Làm "ôsin" của "cần thủ", thu nhập khủng Từ nhiều năm nay, ao câu cá giải trí ở ngoại thành TPHCM mọc lên như nấm sau mưa. Ở các hồ câu cá giải trí có một đội ngũ nhân viên phục vụ các... “cần thủ”, dân trong nghề gọi vui là “ôsin” của “cần thủ”.

 Nghề mới thu nhập khủng

“Không có “ôsin” là không có “cần thủ” đến”, ông Hai Tấn, chủ ao câu cá giải trí Xuân Quang (huyện Nhà Bè) khẳng định. Để có khách, mình phải phục vụ chu đáo, tận tình thì “cần thủ” mới nhớ đến. Hơn ba năm kinh nghiệm phụ việc vặt như bưng bê nước, cho cá ăn, cải tạo ao... ở ao câu cá giải trí Hồng Hạnh (quận 8), Nguyễn Phước Thắng (22 tuổi, quê ở Định Quán, Đồng Nai) được chủ ao giao nhiệm vụ quản lý và tổ chức các buổi câu cá thi. Từ đồng lương non 2,5 triệu đồng/tháng, Thắng được chủ trả 3,5 triệu đồng. 

Đưa ra mô hình câu thi để kéo khách, ông chủ có “già” tiền nhưng “non” nghề được các chủ ao khác khen là quá may mắn khi có được một “ôsin” như Thắng. Thế là Thắng được toàn quyền tuyển chọn người và “huấn luyện” trở thành những “ôsin” giỏi nghề. Hàng ngày, “ôsin” đảm trách các công việc như cho cá ăn, lội ao lấy lưỡi câu khi lưỡi vướng vào cây, rác; gỡ cá sau khi mắc câu; hỗ trợ “cần thủ” đưa cá lên bờ… 

“Ôsin” ở ao câu là công việc xuất phát từ nhu cầu có thật của các ao cá có tổ chức câu giải để hỗ trợ các “cần thủ” tiết kiệm thời gian cũng như tạo tâm lý thoải mái (giải thưởng câu thi được tính theo giờ). Mới nghe qua, tưởng chừng công việc đơn giản nhưng có chứng kiến mới thấy hết sự vất vả của của nghề. Thắng cho hay, ngoài sự lanh lợi, hoạt bát, “ôsin” còn phải có kinh nghiệm phân biệt từng loại cá ngay từ khi cá mắc câu vùng vẫy dưới nước. 

Thắng giải thích: “Khi cá mắc câu, “ôsin” cầm cây vợt đứng bên “cần thủ”, khi “cần thủ” “dìu” cá vào đến bờ, “ôsin” đưa vợt vớt cá lên và gỡ lưỡi câu. Sở dĩ phải biết từng loại cá để có cách đưa vợt vớt cá hợp lý như cá tra thì phải đưa vợt từ phía sau đuôi, cá điêu hồng thì phải đưa vợt đón ở phía đầu. Mỗi loại cá có cách thoát thân khác nhau, có loài thì lao về phía trước, loài thì phóng thẳng xuống”. 

“Nếu hỏng thì sao?” - tôi hỏi. “Có khi cá được gỡ xong, chỉ việc đưa vào túi rộng là xong nhưng lại làm sẩy cá. Gặp “cần thủ” dễ tính không nói gì, “cần thủ” khó tính thì có khi phải đền”, Thắng trả lời. 

“Đền bằng cách nào?” - tôi hỏi tiếp. “Mình phải trả tiền cho một giờ, một buổi, có khi cả ngày câu cho “cần thủ”. Nói chung chẳng khác nào một “ôsin”  giúp việc cho những ông bà chủ cực kỳ khó tính, khi vô tình làm bể cái ly, cái bát là bị chủ trừ lương” - Thắng bảo. 

“Ôsin” có nhiều năm kinh nghiệm hầu như đều thuộc nằm lòng tính khí của từng “cần thủ”, thậm chí hiểu được cặn kẽ quan niệm về tướng số, phong thủy của “cần thủ” mà sắp xếp những chỗ “ngồi câu”. Chỉ bấy nhiêu đó cũng đủ làm mát lòng “cần thủ” và đó cũng là chiêu thức mà theo Thắng dễ “moi” tiền của khách. 

Chúng tôi đến ao câu cá Bờ Sông thuộc xã Bình Chánh, huyện Bình Chánh vào một sáng chủ nhật. Hôm ấy, “cần thủ” đến rất đông, nên mới 9 giờ sáng đã chật cứng người. Bên kia, hai nhóm cần thủ cự cãi chỉ vì giành nhau chỗ đặt cần. 

“Ôsin” Quang (15 tuổi, người địa phương) giải quyết không xong đành phải gọi điện cho chủ ra giải quyết. 

Theo Quang, mỗi ngày làm việc của “ôsin” từ 10-12 tiếng/ngày nhưng đồng lương chỉ tròm trèm 3 triệu đồng/tháng. Để có thêm thu nhập, mình phải phục vụ “cần thủ” tận tình, từ việc móc mồi, lội ao gỡ lưỡi... Bấy nhiêu đó cũng chưa “móc túi” của khách nhiều tiền mà phải biết công thức chế biến mồi lạ, tư vấn cho “cần thủ” cách làm, mua nguyên liệu...

Quang cho biết thêm, “cần thủ” đến đây đủ mọi tầng lớp, từ ông giám đốc, trưởng phòng đến anh xe ôm, thợ hồ... Trong số ấy, có “cần thủ” câu cơm gạo, cũng có người đi câu giải trí, chuyện thắng bại không quan tâm lắm. Với những “cần thủ” này, thường họ câu được cá, thắng giải ít nhiều gì họ cũng boa cho mình. “Và đây mới là thu nhập chính, có khi gấp vài ba lần lương ấy chứ” - Quang chia sẻ.

Chiêu trò hốt bạc

Để hạn chế chuyện các “ôsin” ưu tiên cho “cần thủ” dễ mến của mình (sau nhiều lần “cần thủ” “chơi đẹp”), chủ quán cho các “ôsin” bốc thăm ngẫu nhiên khu vực trực mỗi ngày. Có khu cả ngày chẳng ai bén mảng đến đặt cần, trừ những người câu “nửa mùa” vì không hợp... phong thủy. Chuyện trò với tôi nhưng mắt Thắng luôn đảo quanh khu vực có các “cần thủ” chăm chú nhìn về phía phao câu. 

Nghe tiếng la í ới, tiếng vỗ tay tán thưởng từ cuối ao, Thắng cầm vợt chạy như bay về phía cá bị mắc câu. Thấy “cần thủ” toát mồ hôi, hai môi cắn chặt vào nhau khi “dìu” cá vào trong, Thắng trấn an: “Cứ từ từ, sẽ vào được ngay thôi, con này nặng ký lắm đây, có thể lấy được giải cá nặng ký nhất trong ngày”. 

Tôi thắc mắc vì sao Thắng lại không hỗ trợ “cần thủ” bằng cách cầm cần “dìu” cá. (Nói là “cần thủ” chứ cũng có người mới đi câu thi lần đầu, đâu có nhiều kinh nghiệm bằng Thắng). Thắng phân trần: “Ôsin chỉ được phép cầm vợt đưa cá lên bờ chứ không có quyền đụng vào cần khi cá chưa lên khỏi mặt nước, dù con cá ấy nặng ký nhất trong ngày vẫn không được giải vì đã phạm quy”. 

“Ôsin” còn kiêm luôn việc chăm sóc, theo dõi cá mà cần thủ đã câu được. Cá câu được cho vào túi lưới rộng dưới nước, cứ dăm bảy phút “ôsin”  phải đi thăm, phát hiện con nào có nguy cơ chết thì phải báo ngay với cần thủ để bán cá được giá cao. 

Lương “ôsin” không cao nhưng họ có nhiều cách để kiếm tiền, tất nhiên được sự cho phép của chủ. Như nhóm của Thắng, “ôsin” Huỳnh Văn Luân phụ trách khâu thu gom cá các “cần thủ” bán. Mỗi kilôgram cá tra câu được (còn sống) mua từ 15-17 ngàn đồng/kg, cuối ngày lái ở các chợ đến mua với giá từ 20-22 ngàn đồng/kg. Tuy nhiên, nếu chăm sóc cần thủ tốt, có thể chục kilôgram cá câu được trong ngày các cần thủ cho hết “ôsin”. 

“Có hôm người ta cho đến 20kg, bán chia đều mỗi đứa cũng được hơn 100 ngàn. Thật ra số cá ấy bán ra cũng dư tiền tiền giờ câu trong hai, ba ngày nhưng người ta đi câu chỉ để giải trí, không nghĩ đến tiền bạc” - Luân cho hay. 

Theo lời của “ôsin”, đồng lương của chủ ao trả chỉ là tiền lẻ mà họ kiếm được. Theo đó, những ngày ao cá tổ chức câu thi với giải thưởng cao, các “ôsin” còn có thể kiếm thêm thu nhập bằng cách lén lút thông báo với “cần thủ” thân thiết về ngày giờ thả cá. Theo Thắng, cá vừa mới thả khó mà cắn câu nên đi câu thi chỉ tổ tốn tiền vì tiền giờ câu giải cao gấp đôi những ngày câu thường.

“Cần thủ mà có máu đỏ đen rồi thì bao nhiêu cũng chi cả. Giải thưởng có nhiều giải, từ giải cá chép nặng ký nhất, giải cá tra nặng ký nhất trong ngày, giải “vàng” (tức giải câu được cá trong 15 hoặc 30 phút đầu - PV)... 

Số tiền “ôsin” kiếm được trong ngày quả là khủng nhưng so với khối lượng công việc mới thấy họ đã bỏ ra quá nhiều sức lực và thời gian. Ngày làm việc của họ bắt đầu từ 5 giờ sáng đến 20-21 giờ tối. Đó là chưa kể những ngày triều cường dâng, họ phải chia nhau thức canh con nước. “Nước lớn tràn ao hoặc vỡ bờ cá thoát hết ra ngoài coi như cả năm làm không đủ trừ nợ” - Quang nói.

Theo Lao động.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC