Sau khi ông Nguyễn Đình Toàn được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Xây dựng, quan lộ của ông Nguyễn Anh Tuấn thăng tiến đến “chóng mặt”.

Sau thời kỳ làm lái xe, đầu năm 2008, ông Nguyễn Anh Tuấn vẫn chỉ là chuyên viên tại Phòng Kế hoạch của Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn.

Sau khi sáp nhập Viện Nghiên cứu kiến trúc quốc gia và Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn thành Viện Kiến trúc, Quy hoạch đô thị và nông thôn (VIAP), ông Nguyễn Đình Toàn làm Viện trưởng.

Tháng 8.2009, ông Toàn được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Xây dựng.

Sau đó, ông Tuấn liên tục được cất nhắc lên vị trí Phó trưởng phòng Kế hoạch - Thị trường, rồi trưởng phòng này.

Theo phân công công tác của Bộ trưởng và các thứ trưởng Bộ Xây dựng từ năm 2010 đến nay, Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn luôn là cấp lãnh đạo trực tiếp phụ trách SISP, cả thời kỳ thuộc Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn.

Lái xe thành... phó viện trưởng kiêm chủ tịch hội đồng khoa học: Quan lộ thăng tiến đến “chóng mặt” - 0

Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn trao Quyết định bổ nhiệm Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch Xây dựng Miền Nam cho ông Nguyễn Anh Tuấn ngày 30/11/2015. Ảnh Báo Xây dựng

Vì vậy, theo các chuyên gia, không bỏ qua vai trò, trách nhiệm của Thứ trưởng Nguyễn Đình Toàn trong việc để xảy ra khiếu nại, tố cáo phức tạp kéo dài tại đơn vị này.

Ngoài ra, trước thời điểm được bổ nhiệm làm Thứ trưởng Bộ Xây dựng, ông Nguyễn Đình Toàn từng giữ chức Viện trưởng Viện Kiến trúc quy hoạch đô thị nông thôn quốc gia, nơi ông Tuấn thăng chức “thần tốc”.

Sau khi VIAP tách thành 3 viện, khoảng giữa năm 2014, ông Tuấn tiếp tục được quy hoạch làm Phó viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia (VIUP).

Dù nhiều cán bộ, công nhân viên VIUP không đồng tình do trình độ chuyên môn lẫn tư cách đạo đức của ông Tuấn đều “chưa xứng tầm”, nhưng ông Tuấn vẫn được bổ nhiệm làm Phó viện trưởng Viện Quy hoạch xây dựng miền Nam (SISP) trong cùng năm.

Ông Nguyễn Đình Hương, nguyên Phó ban Tổ chức trung ương, cho rằng một cán bộ không có bằng cấp chuyên ngành về quy hoạch kiến trúc lại được bổ nhiệm làm Phó viện trưởng, Chủ tịch Hội đồng khoa học của cơ quan nghiên cứu khoa học là điều bất thường, cần làm sáng tỏ.

Bên cạnh đó, cũng cần xem xét lại cả quá trình phấn đấu từ chuyên viên ở Phòng Kế hoạch thuộc Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn đến khi trở thành Phó viện trưởng SISP.

Chỉ trong khoảng 6 năm, một chuyên viên kinh qua vị trí Phó trưởng phòng rồi Trưởng phòng Kế hoạch - Thị trường của viện, sau đó là Phó viện trưởng, Chủ tịch Hội đồng khoa học của một viện khoa học khác là điều lạ.

Phải thực sự là người có tài năng xuất sắc, được giới khoa học trong ngành quy hoạch kiến trúc thừa nhận, đánh giá cao mới thăng chức nhanh như vậy”, ông Hương cho hay.

Cũng theo ông Hương, muốn biết rõ việc bổ nhiệm cán bộ này đúng hay sai, chỉ cần lật lại toàn bộ hồ sơ ông Nguyễn Anh Tuấn tại Vụ Tổ chức cán bộ của Bộ Xây dựng, Phòng Tổ chức cán bộ thuộc SISP cũng như những cơ quan ông này từng công tác sẽ rõ ngay.

Khi xem xét hồ sơ bổ nhiệm mỗi chức vụ trong quá trình phấn đấu của ông Nguyễn Anh Tuấn, ngoài xem xét trình độ, bằng cấp chuyên môn, cũng phải đặc biệt chú ý đến việc bổ nhiệm căn cứ vào cơ sở nào, có thành tích gì, quy trình bổ nhiệm có dân chủ không, lấy ý kiến như thế nào, công khai minh bạch không?

Thời điểm bổ nhiệm có đề bạt thêm người nào khác cho cùng vị trí ấy để lựa chọn không?...

Làm rõ được những vấn đề như vậy, sẽ biết ngay “chạy chức” hay có thực tài. Nếu đúng là “chạy chức” thì phải làm rõ trách nhiệm của cơ quan, cấp lãnh đạo giới thiệu đề bạt, phê duyệt.

Họp đồ án kiểu qua loa

Công việc thực tế của ông Nguyễn Anh Tuấn cũng thể hiện rõ trình độ chuyên môn của ông này.

Theo biên bản của SISP mà chúng tôi có được, chỉ trong 2 ngày 25 - 26.5.2016, ông Nguyễn Anh Tuấn với vai trò Chủ tịch Hội đồng khoa học kỹ thuật đã chủ trì 5 cuộc họp liên tiếp để nghe báo cáo về 5 đồ án quy hoạch.

Đó là đồ án quy hoạch chung khu vực công nghiệp phía nam QL19; đồ án thiết kế đô thị tuyến đường Tôn Đức Thắng, TP.Buôn Ma Thuột; đồ án quy hoạch phân khu xây dựng khu công nghệ cao AMATA, tỉnh Đồng Nai; đồ án quy hoạch phân khu 1/2.000 khu phía tây TX.Đồng Xoài, tỉnh Bình Phước; và quy hoạch chi tiết 1/2.000 khu du lịch Hồ Bút Thiền, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Chỉ riêng 3 đồ án đầu tiên đều được họp nghe báo cáo trong cùng một ngày.

Một thành viên Hội đồng khoa học kỹ thuật tại SISP cho biết, từ trước tới nay chưa có lịch họp nghe báo cáo đồ án nào lại làm qua loa như vậy.

Sau các cuộc họp trên, nhiều thành viên hết sức bức xúc vì cho rằng “không ra thể thống gì” bởi chủ tịch hội đồng khoa học không có trình độ chuyên môn và chủ quan khi cho các ý kiến đánh giá.

Không tin phục và một phần vì sức ép phi lý với nhiều lý do, nhiều cán bộ nhân viên SISP đã lần lượt xin nghỉ.

KTS Ngô Doãn Đức, Phó chủ tịch Hội Kiến trúc sư VN, cho rằng bổ nhiệm người không có chuyên môn làm Chủ tịch Hội đồng khoa học SISP là điều bất thường.

Việc bổ nhiệm các vị trí lãnh đạo viện nghiên cứu chuyên môn theo quy định của Bộ Khoa học - Công nghệ đặt ra là phải có chuyên môn tương thích, trải nghiệm, thành tích...

Nếu không đảm bảo các tiêu chí đó thì việc bổ nhiệm là không ổn. SISP có vai trò rất quan trọng, phải tập trung những nhà khoa học có chuyên môn cao, tính hàn lâm đậm đặc, nghiên cứu chuyên sâu.

Nếu để một người không có chuyên môn hoặc chuyên môn kém làm chủ tịch hội đồng khoa học thì cực kỳ nguy hiểm.

Với một cán bộ mà không được đào tạo bài bản về quy hoạch, kiến trúc mà chỉ có bằng tại chức về ngành kinh tế thì rất khó tin rằng ngồi được vào vị trí Phó viện trưởng, kiêm Chủ tịch Hội đồng khoa học SISP nếu không có người nâng đỡ”, ông Đức nói.

 

Nguồn: Lê Quân - Mai Phương
Báo Thanh Niên




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC