Vào vụ cuối năm, hoa quả Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam 400-500 tấn/ngày và không phát hiện có dư chất bảo vệ và bảo quản thực vật. Theo bà Nguyễn Thị Hà, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật Vùng 7, Lạng Sơn, hiện tại đang vào vụ hoa quả, lại giáp Tết nên lượng hoa quả Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam tăng đột biến.
Mỗi ngày lượng hàng thông quan vào khoảng 400-500 tấn hoa quả tươi. Từ đầu năm tới nay có khoảng 400.000-500.000 tấn thực vật Trung Quốc nhập siêu vào Việt Nam.
Qua kiểm tra test nhanh tại các trạm kiểm dịch ở cửa khẩu và kiểm tra gửi mẫu tại các viện kiểm nghiệm, chưa phát hiện trường hợp mẫu nào hay lô hoa quả nào có dư lượng thuốc bảo vệ hay bảo quản thực vật.
Vị Chi cục trưởng thông tin, các trạm kiểm dịch tại cửa khẩu đang thực hiện 2 nhiệm vụ là kiểm dịch thực vật và kiểm tra an toàn thực phẩm."Chúng tôi đã gửi hơn 260 mẫu về các đơn vị có trách nhiệm kiểm nghiệm đa dư lượng thuốc bảo quản thực vật thì nhận được các báo cáo kết quả gửi về là chưa phát hiện trường hợp nào dư lượng chất bảo quản thực vật vượt ngưỡng quy định. Các mẫu này là những loại mẫu được cho là có nguy cơ dư lượng cao như táo, lê, cam, quýt, cà rốt, khoai tây, tỏi củ, một số loại hạt", bà Hà cho hay.
Các trạm kiểm dịch cửa khẩu được trang bị kính lúp, kính hiển vi, các máy test nhanh dư lượng phục vụ cho công tác kiểm dịch thực vật ngang tầm với nước bạn.
Tại cửa khẩu Tân Thanh, Lạng Sơn, hiện đang có 4 bộ test đọc nhanh dư lượng thuốc bảo vệ thực vật tại cửa khẩu. Thời gian kiểm tra là 20-30 phút sẽ cho kết quả 1 lần đọc cho 1 lô hàng.
Song ở cửa khẩu chỉ có chức năng kiểm tra dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Các kiểm tra về dư lượng thuốc bảo quản thực vật là kiểm tra đa dư lượng do vậy cần các máy móc phức tạp hơn nên các trạm kiểm dịch có trách nhiệm sau khi test nhanh thì lấy mẫu gửi về cho các đơn vị được Cục Bảo vệ thực vật phân công xét nghiệm xem có dư lượng chất bảo quản hay không.
Có 2 đơn vị thực hiện nhiệm vụ này là Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng Quatest 3 và Viện kiểm nghiệm an toàn vệ sinh thực phẩm quốc gia.
Các mẫu này cũng được xét nghiệm kỹ hơn và có kết quả trong 15 ngày. Trường hợp các mẫu được xét nghiệm có trường hợp dư lượng thì đơn vị Chi cục kiểm dịch sẽ truy xuất công ty nhập và công ty xuất khẩu này.
"Việc nhập khẩu, xuất khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc phải được thực hiện theo thông lệ quốc tế. Do vậy, tôi khẳng định không có hiện tượng cán bộ kiểm dịch kiểm tra hàng nhập khẩu bằng mắt, bằng tay", Chi cục trưởng Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 7 cho biết.
Bà Bế Thị Thu Hiền, Trạm trưởng Trạm Kiểm dịch thực vật cửa khẩu Tân Thanh (thuộc Chi cục Kiểm dịch thực vật vùng 7, Lạng Sơn) xác nhận, mỗi lô hàng được nhập vào Việt Nam đều trải qua 2 quá trình kiểm tra. Đầu tiên là kiểm tra hồ sơ do doanh nghiệp đăng ký, kiểm tra ngoại quan (thông tin trên bao bì).
Kiểm dịch thực vật ở cửa khẩu Tân Thanh bằng mắt và tay. Ảnh: L.T.H
Việc kiểm tra cảm quan bằng tay hay bằng mắt thường là để kiểm tra số hoa quả ôi hỏng hay dập nát. Đây là các tiêu chuẩn đầu tiên thực hiện trước khi hoa quả được thông quan.
Sau đó cơ quan kiểm dịch thực hiện kiểm tra thực tế, lấy mẫu kiểm tra test thử và lưu trữ để gửi mẫu xét nghiệm đa dư lượng các chất bảo quản và bảo vệ thực vật.
Hiện nay, tại cửa khẩu Lạng Sơn, lượng hàng Việt Nam xuất sang Trung Quốc khá lớn, khoảng 2 triệu tấn nông sản thực vật như: dưa hấu, thanh long, vải quả tươi..
Trong khi đó từ đầu năm tới giờ, lượng hoa quả Trung Quốc xuất sang Việt Nam cũng đạt ngưỡng 500.000 tấn.
Cúc Phương