Nghèo khổ, chị Nguyễn Thị D ở Hậu Lộc (Thanh Hoá) phải bỏ nhà ra Hà Nội giúp việc. Không may, chị bị một gã xe ôm cưỡng hiếp. Bụng mang dạ chửa trong cơn tuyệt vọng, chị D đã nghĩ quẩn... Nhưng rồi chính bà chủ nhà đã dìu chị ra khỏi cơn tuyệt vọng.
Gặp nạn
Vợ chồng chị D sống tại vùng đất nghèo Hậu Lộc (Thanh Hoá) bằng nghề làm muối và đi biển. Không may, một lần thuyền đánh cá gặp bão, chồng chị đã mãi mãi không về nữa. Khi ấy, con trai anh chị mới lên 4 tuổi. Tần tảo mãi nhưng những hạt muối mặn mòi không đủ để hai mẹ con có cơm ăn ngày hai bữa, nói gì đến chuyện cho con đi học, chị đành gạt nước mắt đem con gửi bà ngoại rồi ra Hà Nội làm giúp việc.
Một ngày tháng 3- 2008, mẹ già gọi điện từ quê báo tin con chị bị ốm nặng. 3 giờ chiều, vội vàng ra bến xe Giáp Bát, chị kịp chuyến xe cuối cùng từ Hà Nội về thành phố Thanh Hoá. Chị D nghẹn ngào kể: "Về đến thành phố Thanh Hoá trời đã tối, tôi bắt xe ôm đi Hải Lộc. Được vài cây số, gã xe ôm nói muộn rồi nên đi đường tắt. Không ngờ đến đoạn đường vắng không có người qua lại, hắn đẩy tôi vào bụi rậm.
Thân gái một mình, tôi không thể làm gì được. Ê chề lắm nhưng nghĩ mọi việc đã rồi, lại xấu hổ nêntôi im lặng. Không ngờ...".
|
Chị D và 2 con trai |
43 tuổi, bụng chị D tự nhiên cứ lùm lùm nổi lên. Bà Sâm - chủ nhà mà chị D làm giúp việc kể: "Cô D là người hiền lành, chịu khó, suốt ngày quanh quẩn trong nhà chăm cháu nhỏ, khi thấy cô ấy xanh xao, tôi chỉ nghĩ cô ấy bị ốm. Đến khi thấy bụng to bất thường, tôi mới chột dạ. Tôi nhẹ nhàng tỉ tê gợi hỏi, cô ấy mới khóc kể lại chuyện bất hạnh ấy. Tôi đưa D đi siêu âm, bác sĩ kết luận thai đã được 17 tuần, lại là thai đôi. Từ hôm ấy, ngày nào cô D cũng khóc ròng van lơn xin tôi giúp cô ấy phá thai".
Đời thường hiếm gặp
Gặp trường hợp như bà Sâm, vào chủ nhà khác chắc đuổi ô- sin về quê để tránh rắc rối. Người tử tế hơn thì giúp "giải quyết hậu quả" trước khi... tạm biệt, và chị D cũng chỉ dám mong như thế. Nhưng bà Sâm nghĩ khác. Lo lắng người giúp việc nhà mình đã lớn tuổi, lại mang thai đôi và đã to, nếu bỏ đi sẽ rất nguy hiểm nên bà Sâm động viên, thuyết phục chị D nên giữ lại hai đứa con. "Thôi cứ đẻ ra, tao sẽ nhận nuôi chúng". Chị D như chết đuối vớ được cọc, nhưng bà D thì đau đầu vì hàng xóm xầm xì, con cái phản đối.
Bà kể: "Ông nhà tôi mất lâu rồi, các con cái đều ở riêng. Biết tôi nhận nuôi con "giời ơi" của người giúp việc, các con tôi kịch liệt phản đối. Chúng bảo mẹ già rồi, ở một mình, sức đâu mà nuôi con thiên hạ, rồi còn bao nhiêu rắc rối mẹ không lường hết được. Tôi lại phải thuyết phục con rằng sống phải biết làm phúc, rồi đời lại để dành phúc cho con cháu mình...". Từ đó người trong khu tập thể Kim Liên chứng kiến cảnh ngược đời: Chủ nhà chăm chút từng li từng tí cho người giúp việc khoẻ mạnh đến ngày sinh nở.
Cuối tháng 10 vừa qua, chị D được bà Sâm đưa vào Bệnh viện Phụ sản Hà Nội sinh hai bé trai, nặng 2,9kg và 2,5kg, mẹ tròn con vuông. Nhìn cảnh bà Sâm tất tả mang cháo vào bệnh viện, rồi dìu chị D đi lại cho đỡ đau bụng, đêm đến lại thức để cho hai em bé uống sữa... ai cũng tấm tắc chị D có bà mẹ chồng tuyệt vời. Không ai ngờ một bà chủ nhà đang chăm sóc mẹ con người giúp việc.
Bao nhiêu khó khăn, vất vả, bà Sâm đều đã nghĩ đến nhưng bà bảo, trước mắt cốt sao ba mẹ con cô ấy khoẻ mạnh để bà đón về nhà nuôi rồi mọi chuyện sẽ tính tiếp. "Một số người biết chuyện khuyên cho hai cháu làm con nuôi hay gửi vào Trung tâm Nuôi dưỡng trẻ mồ côi. Điều đó thì quá đơn giản, nhưng bọn trẻ không có tội, tôi không muốn chia lìa mấy mẹ con. Đói khổ gắng chịu, tôi tin thời gian sẽ làm lành nỗi đau.
Tôi sẽ giúp D cùng nuôi hai cháu" - bà Sâm tâm sự. Trong đôi mắt vẫn còn lặng buồn của chị D, tôi đọc được niềm biết ơn vô hạn. Chị nói với tôi mà nước mắt rơm rớm: "Những người tận cùng khổ nhục như bọn tôi, nếu không gặp được người tốt cứu giúp không biết đời sẽ ra sao. Khi tôi gặp nạn và lo sợ nhất, bác Sâm- người bây giờ tôi coi như mẹ đã động viên tôi rằng mình cứ sống tốt, cứ làm phúc rồi đời lại để phúc cho mình".
Nông thôn ngày nay