Bốn máy đo thân nhiệt đã được “kích hoạt” tại cửa khẩu hàng không Nội Bài (Hà Nội) và Tân Sơn Nhất (TPHCM). Mọi hành khách nhật cảnh Việt Nam đều phải kiểm tra thân nhiệt và khai báo kiểm dịch, tiền sử di chuyển…
“Rào chắn” cơ bản hoàn thành
Chiều 28/4, 2 đoàn công tác của Cục Y tế dự phòng và môi trường (Bộ Y tế), Sở Y tế Hà Nội đã đến kiểm tra, giám sát việc triển khai công tác phòng chống dịch cúm lợn týp A/H1N1 tại sân bay quốc tế Nội Bài, Hà Nội.
Ông Nguyễn Tiến Hoà, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế - Nội Bài cho biết, đến chiều nay, tất cả những hành khách nhập cảnh vào Việt Nam đều phải tiến hành kiểm tra thân nhiệt. Đồng thời, hành khách cũng được phát tờ khai kiểm dịch, khai rõ tiền sử ở vùng nào về...
“Những hành khách có biểu hiện sốt cao trên 38 độ C sẽ được đưa ngay vào phòng cách ly, được các nhân viên y tế khám sàng lọc, phân loại ngay để tránh nguy cơ lây lan. Tuy nhiên, đến nay, qua rà soát chưa phát hiện trường hợp khách nhập cảnh nào có dấu hiệu bất thường”, ông Hoà nói.
Tuy nhiên một trong những khó khăn của công tác kiểm soát dịch bệnh theo ông Hòa là hiện nay lượng khách đến sân bay lớn nhưng quân số không đủ. Hiện Trung tâm chỉ có 5 bác sĩ nên dễ xảy ra tình trạng quá tải do lượng khách nhập cảnh đông. Hiện trung tâm đang đề xuất xin thêm khoảng 5 bác sĩ bổ sung.
Ngoài ra, theo ông Hoà, phương tiện kiểm tra thân nhiệt cũng rất cần bổ sung. Vì hiện trung tâm có 3 máy đo thân nhiệt, nhưng chỉ một máy hoạt động được, 2 máy còn lại bị hỏng chưa được sửa chữa.
Ông Lê Anh Tuấn, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết sẽ, Sở Y tế sẽ hỗ trợ đầy đủ các phương tiện phục vụ cho việc kiểm soát ở sân bay và cũng trang bị thêm khoảng 100 máy đo nhiệt điện tử...
Về thuốc men, hoá chất cho phòng dịch, Hà Nội cũng đã phòng bị đầy đủ. Hiện Hà Nội có khoảng 30 tấn hóa chất khử trùng, dự trữ được 500 cơ số thuốc Tamiflu.
Còn tại TPHCM, 3 máy đo thân nhiệt đã được lắp đặt tại sân bay Tân Sơn Nhất, những hành khách đến từ Mỹ, Mexico sẽ được đặc biệt lưu ý. Hiện máy đo thân nhiệt được các chuyên viên kiểm dịch của Trung tâm kiểm dịch y tế quốc tế TPHCM giám sát.
Bình quân mỗi ngày, tại cửa khẩu Tân Sơn Nhất có khoảng 2.000 lượt khách trên 10 chuyến bay đến từ các nước Bắc Mỹ nhập cảnh vào TPHCM, đây là nguồn nguy cơ truyền dịch cao hàng đầu.
Theo BS Nguyễn Văn Châu, giám đốc Sở Y tế TPHCM, cửa khẩu hàng không là đầu nguồn có nguy cơ lây lan dịch bệnh. Như vậy “rào chắn” chống dịch H1N1 cơ bản đã hoàn thành. Tính đến thời điểm này vẫn chưa có bất kì hành khách nào có dấu hiệu nhiễm virus cúm heo vào Việt Nam.
Ngoài ra, trong cuộc họp ngày 28/4, BS Châu cũng chỉ đạo chuẩn bị toàn bộ các hệ thống chẩn đoán, xét nghiệm chuyên sâu ở các bệnh viện để kịp thời ứng phó trong vòng 24 tiếng kể từ khi phát hiện người có dấu hiệu lâm sàng.
Ông yêu cầu chuẩn bị sẵn sàng hóa chất khử khuẩn, những trang thiết bị như quần áo, khẩu trang, găng tay, đồ chuyên ngành để cung ứng cho đội kiểm tra, phòng chống dịch ở khu vực cửa khẩu, sân bay, khu vực điều trị. Các thiết bị phải đầy đủ để khi cần thiết thì có thể vận lực toàn ngành tham gia chống dịch.
Trực chiến 24/24
Liên quan tới dịch cúm lợn, sáng nay (28/4), UBND thành phố Hà Nội đã có công văn khẩn số 35/SYT-NVY gửi đến Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế - Nội Bài, yêu cầu giám sát chặt chẽ khách nhập cảnh qua sân bay, đặc biệt là hành khách đến từ các vùng có dịch. UBND TP Hà Nội yêu cầu Trung tâm cử cán bộ trực 24/24 giờ, kể cả trong dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5.
Đồng thời cần phối hợp với các cơ quan chuyên ngành tại cửa khẩu kiểm tra, xử lý các loại thực phẩm có nguồn gốc từ thịt lợn nhập khẩu từ vùng có dịch; thông báo danh sách những trường hợp nghi ngờ cho Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội để theo dõi tiếp tại cộng đồng.
Đầu TPHCM, BS Phan Văn Nghiệm - Trưởng phòng Nghiệp vụ y - Sở Y tế cho biết, Sở sẽ thành lập 4 tiểu ban phụ trách từng nhóm công tác để chống dịch, cụ thể gồm: tiểu ban điều trị, tiểu ban công tác phòng bệnh, tiểu ban khẩu phần tài chánh, tiểu ban công tác truyền thông - thông tin trong ngành và cho người dân.
Đối với kế hoạch triển khai điều trị và dự phòng thì ngay trong ngày 28/4 phải hình thành xong ban tổ chức của các cấp ngành, các ủy ban cũng như các kế hoạch để báo cáo cho Bộ trưởng Bộ Y tế. Bộ trưởng cũng yêu cầu phải báo cáo nhanh trước 17h mỗi ngày bằng hệ thống báo cáo khẩn.
Sở cũng yêu cầu các đơn vị chủ lực trực 24/24 để xử lý tình huống khẩn cấp.
Theo Dân trí.