Để kiều hối tiếp tục tăng mạnh, các chuyên gia đề xuất Việt Nam cần có hành lang pháp lý mới cho dòng tiền này - Ảnh: N.B
Chiều 22-5, Ủy ban về người Việt Nam ở nước ngoài TP.HCM đã tổ chức hội thảo lấy ý kiến các chuyên gia cho "Đề án chính sách thu hút và phát huy nguồn kiều hối trên địa bàn thành phố".
Các ý kiến này nhằm góp phần tìm ra giải pháp huy động tối đa nguồn lực kiều hối trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài gửi về qua hệ thống các ngân hàng thương mại và các công ty kiều hối.
Ông Nguyễn Hoài Anh - phó vụ trưởng Vụ Quan hệ kinh tế và Khoa học công nghệ, Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài - cho biết nguồn lực kiều hối đã và đang có vị trí rất quan trọng trong tổng thể các nguồn lực từ bên ngoài của đất nước.
Các năm gần đây, dòng tiền về Việt Nam thường xuyên đạt trên 10 tỉ USD/năm và lên tới 17 tỉ USD năm 2019. Ngay sau đại dịch COVID-19, kiều hối cũng nhanh chóng tăng trở lại, đạt 18 tỉ USD trong năm 2022.
"Nguồn lực kiều bào còn tiềm năng lớn chưa được khai thác. Cùng với sự phát triển của quan hệ giữa Việt Nam và các nước, nhiều người thuộc thế hệ trẻ mong muốn gắn bó với cội nguồn, tìm kiếm cơ hội làm việc, kinh doanh tại Việt Nam. Đây còn là sự dịch chuyển về nguồn lực con người", ông Hoài Anh nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, hiện dòng kiều hối vẫn đang chảy về Việt Nam nhưng có sự dịch chuyển trong nhóm người gửi.
Ông Bùi Việt Khôi - tham tán khoa học công nghệ, Đại sứ quán Việt Nam tại Úc - cho biết kiều hối gửi về Việt Nam từ kiều bào và người xuất khẩu lao động.
Gần đây, kiều hối giúp người thân có xu hướng giảm, thay vào đó, kiều bào chuyển kiều hối về Việt Nam để làm ăn, đầu tư bất động sản... nhộn nhịp hơn. Đây là những khoản tiền nhàn rỗi nên họ mong được đầu tư và có hiệu quả cao nhất có thể mua nhà tại Việt Nam hay đầu tư vào các dự án sản xuất, kinh doanh.
Ông Nguyễn Đức Lệnh - phó giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM - cho biết trước đây, người nhận kiều hối ở Việt Nam bằng ngoại tệ, nhưng bây giờ phần lớn đều muốn nhận luôn tiền mặt. Vì vậy làm sao có cơ chế để tỉ giá ổn định, tạo thuận lợi an tâm cho người hưởng thụ kiều hối.
Có khoảng 30 - 40 công ty kiều hối khắp cả nước nhưng dịch vụ kiều hối mạnh mẽ nhất vẫn nằm ở TP.HCM.
Hiện nay, quá trình số hóa đang rút ngắn thời gian giao dịch từ vài ngày xuống chỉ còn vài giây, sự phát triển của fintech khiến nhu cầu chuyển kiều hối cũng khá đa dạng không chỉ giữa cá nhân với nhau mà còn giữa cá nhân và doanh nghiệp hay doanh nghiệp - doanh nghiệp...
Do đó, các chuyên gia đề xuất Nhà nước cần tạo điều kiện thuận lợi, xây dựng hành lang pháp lý mới để bắt kịp xu hướng, thu hút người Việt Nam đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài trở về đầu tư và phát triển kinh doanh tại Việt Nam.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - chi nhánh TP.HCM, năm 2022, TP.HCM vẫn là địa phương dẫn đầu cả nước về lượng kiều hối với 6,6 tỉ USD và trong quý 1-2023 lượng kiều hối về thành phố tiếp tục tăng trưởng tích cực với gần 2,2 tỉ USD, tăng 19,41% so với cùng kỳ năm 2022.
Nguồn: Báo Tuổi trẻ Online