi tốt nghiệp trong khi đó số lượng các bạn có nhu cầu ra làm ngay thấp hơn. Nhiều bạn trẻ cũng có định hướng sẽ đi du học.

Theo các chuyên gia, con số này không có nghĩa là các em đam mê học mà các em chưa sẵn sàng dấn thân vào đời, chưa đánh giá đúng tiềm năng của mình cũng như khả năng tài chính của gia đình và xã hội. Như vậy thì sẽ không thể có một tương lai như mong muốn.

Nói về những hạn chế trong việc giáo dục kỹ năng sống và định hướng tương lai cho các em Phó hiệu trưởng trường Phan Chu Trinh, TP Đà Nẵng bà Lê Thu Hà cho biết: Học sinh chọn ngành nào thì chỉ quan tâm đến môn học đó và cũng bỏ qua việc hoàn thiện kỹ năng mềm. Chương trình học đối với các em hiện nay cũng khá nặng không còn thời gian dành cho việc học ngoại khóa tham gia vào các chương trình xã hội phát kỹ năng của mình. "Phía nhà trường thì cơ sở vật chất còn thấp các môn học mang tính định hường nghề nghiệp còn khá sơ sài chưa cung cấp cho các em những kiến thức cần thiết nên các em cũng không biết được nghề nào phù hợp với mình", bà Hà nói.

Cũng có quan điểm như trên, Hiệu trưởng trường Trần Đại Nghĩa TP HCM, ông Nguyễn Bắc Dụng thừa nhận những hạn chế trong nhà trường. "Sự giáo của chúng ta cần phải nhìn lại xem đã đúng chưa. SV-HS của chúng ta ngày nay kiến thức nhiều nhưng khả năng ứng phó với xã hội còn hạn chế", ông Dụng nói.

Theo tiến sĩ Hồ Thiệu Hùng để giúp các bạn trẻ hiện nay có được định hướng đúng đắn trong tương lai và có kỹ năng sống thì cần có những giải pháp tích cực trước mắt và lâu dài. Mở nhiều cuộc thi với chủ đề "dấn thân vào đời" hay " giấc mơ của tôi" để HS-SV viết nên những suy nghĩ của mình. Đồng thời cũng phải xuất bản những tác phẩm theo chủ đề rèn luyện kỹ năng sống gương thành đạt khích lệ tinh thần các em...

Thanh Hải
Theo VnExpress.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC