Đã có văn bản pháp lý để làm cơ sở căn cứ khi tham gia đóng góp các khoản đầu năm học nhưng nhiều phụ huynh vẫn bày tỏ bức xúc của mình về việc “lạm thu”. Tuy nhiên, họ không dám phản ánh trực diện bởi lo sợ ảnh hưởng đến con em mình.
Phụ huynh “tiếp tay” cho lạm thu
Qua đường dây nóng của báo điện tử Dân trí, một bậc phụ huynh tên T. ở huyện Thường Tín (Hà Nội) bức xúc chia sẻ: “Theo dõi thông tin báo đài thấy Sở GD-ĐT quy định không thu tiền bảo vệ, trông xe, quét dọn nhưng trường tiểu học T.T vẫn “xé rào” thực hiện”. Khi PV hỏi khoản này có biên lai thu hay không thì phụ huynh này chỉ ngậm ngùi nói: “Nhà trường chỉ nói bằng miệng không có văn bản hay phiếu thu”.
Đó là một trong hàng trăm tình huống liên quan đến công tác thu chi đầu năm ở Hà Nội mà chúng tôi tiếp nhận được. Qua đây mới thấy, không khó để các trường “lách luật” lạm thu nhưng vấn đề đặt ra: Phụ huynh biết khoản thu là không đúng quy định nhưng vẫn “nhắm mắt” nộp cho xong!
Giải thích về “nghịch lý này” này, chị L.T.P ở quận Đống Đa chia sẻ: “Mình mà có ý kiến với giáo viên chủ nhiệm thì thế nào con mình cũng bị “đì”. Chính vì thế ấm ức là thế nhưng không dám nói ra”. Khi PV đặt vấn đề, nếu phụ huynh đã sợ như vậy thì sao lại đi phản ánh sự việc với người bên ngoài lỡ đến tai nhà trường thì sao? Chị chỉ cúi đầu im lặng!
Khi PV đem những chia sẻ của bậc phụ huynh tâm sự với cô L.T.Y - hiệu trưởng một trường tiểu học thuộc Quận Ba Đình, cô lắc đầu chia sẻ: “Tôi không biết phụ huynh lo ngại gì khi phản ánh những cái không đúng để qua đó nhà trường rút kinh nghiệm và điều chỉnh kịp thời. Là một nhà giáo, tôi thiết nghĩ chẳng có một ai lại dại dột đi “trù dập” học sinh, bởi không chỉ nhà trường mà còn có cả xã hội giám sát”.
Cũng theo cô Y, thì tâm lý lo ngại sợ thầy cô “đì” con em mình đã ngấm vào tư tưởng của không ít phụ huynh. Chính vì thế biết trường làm sai nhưng lại không dám góp ý, lên tiêng. Tư duy này cần phải được sớm thay đổi.
“Cá nhân tôi luôn công khai số điện thoại cá nhân cho phụ huynh biết. Bất kì điều gì mà phụ huynh thắc mắc hoặc chưa hiểu rõ, tôi sẵn sàng gặp để giải thích kỹ càng. Thiết nghĩ, ngày nay không khó để phụ huynh có thể gặp gỡ nhà trường để trao đổi, góp ý nhưng không ít người lại từ chối làm điều đó.” - cô Y. bộc bạch.
Và những điều khó hiểu
Phụ huynh ngại lên tiếng với nhà trường thì còn có thể đưa ra những lời biện minh nhưng nhiều khi, ngay bản thân phụ huynh với nhau cũng “sợ”. Để chấn chỉnh công tác thu chi cũng như định hướng Ban đại diện cha mẹ phụ huynh hoạt động đúng mục đích, Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư số 55 trong đó nếu rõ quyền của cha mẹ HS. Theo đó, cha mẹ HS có thể từ chối ủng hộ khi được Ban đại diện cha mẹ HS lớp, Ban đại diện cha mẹ HS trường đề xuất các khoản ủng hộ, nếu bản thân không tự nguyện; Thực hiện hoặc không thực hiện những nội dung chưa được thống nhất ý kiến trong cuộc họp toàn thể cha mẹ HS hoặc cuộc họp Ban đại diện cha mẹ HS…
Rõ ràng, rành mạnh là thế nhưng dường như nhiều bậc phụ huynh lại quên đi cái quyền đáng có của mình. “Thấy Ban đại diện cha mẹ HS bảo đóng bao nhiêu thì mình nộp như vậy. Với lại ai cũng đóng mà mình từ chối thì cũng không hay” - phụ huynh tên L. ở quận Đống Đa chia sẻ.
Theo tìm hiểu, thì phần lớn các cuộc họp Hội cha mẹ phụ huynh HS đều có sự xuất hiện của giáo viên chủ nhiệm các lớp. Do đó tâm lý ai cũng ngại “va chạm”. Thậm chí có người còn tiết lộ: “Mình phản đối có khi lại bị chính Ban đại điện cha mẹ phụ huynh HS trao đổi lại với thầy cô. Im lặng là vàng!”.
Tuy nhiên, vẫn còn đó một số ít người dám lên tiếng phản đối khi thấy Ban đại diện cha mẹ HS đưa ra các khoản thu chi không minh bạch. Chị H., một trong những phụ huynh “hiếm hoi” của một trường mầm non ở quận Cầu Giấy (Hà Nôi) từ chối đóng góp các khoản không hợp lệ, chia sẻ:“Chẳng có kế hoạch gì nhưng lại yêu cầu đóng góp các khoản quỹ hội phụ huynh, quỹ lớp, tiền làm sàn gỗ… lên đến tiền triệu. Tôi cương quyết không nộp vì thấy bất hợp lý”. Cũng theo lời chị H. thì ngay khi Ban đại diện cha mẹ phụ huynh HS phát động thì phần lớn phụ huynh đã đóng góp cho dù ấm ức trong lòng.
Khi được hỏi chị có lo ngại điều gì không, chị H. thành thật chia sẻ: “Tất nhiên là cũng có. Nhưng cũng may mắn là cháu mới học ở bậc mẫu giáo. Nếu không phù hợp thì mình có thể xin chuyển ra học ở trường tư”.
Với việc phụ huynh “lo sợ” nên dẫn đến “vô cảm” trước các khoản thu không đúng quy định thì dù có ban hành văn bản hay giám sát chặt chẽ bao nhiêu đi nữa thì bài toán lạm thu không bao giờ có lời giải cuối cùng. Chỉ khi nào chính bản thân các phụ huynh phải là người tiên phong trong việc chống lạm thu và dẹp đi được mối “lo sợ” không đáng có, lúc đó bài toán này có lẽ mới có lời giải đáp.
Theo Dân trí.