Kinh hoàng đêm "hà bá" nuốt nhàMột ngày sau sự cố sạt lở khiến 5 căn nhà với 22 nhân khẩu ở ấp 4, xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè, TP.HCM phải đi lánh nạn, khuôn mặt họ vẫn chưa hết bàng hoàng, lo sợ… Ngay cả người dân sống xung quanh khu vực này cũng thất thần, lo lắng không yên vì liệu “hà bá” có tiếp tục nhấn chìm các căn nhà khác? 

“Cứ nghĩ đến lại rùng mình…”  

Chiều 27/5, trở lại khu vực sông Rạch Dơi thuộc xã Nhơn Đức, huyện Nhà Bè gặp những người bị nạn trong trận sạt lở nhấn chìm 5 căn nhà xuống sông đêm 25/5, nhiều người vẫn còn thất thần khi kể lại sự việc. 

Ông Nguyễn Thanh Bình, một trong những hộ dân có nhà bị sạt đang cố gắng nhặt nhạnh những vật dụng còn lại của gia đình. “Đến giờ tôi vẫn không tin nhà của mình đã ở… dưới sông và phải đi ở trọ. Cả gia đình đành phải bắt đầu lại từ đầu…”

Nhìn quanh khu vực này, một quang cảnh tiêu điều, hoang tàn chỉ sau một đêm bao trùm cả 5 căn nhà với những bức tường nham nhở, trống hoác đã bị tháo cửa chính, cửa sổ. Phía sau nhà, dòng nước cuồn cuộn chảy cùng những đợt sóng mạnh đập vào vách tường, hàm ếch có chỗ rộng hơn cả mét khoét sâu vào đất, tường - phần còn lại của mấy căn nhà.

Đi tìm mấy hộ còn lại đã được di dời tới các ấp 1, 3, 4 thuộc xã Nhơn Đức, chúng tôi đến căn phòng trọ của vợ chồng anh Lê Hoàng Hải và chị Nguyễn Thị Sáu ở ấp 3. Hai vợ chồng cùng các cháu nhỏ đang ngồi bàn chuyện thời gian tới sẽ làm gì để sống… Nhìn quanh nhà, mọi đồ đạc trong phòng vẫn còn nguyên từ chiều hôm qua (26/5) khi dân quân giúp vợ chồng anh chị chuyển đến. Anh Hải nói đến giờ cả nhà vẫn chưa kịp hoàn hồn sau trận sạt lở nên chẳng ai muốn đụng chạm đến đồ đạc. 

“Nếu đêm hôm đó anh hai Diễn (hàng xóm - PV) không chạy tới nhà đập cửa nói đất đang bị sạt có lẽ giờ này cả nhà tôi đã nằm dưới lòng sông rồi” - chị Sáu kể. “Cả hai đêm nay tôi đều không ngủ, cứ nhắm mắt là nghĩ tới căn nhà mình từ từ chìm xuống sông. Chỉ cần nghe tiếng động mạnh ngoài đường tôi lại giật mình ngồi dậy. Nằm trong phòng trọ mà vẫn có cảm giác rung rinh, sợ căn phòng cũng bị sạt giống như nhà mình. Bao công sức vợ chồng dành dụm mới cất được căn nhà nhỏ, ai ngờ…”. 

Khi hỏi anh chị có muốn về lại nhà cũ, sống cạnh bờ sông nữa không? Cả hai vợ chồng cùng đồng thanh “cho tiền cũng không dám nữa!” 

Hàng xóm cũng mất ngủ vì lo 

Trong 5 căn nhà bị sạt, nhà của anh Lê Thanh Bình nặng nhất vì “hà bá” nuốt trọn căn nhà cùng toàn bộ đồ đạc. Người dân cho biết đến tận trưa hôm sau, anh vẫn thất thần ngồi một góc không muốn đi đâu. Bà con thấy thương đành mỗi người góp bộ quần áo, vài kg gạo cho vợ chồng anh nấu cơm… 

Không chỉ các hộ có nhà bị “nuốt”, những người dân sống quanh khu vực này cũng hoảng hồn, lo lắng không yên vì mấy chục năm nay khu vực này mới bị sạt lớn. Bà Nguyễn Thị Đính, ở cách 5 các căn nhà bị sụp khoảng 5m cho biết cả 2 đêm nay bà cũng không chợt mắt. “Cứ có tiếng động là tôi chạy ra ngoài xem có phải đất đang sạt hay không để biết đường chạy? Cái nhà này của thằng con trai tôi giờ chắc bỏ hoang quá!” - vừa nói bà vừa chỉ tay về phía căn nhà đang xây dở đối diện nhà của ông Lê Thanh Bình mới bị sụp. 

Kinh hoàng đêm
Kinh hoàng đêm

Gia đình anh Hải, chị Sáu trong phòng trọ nhưng vẫn chưa hết bàng hoàng sau vụ sạt lở. Ông Bình thẫn thờ trước căn nhà chỉ còn cái khung nhà. Ảnh: Thái Phương

Đó là nhà của anh Quách Ngọc Sơn, con trai bà Đính. Chứng kiến cảnh mấy gia đình chỉ trong một đêm mất sạch nhà cửa, đồ đạc, anh Sơn đã không dám xây tiếp nhà mình. 

Theo quan sát của PV VietNamNet chiều 27/5, đất vẫn tiếp tục có dấu hiệu bị sạt, mỗi lần sóng đánh vào bờ là một phần cát, đất lại trôi xuống sông. “Sáng tôi có quay lại nhà mình và thấy căn chòi lá phía bên cạnh đang có dấu hiệu sạt dần rất nguy hiểm…” - anh Hải cho biết. 

Ông Lê Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND xã Nhơn Đức nói, trước mắt xã đã bố trí thuê phòng trọ cho các hộ dân ở quanh khu vực này. Đồng thời, xã cũng lo tiền nhà trọ cho 5 hộ dân trong 6 tháng tới và vận động các cơ quan, đoàn thể đóng góp, hỗ trợ người dân bị nạn.

Dự án chống sạt lở ì ạch, dân cậy nhờ... “hà bá”  

Theo thống kê, hiện TP.HCM có tất cả 36 điểm sạt lở tập trung ở các quận huyện như Nhà Bè, Cần Giờ, Thủ Đức, Bình Thạnh… Từ năm 2007 đến nay, thành phố đã xảy ra 22 vụ sạt lở trong đó có 1 vụ nghiêm trọng nhất vào năm 2007 tại khu vực kênh Thanh Đa làm 15 căn nhà sụp xuống sông. 

Trao đổi với PV VietNamNet, ông Phan Công Bằng, Phó Giám đốc Khu Đường sông cho biết hiện các dự án chống sạt lở đang gặp trục trặc về vốn nên không thể đẩy nhanh tiến độ. 

Tính đến hết quý I/09, Ban quản lý dự án Khu Đường sông chỉ mới đưa vào sử dụng 1 công trình chống sạt lở kênh Thanh Đa (đoạn 1.1) nhưng còn nợ đơn vị thi công gần 7 tỷ đồng. 

Kinh hoàng đêm

Hàm ếch khoét sâu hơn 1m khiến người dân lo lắng vì mùa sạt lở chỉ mới bắt đầu. Ảnh: Thái Phương

Với hai dự án khác đang thi công là dự án chống xói lở bờ sông khu vực cầu Phước Long, xã Phước Kiển và dự án chống xói lở bờ sông khu vực cầu Rạch Tôm, xã Nhơn Đức (huyện Nhà Bè) cũng rơi vào tình trạng thiếu vốn. Do đó nhiều khả năng các công trình này không thể hoàn thành vào tháng 7/09 theo tiến độ. 

Ông Bằng cho biết, trong các dự án chống sạt lở đang chuẩn bị đầu tư có dự án Quy hoạch và chỉnh trị hệ thống sông rạch trên địa bàn TP.HCM là bao quát nhất và có thể nghiên cứu, đánh giá những điểm có nguy cơ sạt lở một cách chính xác, toàn diện. 

Tuy nhiên, đến thời điểm này dự án trên vẫn chỉ nằm trên… giấy vì chưa có vốn để đầu tư. 

Được biết, khu vực cầu Rạch Dơi, nơi xảy ra sạt lở đêm 25/5 chưa có trong danh mục dự án làm bờ kè, chính quyền địa phương có thể chỉ cắm biển cảnh báo nguy cơ sạt lở cho dân biết. Trong lúc các dự án chống sạt lở chưa được triển khai đồng loạt, lại gặp khó khăn liên tiếp về vốn, công tác giải phóng mặt bằng, tái định cư… thì người dân vẫn ngày đêm thấp thỏm sợ “bà thủy”. 

Và không biết liệu còn bao hộ dân phải chịu thêm những đêm kinh hoàng như người dân ở ấp 4, sông Rạch Dơi vừa qua khi mùa sạt lở chỉ mới bắt đầu.

Theo Vietnamnet.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC