Làm nông thôn mới bằng tư duy... cũ Theo nhiều ý kiến, việc xây dựng nông thôn mới còn nhiều vướng mắc do quy trình thủ tục quá phức tạp. Đặc biệt, bệnh thành tích vẫn thể hiện ở chỗ thực hiện nông thôn mới nhằm đạt mục tiêu chứ không phải cải thiện đời sống người dân.

 Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM) được triển khai trên phạm vi toàn quốc (9.052 xã ) và thực hiện trong giai đoạn 2010-2020 với mục tiêu đến năm 2015 sẽ có 20% số xã của cả nước đạt chuẩn NTM và đến năm 2020 tỷ lệ này sẽ là 50%.

Tuy nhiên, sau 3 năm triển khai thực hiện, với 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, tới thời điểm tháng 9/2013, hiện mới chỉ có 0,7% số xã đạt. Vốn hỗ trợ phát triển sản xuất theo hướng sản xuất hàng hoá, tăng thu nhập cho nông dân đạt 6.400 tỷ đồng.

 

Đầu tư cho phát triển kinh tế xã hội 3 năm qua đã được coi là khâu đột phá và có sự chuyển biến rõ với tổng kinh phí đầu tư là 30.180 tỷ đồng với trên 9 ngàn hạng mục công trình. Trong đó đã nâng cấp, mở mới khoảng 38 ngàn km đường giao thông; 15 ngàn km kênh mương….

 

“Một trong những nút thắt của phát triển NTM là cơ chế tài chính bởi quy trình thủ tục ở Việt Nam quá phức tạp. Để phê duyệt một dự án đầu tư xây dựng cần phải trải qua 39 thủ tục kẹo dài trong 6 tháng,” ông Tiến cho biết.

 

Một số địa phương đã linh hoạt giao các dự án phát triển nông thôn cho địa phương thực hiện và đã rút ngắn được thời gian làm thủ tục. Nhà nước chỉ đầu tư xi măng, sắt thép, người dân góp công góp của vào xây dựng. Tuy nhiên nhiều nơi, tỷ lệ người dân/cộng đồng đóng góp lên tới hơn 60% và điều này thể hiện sự phát triển chưa bền vững. Một số địa phương như tỉnh Bắc Kạn, nhiều hộ nghèo mà phải đóng góp tới hơn 8 triệu đồng/năm cho xậy dựng cơ sở hạ tầng nông thôn.

 

GS Võ Tòng Xuân cho rằng cần kích cầu nông thôn bằng cách nhà nước đầu tư vốn cho xây dựng cơ sở hạ tầng nông thôn, giao cho địa phương xậy dựng cầu, cống, kênh, mương, trạm xá ...và thuê lao động địa phương làm. Điều này sẽ tạo thêm công ăn việc làm cho người dân và tăng thu nhập cho họ từ đó mới có nguồn tái đầu tư cho nông thôn.

Nhiều đại biểu cho rằng cần phát triển đa dạng sinh kế nông thôn bằng cách phát triển thêm các dịch vụ phi nông nghiệp như du lịch dựa vào cộng đồng. Các địa phương chủ động phát huy lợi thế của mình để phát triển các làng nghề vừa tạo công ăn việc làm lại tăng sự hấp dẫn đối với khách du lịch. Cần có chính sách cho vay vốn người dân với lãi suất ưu đãi thay vì cấp tiền cho người nghèo để tạo động lực cho họ làm kinh tế.

“Căn bệnh nan y hiện nay là bệnh thành tích. Việc đặt ra 19 tiêu chí cho NTM thể hiện điều này bởi công cuộc xây dựng NTM chỉ nhằm đạt mục tiêu chứ không phải là cải thiện đời sống của người dân. Chúng ta cần thay đổi tư duy kiểu này bởi ta nói nhiều về khuyến nông nhưng trước hết cần “khuyến quan”,” PGS. TS. Vũ Trọng Khải, đại diện của PHANO cho biết.

Theo Dân trí.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC