Tin mới nhất từ Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn TƯ, sáng nay 29/10, sau khi đi vào khu vực ven biển tỉnh Quảng Ninh, bão số 8 đã suy yếu nhanh thành một vùng áp thấp, rồi tan dần.
Bão tàn phá cây xanh ở Hải Phòng (Ảnh: Vũ Trọng Thái)
Trước đó bão số 8 quét qua Nam Định, đánh sập tháp truyền hình cao 180m tại TP Nam Định, khiến một nhân viên bị thương. Một nhà dân tại xã Thụy Xuân - Thái Thụy (Thái Bình) cũng đổ sập khiến 1 cháu bé thiệt mạng. Ngoài ra có 1 chủ tàu cũng bị nước cuốn thiệt mạng.
Tháp truyền hình cao 180 m của Đài truyền hình
Rất may tháp nằm cách xa khu dân cư nên không nhà dân nào bị ảnh hưởng. Đây là tháp truyền hình cao nhất khu vực Nam đồng bằng sông Hồng, tiếp sóng Đài truyền hình Quốc gia tiếp sóng kênh VTV 2, VTV3, VTV 6, Đài truyền hình An Viên để phát cho cả khu vực. Cột tháp này trị giá khoảng 40 tỉ đồng. Khi tháp truyền hình bị đổ, người dân ở khu vực trên sẽ không xem được các kênh do đài tiếp sóng.
Theo thông tin mới nhất mà PV Dân trí vừa cập nhật được, vào sáng sớm nay, công an huyện Kiến Xương và lực lượng cứu hộ xã Hồng Tiến đã cứu hộ ông Nguyễn Văn Toán (49 tuổi) quê ở xã Hải Dường - Hải Hậu - Nam Định, đưa đi cấp cứu tại trạm y tế xã nhưng ông Toán đã không qua khỏi vì trước đó đã chịu gió rét và sặc nước.
Đêm qua 28/10, chiếc tàu chở đá của ông Toán vào bờ lánh nạn, neo tàu tại sông Cồn Nhất - xã Hồng Tiến, nhưng dây neo tàu bị đứt, tàu bị chìm mất tích. Ông Toán chơi vơi dưới dòng nước hàng tiếng đồng hồ cho đến khi được lực lượng cứu hộ vớt đưa đi cấp cứu.
Tháp truyền hình tại TP Nam Định bị bão quét đổ sập. (Ảnh: Quốc Cường).
Trao đổi với PV Dân trí, ông Bùi Ngọc Hiển - Chủ tịch UBND xã Thụy Xuân - Thái Thụy (Thái Bình) cho biết: “Đến thời điểm hiện tại, bão đã tan. Trời đã tạnh ráo không còn mưa gió. Cơn bão số 8 đã gây một số thiệt hại trên địa bàn xã. 1 trường hợp bị sập nhà chết là cháu Hà Văn Hùng (9 tuổi) tại thôn Minh Vũ.
Khu vực đầm nuôi trồng thủy sản ngoài đê rộng hơn 28ha cũng bị ngập nước mất khoảng 60%. Khoảng 30 mái nhà tôn bị tốc. Các nhà mái ngói đều an toàn. Hiện chính quyền địa phương đang cùng nhân dân khắc phục hậu quả do bão gây ra.
Ông Nguyễn Hồng Chuyên - Chủ tịch UBND huyện Hưng Hà - Thái Bình cho biết: Cơn bão Sơn Tinh vừa đi qua địa phận 33 xã và 2 thị trấn của huyện nhưng không có thiệt hại gì về người, các trạm y tế, trường học, đài truyền hình trên địa bàn không có ảnh hưởng nghiêm trọng. Toàn huyện Hưng Hà có 2432 ngôi nhà bị tốc mái. Hơn 3000ha cây vụ đông bị ngập úng, gần 2000 ha ngô, dưa, bí đao bị dập nát.
Cây đổ la liệt tại TP Thái Bình (Ảnh: Anh Thế).
Do ảnh hưởng của bão số 8, ở các tỉnh ven biển phía Đông Bắc Bộ, Bắc và Trung Trung Bộ đã có mưa vừa, mưa to đến rất to. Tổng lượng mưa đo được tính đến 7 giờ sáng nay ở khu vực ven biển Bắc Bộ phổ biến trong khoảng từ 100 – 200 mm, một số nơi có lượng mưa trên 300mm như Quảng Hà (Quảng Ninh) 375mm, Cửa Cấm (Hải Phòng) 334mm, Văn Lý (Nam Định) 330 mm, thành phố Thái Bình 404mm ; ở các tỉnh bắc và trung Trung Bộ phổ biến 50 – 100mm. Ở các tỉnh ven biển phía Đông Bắc Bộ đã có gió mạnh cấp 7, cấp 8, giật cấp 9, cấp 10; một số nơi có gió mạnh hơn như đảo Hòn Dấu gió mạnh cấp 12, giật cấp 13; Thái Bình gió cấp 11, giật cấp 14; Văn Lý gió cấp 10, giật cấp 14; thành phố Nam Định và Phủ Liễn gió giật cấp 11; đảo Bạch Long Vĩ và đảo Hòn Ngư gió mạnh cấp 8, giật cấp 11.
Bão số 8 đã tan sau khi quét qua nhiều địa phương. (Ảnh: NCHMF)
Theo thống kê từ các địa phương, từ chiều tối qua (28/10), sau khi quét dọc bờ biển Ninh Bình, Nam Định, Thái Bình bão đã làm có 11 người bị sóng biển cuốn trôi, 3 người khác còn mất tích. Trước đó, trưa 28/10, tại Quảng Ngãi 3 người đã tử nạn do bị lật ghe. Tại 3 địa phương này điện lưới ở nhiều khu vực chưa được khôi phục. Hàng trăm ngôi nhà vùng ven biển bị tốc mái, đổ sập nhiều, cây cối gãy đổ khắp nơi...
(Ảnh: Vũ Trọng Thái)
Theo Dân trí.