Hàng ngày giở báo ra đọc, bạn thử tính xem có bao nhiêu tít bài bắt đầu từ “nghi án”, “nghi ngờ”...
Mới đây, tôi vừa xem một video clip khá thú vị trên mạng xã hội Thông tin Hàn Quốc. Để thử lòng trung thực của người dân thủ đô Seoul, người ta đã chuẩn bị 100 túi quà (gồm có hoa và hộp quà được bọc vô cùng bắt mắt) có gắn thiết bị định vị GPS và thả chúng dưới chân ghế của 100 chiếc tàu điện ngầm chạy trong tuyến đường số 1.
Camera đã quay lại hình ảnh rất nhiều người dân sau một hồi ngó nghiêng đã xách túi quà lên. Đến cuối ngày, nhóm thực hiện kiểm tra và chỉ thấy còn đúng 6/100 túi quà trở về nguyên vẹn. Đây quả là một kết quả đáng thất vọng?
Điều bất ngờ là đến ngày hôm sau, GPS thông báo kết quả 81 túi quà còn lại đang được tập trung tại Trung tâm lưu trữ đồ thất lạc của ga tàu điện ngầm. Tức là đã có 87/100 túi quà đã trở về nguyên vẹn sau cuộc thí nghiệm này.
Dẫu kết quả chưa phải là 100%, nhưng 87% theo tôi có thể coi là một con số rất khả quan về lòng trung thực của người dân thủ đô Seoul ở đất nước Hàn Quốc. Hơn ai hết, có lẽ người Hàn Quốc là những người mừng vui nhất khi biết được kết quả của thí nghiệm này, bởi bạn cứ nghĩ mà xem, còn gì sung sướng và hạnh phúc hơn khi được sống trong một cộng đồng gồm phần lớn những con người trung thực?
Vài ngày nay, dư luận trong nước lại đang xôn xao với vụ lật tẩy chiêu trò dối trá của chiêu khuyến mãi “bát phở khổng lồ” ăn hết thì được thưởng 1 triệu đồng của thương hiệu phở Ông Hùng ở TP.HCM.
Khách hàng đang thi ăn hết tô phở khổng lồ tại tiệm phở Ông Hùng |
Một đầu bếp của nhà hàng phở này đã tiết lộ với báo chí sau khi chị này nghỉ việc, rằng mình đã được quản lý nhà hàng chỉ đạo tăng thêm nguyên liệu chế biến bát phở so với số lượng đã công bố, làm sao cho khách hàng không ăn hết được, phải ói ra mà chịu thua cuộc mới thôi.
Chẳng hạn đáng lẽ bát phở có 700gr bánh như đã thông báo với khách hàng thì đầu bếp cho vào 1,1kg bánh, tăng thịt, tăng phần gầu mỡ, nước béo, để trọng lượng của bát phở khổng lồ này tăng từ 4,9kg lên 6 đến 6,5kg. Khách hàng đương nhiên thua cuộc vì họ lượng sức mình ăn hết được tô phở khổng lồ 4,9kg, ai biết nhà hàng đã làm ăn điêu trá đến vậy, và họ bị mất 200.000 đồng cho lần thua cuộc đó.
Báo Thanh Niên cho biết, tổng số có 2.300 người tham gia cuộc thi thì 2.050 người thua, chỉ có 250 người thắng cuộc. Tính theo giá trị kinh tế vị chi tiền phở quán nhận được là 410 triệu đồng từ 2050 người thua cuộc, có 250 người thắng cuộc giành phần thưởng nhà hàng 250 triệu đồng (trong đó 125 triệu tiền mặt còn lại là 125 triệu tính bằng phiếu ăn miễn phí) thì nhà hàng lãi ra kha khá tiền.
Đọc những chuyện này mà thấy xấu hổ cho cái chiêu trò kinh doanh lừa bịp của doanh nghiệp Việt. Cũng may mà cuối cùng vụ việc bát phở bị phát giác, còn không, sẽ có bao nhiêu người khách tội nghiệp tiếp tục bị vào tròng, tham gia cuộc thi để rồi cuối cùng ôm bụng ói ra mật xanh mật vàng không thể nuốt nổi phở đành nôn tiền ra mà nộp.
Sự trung thực, cũng giống như sự tử tế, là những điều vô cùng hiếm hoi trong xã hội chúng ta thời buổi này, đó là một thực tế quá buồn cho người Việt Nam hôm nay. Đừng chỉ nói chuyện một quán phở, mọi ngành nghề, mọi lĩnh vực đều xuất hiện sự lừa đảo, tráo trở, từ cao xuống thấp, từ quê ra phố, từ phố về quê, đến nỗi có người thốt lên: “Chúng ta đang lừa nhau mà sống”.
Không gì buồn hơn là sống trong một xã hội mà người với người nghi kị, mất lòng tin ở nhau. Hàng ngày bạn mở một tờ báo ra, thử đếm xem trên đó có bao nhiêu cái tít bài bắt đầu bằng từ “nghi án”?
Nghi án cán bộ chạy chức chạy quyền, nghi án đội tuyển quốc gia bán độ sau trận thua trước Malaysia tại bán kết AFF Cup, nghi án hot girl nâng ngực sửa mũi, nghi án ảnh nội y của á hậu mới đăng quang, nghi ngờ người thân đến nhận em bé 2 tuổi bị bỏ lại trên taxi không phải là thật, nghi án gà Trung Quốc đội lốt gà mía…
Chúng ta bị bủa vây bởi bốn phía những thứ “nghi ngờ”, “nghi án” và bị đầu độc tinh thần cũng từ đó, bởi chúng ta không còn lòng tin ở nhau.
Hãy thử nghĩ xem một phép thử như người Hàn Quốc đã làm ở nhà ga tàu điện ngầm Seoul mà được tiến hành ở trên các tuyến xe buýt Hà Nội, 100 túi quà ấy, sẽ có bao nhiêu túi quà không bị lấy mất? Có lẽ bạn cũng như tôi, không dám đưa ra một phương án trả lời, dù là giả định.
Như một cái vòng luẩn quẩn, chúng ta kêu đòi nhà trường phải dạy trẻ nhỏ về lòng trung thực, thế nhưng những thế hệ cha chú của chúng đang sống ra sao? Chúng ta đòi hỏi người dân phải trung thực, nhưng những người phải làm gương làm mẫu cho lòng trung thực thì dân đang cư xử thế nào? Tại sao những vụ việc phát giác dinh thự của quan chức cấp cao đè lên phép nước ngày một nhiều? Tại sao nhà công vụ đòi mãi không chịu trả? Tại sao và tại sao?
Một xã hội không thể thịnh vượng và phát triển bền vững nếu không được đặt trên một cái nền là sự trung thực. Bài học về Hàn Quốc và sự phát triển mạnh như vũ bão của họ trong vài thập niên gần đây, câu trả lời đã rõ, đó là 87 túi quà đã quay trở về đích đến.
Sự trung thực sẽ ngăn không cho công chức tham nhũng, ăn cắp của công, ngăn không cho người công nhân làm ra những sản phẩm tồi, ngăn không cho người nông dân làm ra thứ thực phẩm chất lượng kém.
Sự trung thực đang ở đâu trong đời sống của chúng ta ngày hôm nay?
Mi An