Khi mùi kim chi át vị phởBộ phim Có lẽ ta yêu nhau đang phát sóng trên VTV1 là một đại diện của dòng phim Việt mang mô típ phim xứ kim chi. Trước đó, Hương phù sa, Mùi ngò gai, Hoa dã quỳ… cũng là những kịch bản mang dáng dấp Hàn Quốc. Người ta tự hỏi “liều lượng Hàn” bao nhiêu thì đủ cho phim Việt làm từ kịch bản Hàn, để khán giả còn có cảm giác được xem phim Việt Nam?

Phở… có mùi kim chi

Chuyện dựng phim từ một kịch bản Hàn Quốc không còn xa lạ, thậm chí còn là một con đường sáng trong bối cảnh Việt Nam đang “khát” kịch bản hay. Nhưng xây dựng một nhân vật như anh chàng Sét (Khương Ngọc thủ vai) trong phim Hoa dã quỳ (đạo diễn Võ Tấn Bình, hãng M&T sản xuất) lại là một điều mà dù dễ tính mấy, khán giả cũng khó chấp nhận. Cái cách vừa phùng mang trợn mắt vừa “asssssiii” - một cách thể hiện gần như đặc trưng của người Hàn Quốc - được khai thác một cách triệt để trong suốt phim, như thể đó là một “điểm nhấn” mà quên mất rằng dù gì đó cũng là phim Việt.

Khi mùi kim chi át vị phở_0
Nhân vật Sét (Khương Ngọc) trong phim Hoa dã quỳ gây nhiều tranh cãi
Khi mùi kim chi át vị phở_1
Cảnh trong phim Có lẽ ta yêu nhau

Với Mùi ngò gai, nhân vật bà Thư (Bảo Châu đóng) rõ ràng là hình mẫu của phụ nữ Hàn Quốc chứ không phải Việt Nam: luôn đứng trước cửa đón mỗi khi chồng, con đi làm về. Kể cả nhân vật Sanaly (diễn viên Lê Khánh đóng) cũng mang tính cường điệu như vẫn thường thấy trong tuyến nhân vật phụ của phim Hàn. Để hoàn thành kịch bản này, các chuyên gia Hàn Quốc phải thâm nhập đời sống Việt Nam 5 tháng trời, nhưng những gì khán giả nhìn thấy trong phim vẫn là một “đứa con lai” văn hóa, mà nói như nhiều người, là món phở (món ăn được giới thiệu trong phim) phảng phất… mùi kim chi.

Tương tự, trong Có lẽ ta yêu nhau có hàng loạt điều xa lạ với đời sống người Việt: người con dâu (Diễm My đóng) ngồi nói chuyện với mẹ chồng (NSƯT Tú Lệ đóng) trong cung cách cúi đầu thấp, một kiểu thường thấy trong các gia đình quyền quý của phim Hàn. Thậm chí, cách bài trí phòng ngủ của bà mẹ chồng này (chỉ có nệm, không có giường), hay yếu tố bà mẹ chồng thỉnh thoảng đi tắm hơi cũng mang chất Hàn rõ rệt, khiến nhiều người không ngần ngại đánh giá đây thực ra là phim Hàn nói tiếng Việt!

Tại anh hay tại ả?

Trước những sản phẩm “lai” đó, đạo diễn bị mang ra “mổ xẻ” nhiều nhất. “Tôi luôn luôn cho rằng, với những phim tôi làm, thành hay bại đều do tôi cả. Hoặc giả sắp tới người ta thấy Ngôi nhà hạnh phúc sao giống phim Hàn Quốc quá thì cũng là lỗi của tôi”, đạo diễn Vũ Ngọc Đãng thẳng thắn. Anh cũng tự tin rằng Ngôi nhà hạnh phúc phiên bản Việt đậm chất lãng mạn, nhưng sẽ là một phim Việt.

Khi mùi kim chi át vị phở_2
Cảnh trong phim Mùi ngò gai (Lương Thế Thành - bìa phải - vai Thiện)
Khi mùi kim chi át vị phở_3
Đạo diễn Vũ Ngọc Đãng (bìa trái) cùng các diễn viên phim Ngôi nhà hạnh phúc phiên bản Việt

Nhưng theo Lương Thế Thành (vai Thiện trong Mùi ngò gai) thì diễn viên cũng phải chịu trách nhiệm với những “đứa con” hồn Hàn da Việt. “Tạo nên nhân vật là công việc của diễn viên. Hiện tại, nhiều phim Việt có sự tham gia của đạo diễn Hàn Quốc. Họ không cố ý để cho nhân vật mang đậm chất Hàn, nhưng vì không phải là người Việt Nam, không hiểu cách thể hiện của người Việt nên khó mà nhận ra khi diễn viên đi chệch hướng”, anh cho biết.

Khi sản xuất Mùi ngò gai, hãng phim Vifa mang tham vọng tiếp cận công nghệ làm phim theo kiểu Hàn Quốc nhanh chóng và hiệu quả. “Chúng tôi tự hào nếu giống Hàn Quốc về cách làm phim, nhưng giống về văn hóa thì chúng tôi đã có lỗi”, bà Huỳnh Thanh Diệu, Giám đốc Vifa nhìn nhận.

Theo một đạo diễn, trước làn sóng thành công của phim Hàn Quốc, không ít nhà sản xuất yêu cầu đạo diễn phải làm “cho giống phim Hàn” để thu hút khán giả, và điều đó không dừng lại ở dàn diễn viên đẹp, bắt mắt, những khung cảnh lãng mạn.

Theo Đất Việt.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC