"Chỉ trong buổi chiều 27/10, bão đã 'nhảy' từ cấp 12 lên cấp 14. Không ai tính toán được là vào tới bờ biển mà bão còn mạnh thêm nhiều như vậy", Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Bùi Minh Tăng lý giải về công tác dự báo.
Chiều 29/10, Tổng giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng hủy văn Quốc gia Bùi Văn Đức và Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương Bùi Minh Tăng đã trao đổi với báo chí về công tác dự báo diễn biến bão Sơn Tinh.
Là người trực tiếp theo dõi và đưa ra các nhận định về bão, ông Tăng cho hay, bão Sơn Tinh có nhiều điểm bất thường. Đặc điểm của bão ở Việt Nam là từ mùa hè tới tháng 8-9, bão đổ bộ vào miền Bắc. Từ tháng 10 trở đi, xu hướng bão lệch dần về miền Trung và tháng 11 lệch dần về miền Nam.
Giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn Trung ương Bùi Minh Tăng.
Những cơn bão vào miền Bắc thường xuất phát ở vĩ độ cao, ngang với miền Bắc hoặc thấp là từ vĩ độ 15 trở lên, đi theo hướng Tây Bắc, xuyên qua đảo Hải Nam (Trung Quốc) vào miền Bắc. Trong khi đó, bão Sơn Tinh hình thành ở vĩ độ rất thấp, 8-9 vĩ độ bắc thuộc miền nam Philippines. Ban đầu bão đi theo hướng Tây Bắc rồi lệch Bắc, chạy dọc vùng ven biển từ Quảng Ngãi lên tới tận Quảng Ninh.
Theo ông Tăng, không chỉ lướt dọc bờ biển, cường độ bão cũng rất phức tạp. Từ ngày 23/10, trung tâm khí tượng đã cảnh báo khi vào biển Đông bão sẽ mạnh lên, mạnh nhất đạt cấp 12 khi tới Hoàng Sa vì đây là vùng biển thoáng và nóng, nhiều hơi ẩm.
"Nhưng khi vào tới nam vịnh Bắc bộ, ngang tỉnh Quảng Trị, chỉ trong buổi chiều 27/10, bão đã 'nhảy' từ cấp 12 lên cấp 14. Trong vòng 4 - 5 giờ, việc nhảy cấp này không mô hình đài nào có thể dự báo trước được, kể cả Mỹ và Nhật Bản. Không ai tính toán được là vào tới đó mà bão còn mạnh thêm nhiều như vậy", ông Tăng nói.
Nguyên nhân khiến bão mạnh lên đột ngột, theo lý giải của vị Giám đốc Trung tâm dự báo Khí tượng là do có rãnh gió Tây Nam trên cao 5.000 m. Ngày 26/10, khi bão đã vào sâu trong biển Đông, rãnh gió này mới xuất hiện. Cường độ của rãnh gió rất mạnh di chuyển từ phía Nam lên. Bão tiến vào gần rãnh gió Tây và bị thổi ngược lên phía Bắc.
Còn ông Bùi Văn Đức cho hay, thời điểm này, việc dự báo hướng đi của bão trở nên rất khó khăn vì dù đã phát hiện rãnh gió Tây Nam trên cao nhưng rãnh này còn phát triển và thay đổi chứ không phải như "đoàn tàu đi theo một đường cố định". Người làm công tác dự báo vì thế không thể dám chắc gió Tây xuất hiện thì cơn bão sẽ đi thế nào nên đã tham khảo tất cả các mô hình dự báo khác.
"Khi trình bày trước Ban chỉ đạo PCLB Trung ương, chúng tôi phải phân tích tất cả khả năng, có thể xác suất rất nhỏ song vẫn phải nói để ban chỉ đạo lường trước được mọi tình huống. Nhưng trong bản tin, chúng tôi phải cân nhắc rất kỹ vì nói cho dân thì chỉ được chọn một cái, đưa ra nhiều tình huống thì bà con biết đường nào mà chọn. Dự báo chỉ là dự báo thôi", ông Đức nói.
Diễn biến của cơn bão được ông Đức cho là thuộc loại "hiếm có", song việc dự báo đường đi của bão Sơn Tinh của cơ quan khí tượng quốc gia là tương đối chính xác, đồng thời, cơ quan này cũng đã theo dõi bão sát sao, điều chỉnh kịp thời mỗi khi nhận biết được các dấu hiệu thay đổi.
"Tuy nhiên, tôi nghĩ khi đã có những thiệt hại lớn về người và của thì không ai dám nói là mình đã hoàn thành tốt công tác dự báo, chúng tôi chỉ có thể nói là đã cố gắng hết sức mình để làm công tác 'đầu vào' cho cả hệ thống chỉ đạo công tác phòng tránh thiên tai", ông Đức thừa nhận.
Theo Vne