Ngày 12/5, chúng tôi có đăng bài viết về chuyện PGS-TS nhân chủng học Nguyễn Lân Cường vô cùng bức xúc khi một số trang web trích dẫn lời ông rằng “đã phát hiện ra hóa thạch voi ma mút có niên đại 3 - 5 vạn năm” ở Lào Cai.
Thông tin này theo ông Cường là sai lầm và hết sức khôi hài, ông chưa bao giờ nói thế cả, vì voi ma mút chỉ có ở xứ lạnh thôi, chứ Việt Nam không thể có. Hóa thạch mà thiên hạ tưởng là voi ma mút thật ra là hóa thạch của voi răng kiếm!
Những tưởng là mọi chuyện đã kết thúc, nhưng hôm qua, trên một tờ báo, TS Nguyễn Hữu Hùng, Tổng thư ký Hội Cổ sinh - Địa tầng Việt Nam đã có bài viết cho rằng “đính chính” trên của ông Cường vẫn chưa ổn vì không những không có voi ma mút ở Việt Nam mà cũng không có voi răng kiếm nốt, thậm chí “giới khoa học chưa bao giờ đặt tên cho loài nào là voi răng kiếm” cả!
Trước thông tin này, chúng tôi đã có cuộc trò chuyện tiếp với PGS-TS Nguyễn Lân Cường. Hóa ra ông Cường không chỉ là Phó Tổng thư ký Hội Khảo cổ học Việt Nam mà còn là Phó Chủ tịch Hội Cổ sinh - Địa tầng Việt Nam, cùng một “Hội” với ông Hùng. Ông Cường nói ngay:
PGS-TS nhân chủng học Nguyễn Lân Cường |
- Việc ông Hùng, Tổng thư ký Hội nói rằng không có voi răng kiếm ở VN là hoàn toàn sai lầm và ông không chịu đọc những tài liệu mà người ta đã công bố.
- Cụ thể là thế nào thưa ông?
- Voi răng kiếm, người Trung Quốc gọi là Đông Phương kiếm sỉ tượng (voi có răng hình kiếm của phương Đông). Loài voi này không phải đến bây giờ, ở hang Mã Tuyển, chúng ta mới phát hiện ra, mà ngay từ năm 1916, H. Mansuy, một nhà địa chất người Pháp đã tìm thấy hóa thạch voi răng kiếm (stegodon orientalis) ở hang Phai Vệ (Lạng Sơn) cùng một số hóa thạch động vật khác.
Đến năm 1928, E. Patte, một nhà cổ sinh và cổ nhân người Pháp đã xác định lại những hóa thạch động vật mà ông H. Mansuy nêu ra, và cũng xác nhận đúng là có hóa thạch voi răng kiếm.
Như thế voi răng kiếm ở VN đã được phát hiện lần đầu tiên là ở Lạng Sơn. Ngoài ra, ở tỉnh này còn có thêm 3 hang nữa cũng phát hiện hóa thạch voi răng kiếm là các hang Thẩm Khuyên, Thẩm Hai, Kéo Lèng (đều thuộc huyện Bình Gia). Chưa hết, năm 1963, nhà cổ sinh học người Đức, Viện trưởng Viện Cổ sinh Đệ Tứ, đã cùng với các nhà khoa học VN đào hang Hùm ở Yên Bái và cũng lại phát hiện voi răng kiếm (tài liệu cũng đã được công bố).
Một địa điểm nữa là hang Làng Tráng ở tây Thanh Hóa cũng tìm thấy hóa thạch voi răng kiếm vào năm 1989 (do các nhà khoa học VN và Mỹ khai quật). Sau đó một đoàn khảo cổ khác của VN và Hà Lan tiếp tục khai quật hang này và lại phát hiện hóa thạch voi răng kiếm. Ngoài ra, hang Thẩm Ồm (Nghệ An) cũng phát hiện hóa thạch voi răng kiếm. Như thế tức là đến hang Mã Tuyển là hang thứ 8 phát hiện hóa thạch voi răng kiếm ở VN rồi.
- Ông Hùng cho rằng chỉ có hổ răng kiếm, không có voi răng kiếm?
- Có cả hổ răng kiếm và voi răng kiếm - là hai “con” khác nhau. Chẳng qua cái răng của nó hình kiếm nên người ta gọi như vậy.
- Liệu có phải tên voi răng kiếm chỉ là một cái tên “dân gian” không phải là một loài của khoa học?
- Không phải! Voi răng kiếm có tên khoa học là stegodon orientalis, người Trung Quốc gọi nó là Đông Phương kiếm sỉ tượng.
- Thế rốt cuộc chuyện voi ma mút rồi voi răng kiếm là như thế nào? “Nhà cổ học đã sai” ở điểm nào không?
- Thông tin trên một số trang web, báo điện tử về cái gọi là phát hiện hóa thạch voi ma mút ở hang Mã Tuyển, thì tôi không chịu trách nhiệm vì họ đưa sai. Số là do một cán bộ nghe tôi báo cáo về hóa thạch voi răng kiếm lại tưởng đó chính là voi ma mút, cho nên ông ta mới mở ngoặc chua thêm như vậy.
Sau khi có một báo điện tử đăng lên, tôi đã gọi điện phản hồi ngay là không đúng và họ đã “rút” xuống; nhưng tiếc thay là các báo cứ thế đăng theo. Cho nên hậu quả sẽ rất tai hại nếu đăng báo với các thông tin khoa học không được chuẩn xác.
- Xin cảm ơn ông, và hy vọng câu chuyện này có thể sớm kết thúc.
Theo TT&VH.