Khủng hoảng kinh tế đang ảnh hưởng sâu sắc tới sự phát triển kinh tế - xã hội cũng như nỗ lực xóa đói giảm nghèo ở khu vực nông thôn. Không những vậy, khả năng tái nghèo đang đến với cả cư dân thành thị.
Đó là kết luận của các đại biểu tham dự Hội nghị Bộ trưởng Phát triển nông thôn và Xóa đói giảm nghèo ASEAN lần 6 tại Hà Nội.
Phát biểu tại buổi họp báo sau hội nghị diễn ra chiều 27/5, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) Việt Nam, ông Cao Đức Phát nhấn mạnh, ảnh hưởng cuộc khủng hoảng kinh tế, tài chính thế giới đối với mục tiêu xóa đói giảm nghèo chủ yếu theo hướng hạn chế hiệu quả những nỗ lực của Chính phủ các nước. Có khả năng làm tái nghèo đối với nhiều nhóm dân cư cả ở nông thôn và thành thị.
Để đối phó, hạn chế tối đa tác động của khủng hoảng kinh tế và chuẩn bị cho quá trình điều chỉnh cơ cấu kinh tế sau này, ông Cao Đức Phát cho biết mỗi nước thành viên đều đã xây dựng các chương trình cụ thể. Trong đó tập trung chủ yếu vào đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng, đồng thời tăng cường đào tạo nhân lực, tạo việc làm và thu nhập cho người dân, bao gồm những người bị mất việc làm ở khu vực đô thị trở về nông thôn.
Tuy nhiên, các đại diện cũng kêu gọi cần có nhiều nỗ lực chia sẻ thông tin, kinh nghiệm, liên kết cụ thể hơn giữa các nước thành viên trên tinh thần “ASEAN giúp ASEAN” để giải quyết các vấn đề phát triển nông thôn, xóa đói giảm nghèo và thu hẹp khoảng cách phát triển trong khu vực.
Để nắm bắt rõ tác động xã hội của cuộc khủng hoảng tài chính, là cơ sở đưa ra những chính sách khu vực phù hợp, trước mắt, bộ trưởng 10 nước ASEAN đã thông qua đề xuất tiến hành một cuộc đánh giá nhanh trong khối
Những phát hiện và khuyến nghị chính sách từ cuộc đánh giá dự kiến sẽ được đệ trình lên các lãnh đạo ASEAN tại Hội nghị thượng đỉnh lần thứ 15 diễn ra tại Thái Lan vào tháng 10/2009.
Không chỉ tăng cường liên kết giữa các nước ASEAN, Phó Tổng thư ký ASEAN, Tiến sĩ Soeung Rathchavy còn chia sẻ, 3 nước Đông Bắc Á là Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản rất mong muốn được hợp tác, hỗ trợ các khối ASEAN trong lĩnh vực xóa đói giảm nghèo.
Cụ thể, nếu Trung Quốc muốn hỗ trợ thông qua việc tổ chức các diễn đàn chia sẻ thông tin, tiến hành các khóa tập huấn đào tạo phát triển nguồn lực thì Nhật Bản cam kết một nguồn viện trở khẩn cấp trị giá khoảng 62 triệu đôla cho khu vực ASEAN.
“Đây được cho là một sáng kiến, hành động rất thiết thực, tích cực” - Tiến sĩ Soeung Rathchavy đánh giá.
Diễn ra trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế - tài chính, biến đổi khí hậu, dịch bệnh đang là những nguy cơ hiện thực ảnh hưởng tiêu cực đến an sinh xã hội mỗi nước, Hội nghị lần này mang chủ đề “Một ASEAN thống nhất đối phó với đói nghèo trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế toàn cầu” có vai trò quan trọng nhằm tìm ra giải pháp đối phó với đói nghèo, chia sẻ những mô hình phát triển nông thôn mới, đồng thời tăng cường hợp tác đầu tư giữa các quốc gia trong và ngoài khu vực.
Theo Vietnamnet.