Trong thời gian gần đây, hàng loạt những cửa hàng một giá, đồng giá đã đua nhau mọc lên trên địa bàn Hà Nội. Hình thức kinh doanh này đã kích thích tiêu dùng và mang lại khoản thu nhập không hề nhỏ cho các chủ cửa hàng.
Dạo quanh các phố như Tây Sơn, Tôn Đức Thắng, Chùa Bộc (Đống Đa), Nguyễn Trãi (Hà Đông), Đại Cồ Việt (Hai Bà Trưng)… người ta có thể bắt gặp những cửa hàng một giá, đồng giá đang thu hút rất đông người tiêu dùng đến mua hàng. Chị Trần Thị Hương (nhân viên cửa hàng một giá HT, 319B Tôn Đức Thắng) cho biết, cửa hàng này đã kinh doanh hàng một giá được 10 năm. Ở đây chỉ chuyên bán các loại quần áo có giá 65.000 đồng và 130.000 đồng. Khách hàng chủ yếu là sinh viên và dân văn phòng nên khá dễ bán và doanh số cũng khá cao. Chị cho biết, tuy lượng khách cũng thất thường nhưng ngày ít nhất cũng bán được 30 sản phẩm, những ngày trung bình khoảng 50 – 60 sản phẩm, còn vào mùa cao điểm con số này lên tới hàng trăm sản phẩm/ngày.
“Như mấy hôm chớm lạnh vừa rồi, tính sơ sơ mỗi ngày cũng bán được hơn 60 cái, thu về khoảng 10 triệu. Mình là nhân viên, cứ bán được 30 sản phẩm thì được hưởng thêm 200.000 đồng”, chị chia sẻ.
Không cầu kì như các chủ cửa hàng khác, cô N.T.X, (55 tuổi, đường Nguyễn Trường Tộ, quận Ba Đình) có hình thức bán hàng một giá đơn giản mà vẫn có lợi nhuận cao. Cô cho biết, toàn bộ hàng sẽ được đem ra các công viên, vườn hoa, hồ nước, nơi người dân hay tập thể dục buổi sáng…để bán rong. Thời gian bán hàng là từ 4 giờ sáng đến 6 giờ sáng vì nế muộn hơn thì sẽ bị công an dẹp. Trong vòng 2 tiếng buổi sáng như vậy, cô bán được khoảng 200 sản phẩm, thu về khoảng 2 triệu đồng, trừ chi phí, cô thu lãi từ 500.000 – 700.000 đồng. Cô chia sẻ: “Hàng của mình vừa rẻ (giá chỉ 10.000 đồng/sản phẩm) lại bán tận nơi, nên người ta thích mua. Chỉ tiếc là hàng không bán thường xuyên, có khi một tuần chỉ bán được 3 buổi”.
Buôn bán hàng một giá đã được 5 năm nên cô N.T.X hiểu rất rõ loại hình kinh doanh này. Cô cho biết, hàng một giá chỉ có các loại như quần áo, đồ gia dụng, đồ lưu niệm, trang trí…mà tất cả đều là hàng Tàu. Các loại quần áo thường được lấy từ chợ Đồng Xuân hoặc là các kho ở Long Biên, Gia Lâm và nhất là chợ Ninh Hiệp (Bắc Ninh). “Ở đó sản xuất bạt ngàn, đặt hàng giá bao nhiêu cũng làm được, muốn mua bao nhiêu cũng có”. Ngoài mối trên, các chủ cửa hàng một giá cũng thường “ôm hàng sale” khi có đợt xả hàng hoặc là hàng “sập tiệm”(hàng của doanh nghiệp phá sản). Vì giá lấy bao giờ cũng thấp hơn nhiều so với giá bán, nên cứ mỗi sản phẩm được bán ra, chủ hàng đều có lãi nhiều. Lấy ngay hàng gia dụng 10.000 đồng của mình làm ví dụ, cô phân tích: “Những loại hàng này lấy từ trên Lào Cai, tất cả chỉ có 5.000 đồng/cái, trừ tiền tàu xe, mỗi cái cũng lãi từ 2 – 3.000 đồng”.
Tuy treo biển 99k nhưng bên trong cửa hàng có nhiều sản phẩm có giá khác nhau. Đây là cách thức “quẩy” tâm lý tiêu dùng của khách hàng
Ngoài ra, để tăng thêm lượng hàng hóa bán ra, các chủ hàng còn có những “mánh khóe” kinh doanh khác. Đó là việc trưng bày thêm những sản phẩm khác vào cùng gian hàng với hàng một giá. Bình thường người tiêu dùng sẽ không mua, nhưng khi bước chân vào mua hàng một giá, họ tất yếu sẽ có tâm lý so sánh các sản phẩm với nhau và dễ dàng bỏ tiền ra mua loại sản phẩm có chất lượng và giá thành cao hơn kia. “Vì thế mua hàng 10.000 đồng mà có khi thanh toán tiền triệu. Đó cũng là một cách để “quẩy” tâm lý của khách hàng”, cô chia sẻ.
Còn nói về chất lượng của sản phẩm, cô cho biết: “Hàng Tàu nên chỉ được cái mã, chất lượng không bền, nhưng tiền nào của nấy cả, vì rẻ nên thích thì mua và khi hỏng thì cũng không thấy quá tiếc”. Đó cũng là lý do vì sao các cửa hàng một giá thường xuyên đông khách và có lượng hàng bán khá lớn như vậy.
Bán hàng một giá mang lại thu nhập lớn cho người kinh doanh cũng như đem lại cơ hội tiêu dùng giá rẻ cho người dân. Tuy nhiên, có một thực tế mà chúng ta buộc phải thừa nhận rằng đây cũng là một hình thức “kích cầu” cho hàng Trung Quốc.
Theo VietQ.