Chỉ riêng tại Đồng Tháp, theo thông báo của Sở Y tế tỉnh, trong vòng chưa đầy một tháng qua đã có 16 trường hợp ngộ độc rượu, trong đó 10 người đã thiệt mạng, 2 người vẫn đang nằm viện với tình trạng hết sức nguy kịch. Dù vậy, nhiều “ma men” vẫn thi nhau uống rượu như không hề có điều gì xảy ra.
Sau một thời gian yên ắng, tình trạng chế biến, buôn bán rượu độc, rượu dỏm không rõ nguồn gốc, xuất xứ lại xuất hiện tràn lan tại các tỉnh, TP trong khu vực ĐBSCL. Hậu quả là chỉ trong vòng chưa đầy một tháng trở lại đây, đã có hàng chục “ma men” tử vong vì uống phải rượu độc.
Thách uống tại đám tang... người ngộ độc rượu!
Chúng tôi đến Đồng Tháp, địa phương đã xảy ra hàng loạt người chết do ngộ độc rượu gây xôn xao dư luận thời gian gần đây. Khoảng thời gian gần 2 tuần nay thật sự là chuỗi ngày kinh hoàng đối với người dân ở huyện Châu Thành và thị xã Sa Đéc, nơi liên tục có nhiều người chết do ngộ độc rượu.
Hai nạn nhân tử vong đầu tiên do ngộ độc rượu ở Đồng Tháp là ông L.V.Đ (34 tuổi, làm nghề thợ hồ) và ông N.T.L (48 tuổi, làm bốc vác), cùng ngụ phường 3, thị xã Sa Đéc. Người nhà ông Đ. cho biết vào chiều 14-6, sau khi đi làm về, ông ghé nhà người chú là ông L. để nhậu. Sẵn vợ có bán rượu nên ông L. lấy khoảng 1 lít ra đãi cháu, tàn cuộc ai về nhà nấy. Ông Đ. lần xần đến sáng 16-6 thì bị co rút tay chân, miệng há hốc, mắt trợn trừng. Người nhà lập tức đưa ông đến Bệnh viện Sa Đéc song ông đã tử vong. Ông L. sau bữa nhậu cùng cháu cũng có các triệu chứng ngộ độc, như: buồn nôn, chóng mặt, mệt lả... nên cũng được đưa cấp cứu tại bệnh viện vào tối 16-6. Rạng sáng hôm sau, đến lượt ông L. từ giã cõi đời.
Người thân của ông N.T.L ở thị xã Sa Đéc – Đồng Tháp vẫn chưa hết bàng hoàng trước cái chết chóng vánh của ông do ngộ độc rượu. (Ảnh: Q.Dũng) |
Ngay sau cái chết của chú cháu ông L., cơ quan y tế và các ngành chức năng thị xã Sa Đéc đã thông báo kết luận do ngộ độc rượu; đồng thời khuyến cáo mọi người dân không nên tiếp tục uống rượu không rõ nguồn gốc. Tuy nhiên, thông báo này đã bị nhiều bợm nhậu phớt lờ. Trong ngày đám tang của ông L., một số người thân và hàng xóm đến dự vẫn tiếp tục uống rượu, thậm chí còn thách thức nhau uống vì cho rằng không tin có loại rượu độc gây chết người. Bà Nguyễn Thị Thúy Nga, vợ ông L., kể: “Hôm tôi tổ chức đám tang cho chồng vào ngày 17-6, trong nhà đã hết rượu nên sang hàng xóm mua thêm 5 lít. Trong số những người uống rượu tại đám tang có 2 người em ruột của chồng tôi là D., H. và cháu trai là S. đều bị ngộ độc. Trong đó, D. đã chết ngay trong buổi tối cùng ngày, còn H. thiệt mạng vào tối hôm sau. Riêng S. được gia đình chuyển thẳng lên Bệnh viện Chợ Rẫy – TPHCM kịp thời nên may mắn thoát chết”.
Cũng trong ngày 17-6, tại phường 3, thị xã Sa Đéc còn có 2 người khác thiệt mạng do ngộ độc rượu là ông Đ.V.T (55 tuổi, làm nghề bốc vác) và N.V.T (47 tuổi, làm thuê). Tại huyện Châu Thành - Đồng Tháp mới đây cũng có 2 người chết do ngộ độc rượu là ông P.T.T và ông N.V.H, cùng 33 tuổi.
Trước đó, vào ngày 3-6, tại khu vực 1, phường 7, thị xã Vị Thanh - Hậu Giang cũng đã xảy ra một vụ ngộ độc rượu làm 3 người chết. Nạn nhân là các ông L.V.Ch (61 tuổi), P.K.N (51 tuổi) và N.Q.K (42 tuổi). Cả 3 người này đều nghiện rượu từ rất lâu.
Điếc không sợ súng
Theo Trung tâm Y tế dự phòng thị xã Sa Đéc, vì không quan tâm đến khuyến cáo của ngành chức năng nên vẫn có nhiều trường hợp tử vong tiếp theo. Điển hình như trường hợp ông N.V.T vẫn vô tư mua rượu tại khu vực có nhiều người tử vong do ngộ độc rượu để uống vào sáng 17-6. “Uống khoảng nửa lít rượu vào buổi sáng thì buổi chiều ổng đổ mồ hôi hột, rên la dữ dội. Tôi lật đật đưa chồng vô bệnh viện nhưng chỉ khoảng một giờ sau thì ổng mất” - bà Nguyễn Thị Bạch Vân, vợ ông T., kể lại trong tiếng nấc.
Theo ông Hồ Hữu Phước, Phó Chủ tịch UBND phường 3, thị xã Sa Đéc, sau hàng loạt cái chết do ngộ độc rượu xảy ra tại địa phương, một số người có ý thức đã ngưng uống rượu không rõ nguồn gốc; song đa phần các “ma men” tỏ ra không hề ngán sợ. Các cuộc nhậu bất kể những lời cảnh báo của cơ quan chức năng còn làm thêm 2 người thiệt mạng ở phường 3 là ông L.H, 34 tuổi và ông T.T.H, 46 tuổi; 4 người khác phải nhập viện cấp cứu.
Quả vậy, trong những ngày ở Sa Đéc, chúng tôi vẫn chứng kiến rất nhiều mâm nhậu rượu đế hiện diện ở các khu vực lân cận nhà các nạn nhân ngộ độc rượu.
Theo thông báo của Sở Y tế tỉnh Đồng Tháp, trong vòng chưa đầy một tháng qua, toàn tỉnh đã có 16 trường hợp ngộ độc rượu. Trong đó, 10 người đã thiệt mạng, 6 trường hợp nhập viện cấp cứu (4 người đã xuất viện về nhà, 2 người vẫn đang theo dõi điều trị với tình trạng hết sức nguy kịch).
Theo Người lao động.