Số liệu "nổi" cho thấy, nhân viên làm việc tại các doanh nghiệp nhà nước đang được hưởng mức lương cao nhất so với các khu vực khác trong khi số lượng giờ làm việc lại thấp nhất.
Góp tham luận tại Diễn đàn Kinh tế Mùa Thu 2013 diễn ra tại Tp.Huế vừa qua, hai học giả Nguyễn Thắng và Phạm Minh Thái đã đưa ra những số liệu đáng chú ý về tình hình việc làm và thu nhập 6 tháng đầu năm.
Với những dữ liệu thu thập được, các tác giả cho thấy, theo loại hình sở hữu, thời gian lao động bình quân 6 tháng đầu năm 2013 có xu hướng giảm so với cùng kỳ ở khối doanh nghiệp nhà nước (DNNN).
Tuy nhiên, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) và doanh nghiệp tư nhân trong nước lại có sự tăng nhẹ về số giờ làm việc với mức tăng tương ứng là 0,61 giờ/ tuần và 0,12 giờ/tuần. Đáng chú ý là doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp tư nhân trong nước cũng chính là hai loại hình sở hữu có số giờ lao động lớn nhất với mức trung bình lên tới xấp xỉ 50 giờ/tuần trong 6 tháng đầu năm 2012.
Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu, số giờ làm việc trung bình một tuần của người lao động cũng có xu hướng tăng nhẹ ở các ngành có số giờ làm việc cao như dệt may, da giày với các con số tương ứng là 49,4 giờ/tuần và 49,3 giờ/tuần trong 6 tháng đầu năm 2012.
Tuy nhiên, số liệu Điều tra Lao động và Việc làm từ cơ quan thống kê không cung cấp thông tin về thu nhập của những lao động tự làm, lao động gia đình và những lao động không thuộc hình thức làm công ăn lương. Nói một cách khác số liệu chỉ thu thập thông tin về thu nhập của những lao động làm công ăn lương.
Trong khi đó nhóm lao động làm công ăn lương hiện nay vẫn chỉ chiếm một tỷ lệ khoảng 1/3 tổng số người làm việc và thậm chí tỷ lệ này còn giảm nhẹ từ 35,4% trong 6 tháng đầu năm 2011 xuống còn 34,6% trong 6 tháng đầu năm 2013.
Do vậy, theo đánh giá của các tác giả, thu nhập của khoảng 2/3 tổng số người làm việc trong nền kinh tế hiện nay đang ở trong trạng thái nằm trong “hộp đen” cần phải được tìm hiểu để có thể đánh giá được chất lượng của việc làm trên thị trường lao động.
Dù vậy, những số liệu ban đầu cũng đã hé lộ thông tin: lao động làm công ăn lương trong các DNNN có mức thu nhập cao nhất, và tốc độ tăng thu nhập là 7,6% trong 6 tháng đầu năm 2013 so với cùng kỳ năm 2012 và 24,5% so với cùng kỳ năm 2011, với mức thu nhập trung bình là 6,2 triệu đồng/ tháng.
Theo số liệu "nổi" về thu nhập thì người lao động làm việc tại DNNN đang có mức lương cao nhất.
Lao động làm công ăn lương trong các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài có mức thu nhập cao thứ hai sau các DNNN, với tốc độ tăng thu nhập là 7,2%. Cả hai mức tăng này đều xấp xỉ tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI).
Lao động làm công ăn lương trong hộ kinh doanh tập thể phi nông nghiệp (phi chính thức hoặc chính thức) có mức thu nhập thấp nhất (trung bình khoảng 3 triệu đồng/tháng) và thấp hơn đáng kể so với các nhóm khác. Mức tăng thu nhập của nhóm này trong 6 tháng đầu năm 2013 là 13,5%, cao hơn hơn so với mức tăng trung bình của lao động làm công ăn lương.
Nếu xem xét dưới góc độ các ngành chính của nền kinh tế, phân tích số liệu cho thấy lao động làm công ăn lương trong nông nghiệp có mức thu nhập thấp nhất, với tốc độ tăng thu nhập của ngành này cũng rất thấp trong 6 tháng đầu năm 2013 so với cùng kỳ năm 2012, đạt 3,6%, tức là thấp hơn đáng kể so với tốc độ tăng giá tiêu dùng CPI.
Tiếp theo là lao động làm công ăn lương trong ngành xây dựng với mức thu nhập trung bình là 3,6 triệu đồng/tháng, tốc độ tăng thu nhập là 7,8% trong 6 tháng đầu năm 2013 so với cùng kỳ năm 2012.
Nhân viên trong ngành khai khoáng nhận mức lương cao nhất so với các ngành khác.
Thu nhập cao nhất thuộc về lao động làm công ăn lương trong ngành khai khoáng với mức thu nhập trung bình là 5,9 triệu đồng/tháng, tuy nhiên đây lại là nhóm có tốc độ tăng thu nhập thấp nhất, chỉ tăng có 1,2% trong 6 tháng đầu năm 2013 so với cùng kỳ năm 2012, và do vậy thấp hơn đáng kể so với tốc độ tăng giá tiêu dùng CPI.
Thanh niên không làm việc cũng không học tập gia tăng
Cũng theo nghiên cứu của TS Nguyễn Thắng và Phạm Minh Thái, một điểm rất đáng chú ý đó là tỷ lệ thất nghiệp của thanh niên ở khu vực đô thị của Việt Nam theo số liệu 6 tháng đầu năm trong giai đoạn 2011 đến 2013 là tương đối cao (tỷ lệ này cao xấp xỉ với các nước ở khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương) và tiếp tục xu huớng tăng.
Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm 2013 tỷ lệ thất nghiệp thanh niên ở thành thị đã lên tới 10,97% (cao hơn hẳn so với cùng kỳ các năm 2011 và 2012 với các tỷ lệ tương ứng là 8,83% và 8,91%).
Xu hướng thất nghiệp thanh niên gia tăng lại cho thấy sự khó khăn của thanh niên trên thị trường lao động khi được xem xét cùng với một chỉ số khác là tỷ lệ thanh niên không có hoạt động (thanh niên không làm việc cũng như không tham gia học tập hay đào tạo): tỷ lệ này đã tăng lên từ 8,43% trong 6 tháng đầu năm 2011 lên 10,16% trong 6 tháng đầu năm 2012 và 10,53% trong 6 tháng đầu năm 2013.
Tỷ lệ thanh niên không hoạt động tăng lên là một dấu hiệu cảnh báo sự khó khăn trong thị trường lao động trong tương lai, vì không đi làm và không đi học sẽ làm cho trình độ và kỹ năng lao động của thanh niên vốn khó được cải thiện và thậm chí bị mai một đi nếu tình trạng đó kéo dài.
Nói cách khác, nhiều khả năng là do xin việc khó khăn nên nhóm thanh niên có kỹ năng thấp nhất đã rời khỏi lực lượng lao động vì ít hy vọng về sự thành công trong nỗ lực tìm việc của họ và như vậy tỷ lệ thất nghiệp trong nhóm thanh niên thuộc lực lượng lao động giảm đi là nhờ giảm mẫu số (số thanh niên trong lực lượng lao động) chứ không phải nhờ tăng tử số (số thanh niên trong lực lượng lao động có được việc làm).
Các tác giả cho biết, xu hướng tăng lên của thất nghiệp thanh niên thành thị đi cùng với xu hướng tăng lên của tỷ lệ thanh niên không hoạt động là một dấu hiệu đáng quan ngại đối với không chỉ thị trường lao động Việt Nam nói riêng mà còn tạo ra một áp lực đáng kể đến những vấn đề xã hội. Do đó, hai chỉ tiêu này cần phải được tiếp tục theo dõi chặt chẽ để từ đó có thể có những giải pháp hạn chế tình trạng đó nhằm phòng ngừa những vấn đề xã hội có thể phát sinh.
Theo Dân trí.