"Việt Nam đã hy sinh hàng triệu người, cũng là để bảo vệ độc lập, chủ quyền đất nước. Không có lý do gì, không ai được phép và không ai có quyền nhân nhượng về đất đai". Thứ trưởng Ngoại giao Vũ Dũng, Trưởng đoàn đàm phán biên giới trả lời

- Hơn 7 năm sau khi cắm cột mốc đầu tiên, Việt Nam - Trung Quốc đã hoàn thành việc phân giới cắm mốc 1.400 km biên giới. Trong cuộc đàm phán cuối cùng (28-31/12), vấn đề mấu chốt còn lại giữa hai bên là gì?

- Trong những ngày đàm phán cuối cùng, hai bên tập trung bàn thảo hai khu vực còn tồn tại, đó là khu vực thác Bản Giốc (Cao Bằng) và cửa sông Bắc Luân (Quảng Ninh). Đây là hai khu vực nhạy cảm, chưa được phân định rõ ràng.

Khi ký hiệp ước năm 1999, các khu vực khác đều vẽ được đường biên giới chung, riêng hai khu vực này chỉ vẽ được đường chủ trương của hai bên, có nghĩa có hai đường chủ trương của Việt Nam và Trung Quốc. Do đó, đây là hai khu vực khó khăn nhất và được giải quyết vào phiên cuối cùng giữa hai Trưởng đoàn đàm phán.

Không ai được phép nhân nhượng chủ quyền _0
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Vũ Dũng. Ảnh: Việt Anh.

- Kết quả giải quyết tại 2 khu vực"nhạy cảm" này như thế nào, thưa ông?

- Tại thác Bản Giốc, hai bên đã thống nhất đường biên giới đi từ mốc 53 cũ (do Pháp - Thanh xây dựng). Thác Bản Giốc có hai phần, phần hoàn toàn về phía Việt Nam gọi là thác cao. Thác cao nhưng lại là thác phụ vì lượng nước không lớn. Thác thấp là thác chính sẽ chia đôi, mỗi bên được một nửa. Đương nhiên chỗ đó không cắm mốc, chỉ để nhận biết và quản lý.

Thỏa thuận thứ hai đạt được ở thác Bản Giốc là hai bên không xây dựng các công trình nhân tạo trong phạm vi hẹp khu vực thác để giữ nguyên cảnh quan, vì đây là một thác đẹp thác có thể khai thác du lịch.

Thỏa thuận thứ ba là hai bên sẽ cùng nhau nghiên cứu và hợp tác phát triển du lịch khu vực thác Bản Giốc. Nếu chúng ta hợp tác, phát triển khu du lịch có thể thu hút khách nội địa, khách Trung Quốc và các nước khác.

Hai bên còn hai cột mốc nữa ở thác Bản Giốc chưa cắm, đó là cột mốc trên thượng lưu ở mốc 53 mà tôi vừa đề cập và cột mốc ở ngay dưới chân thác. Hy vọng ngày 2/1 sẽ cắm cột mốc này.

Về vấn đề cửa sông Bắc Luân, hai bên đã đạt được thỏa thuận tạo được đường biên giới từ thượng lưu cho đến hạ lưu và đi ra điểm đầu của đường phân định Vịnh Bắc bộ.

- Bảo vệ chủ quyền lãnh thổ luôn là nhiệm vụ hàng đầu trong đàm phán biên giới. Nhiệm vụ này đã được đoàn đàm phán Việt Nam thực hiện như thế nào?

- Vấn đề chủ quyền là hết sức thiêng liêng. Việt Nam đã trải qua mấy cuộc chiến tranh, hy sinh hàng triệu người, cũng là để bảo vệ độc lập, chủ quyền của đất nước. Thế thì không có lý do gì, không ai được phép, không ai có quyền nhân nhượng về đất đai. Đây là vấn đề mang tính nguyên tắc của anh em trong đoàn đàm phán dưới sự chỉ đạo của lãnh đạo cấp cao và tôi.

- Vậy đường biên giới mà Việt Nam - Trung Quốc vừa hoàn thành phân định có gì khác so với đường biên giới thời Pháp?

Việc hoàn thành công tác phân giới cắm mốc Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa lịch sử trọng đại đối với quan hệ hai nước, tạo ra các cơ hội mới cho các địa phương biên giới quản lý biên giới, thúc đẩy giao lưu kinh tế thương mại du lịch. Bằng chứng cho thấy, ở nơi nào cắm mốc phân giới xong thì giao lưu kinh tế, thương mại, du lịch thuận tiện hơn rất nhiều. (Thứ trưởng Vũ Dũng)

- Đường biên giới do Pháp - Thanh xây dựng những năm cuối thế kỷ 19 là hệ thống cột mốc sơ sài, có cột mốc cách nhau 40 km. Vậy giữa 40 km như thế nào, nhất là đối với những người dân biên giới phần lớn là đồng bào dân tộc, có khi người Việt Nam lại sang ở phía bên kia, có khi người Trung Quốc canh tác sang đất mình.

Hướng đi của đường biên giới vừa đạt được cơ bản như đường biên giới thời Pháp - Thanh. Chúng ta đã có đường biên giới hoàn chỉnh, kéo dài từ Điện Biên, ngã ba biên giới Việt Nam – Lào - Trung Quốc, đến cửa sông Bắc Luân (Quảng Ninh) là hoàn chỉnh, khép kín. Nhân dân 7 tỉnh biên giới Việt Nam rất hài lòng.

- Trong hàng loạt vòng họp biên giới Việt - Trung, cuộc đàm phán nào gay go và khiến ông nhớ nhất?

- Bất kỳ cuộc đàm phán biên giới lãnh thổ nào đều hết sức khó khăn, có vòng họp kéo dài 23 ngày. Phiên họp kỷ lục kéo dài 31 giờ, tất cả thành viên đoàn đàm phán hai bên ăn tới ba bữa cơm hộp tại bàn đàm phán. Riêng năm 2008, đoàn đàm phán hai bên đã có 11 vòng họp. Cuộc họp ngày 31/12, sau 13 giờ họp, hai bên mới ký được biên bản.

Theo Việt Anh 
VnExpress.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC