Kiều hối sẽ chảy vào đâu? Việt Nam là một trong 10 nước có lượng kiều hối cao nhất thế giới. Mặc dù trong những năm gần đây, tình hình kinh tế thế giới có những khó khăn nhưng lượng kiều hối vẫn chuyển về nước đều đặn.

 Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, đến hết quý 2/2013, lượng kiều hối chuyển qua các ngân hàng trên địa bàn đạt 1,9 tỉ USD, tăng 3% so với cùng kỳ năm ngoái. Dự kiến đến cuối năm, lượng kiều hối đạt 4,5 - 4,8 tỉ USD, tăng 10 - 15% so với năm 2012.

Mặc dù mới 6 tháng đầu năm nhưng những đơn vị làm dịch vụ kiều hối cho biết con số kiều hối chuyển về Việt Nam khá khả quan. Đáng lưu ý, bên cạnh nguồn kiều hối truyền thống (Việt kiều chuyển tiền về Việt Nam cho người thân), nguồn kiều hối từ lực lượng xuất khẩu lao động cũng gia tăng mạnh mẽ nhiều năm trở lại đây. Năm 2012, lượng kiều hối chuyển về Việt Nam khoảng 10 tỉ USD và dự báo năm 2013 kiều hối sẽ vượt qua con số này.

Ngoài hỗ trợ người thân, dòng tiền này chuyển hướng vào các hoạt động thị trường nào là điều các doanh nghiệp và nhà quản lý cũng rất quan tâm. Đặc biệt, đây còn là dòng vốn đầu tư lớn mà không lo chảy ngược ra ngoài như các dòng vốn đầu tư nước ngoài khác, bởi hầu hết kiều hối là tiền Việt kiều và người lao động xuất khẩu gửi về cho thân nhân trong nước, không phải nguồn vốn vay hay đầu tư từ nước ngoài để rồi phải chuyển lợi nhuận ngược trở ra.

Thêm tiền vào động sản

Cũng theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM, lượng kiều hối năm 2012 chảy vào bất động sản chỉ đạt 23% so với 52% của năm 2011. Tuy nhiên, lượng kiều hối chuyển về TP.HCM năm 2012 lại tăng 15% so với năm ngoái, đạt 4,1 tỉ USD, nên dù chỉ 23% đổ vào bất động sản thì con số này cũng đã lên tới cả tỉ USD. Tuy số tiền này chẳng thấm vào đâu so với toàn thị trường, nhưng nó cũng phần nào giúp các dự án địa ốc qua được thời khó khăn.

Bước qua năm 2013, giá bất động sản tiếp tục có chiều hướng giảm và theo nhiều chuyên gia mức giá này đã “ở đáy”, nhất là phân khúc nhà chung cư, nhà và đất dự án. Vì thế, giám đốc một đơn vị dịch vụ chuyển tiền nhận định lượng kiều hối năm 2013 có khả năng sẽ quay lại thị trường bất động sản. “Giá bất động sản hiện nay đã khá thấp, có thể nói là xuống đáy, nên đây là thời điểm tốt để mua vào. Mặt khác, bản thân những người đi xuất khẩu lao động cũng muốn vài năm nữa khi quay về sẽ có nhà cửa ổn định thì bây giờ chính là thời điểm tạo dựng mảnh đất, căn nhà...”, vị giám đốc phân tích. Tuy nhiên, chuyên gia này cũng nhìn nhận lượng kiều hối đổ vào bất động sản khó tăng đột biến so với năm 2012. Vì thế, thị trường bất động sản vẫn chưa thể ấm lên trong những tháng cuối năm nếu chỉ chờ vào kiều hối. 

“Vốn vàng” cho sản xuất kinh doanh

Thống kê cho thấy khoảng 70% lượng kiều hối năm 2012 chuyển về nước chảy vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh. Ở thời điểm nguồn vốn vay ngân hàng khó khăn, lãi suất còn cao, hàng tỉ USD kiều hối quả là nguồn vốn vàng cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Xu hướng này được nhiều chuyên gia dự báo sẽ tiếp tục trong những tháng cuối năm 2013. Chưa có thống kê chính thức, nhưng lượng kiều hối chuyển về từ đầu năm đến nay được đưa vào đầu tư sản xuất kinh doanh khá lớn.

Theo các chuyên gia, trong bối cảnh lãi suất tiết kiệm xuống thấp, chỉ còn 7%/năm, thậm chí các ngân hàng lớn chỉ huy động với mức 5,5%/năm, kênh tiết kiệm sẽ không còn hấp dẫn kiều hối. Song song đó, giá vàng thất thường, chứng khoán và bất động sản còn trì trệ... thì kênh đầu tư vào sản xuất kinh doanh rõ ràng “sáng” hơn cả. “Dù trong một số lĩnh vực lượng hàng tồn kho còn nhiều, nhưng nền kinh tế nói chung đã có những tín hiệu tốt hơn. Mặt khác, lãi suất cho vay tuy có giảm so với trước, nhưng không phải doanh nghiệp nào khi cần vốn cũng có thể dễ dàng tiếp cận nguồn vốn ngân hàng với lãi suất thấp. Vì thế, nếu có nguồn kiều hối cho vay ở mức hợp lý hơn, chắc chắn doanh nghiệp sẽ tìm đến”, giám đốc đơn vị dịch vụ chuyển tiền nói trên phân tích.

Theo Thanh niên.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC