Lạm phát, giá hàng hóa vẫn là Bộ trưởng Tài chính Vũ Văn Ninh trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội chiều 11/11. (Ảnh: Lê Anh Tuấn)

Giàu kinh nghiệm đăng đàn, phong cách điềm tĩnh và thỏa thuê thông tin là những nhận xét được dành cho Bộ trưởng Vũ Văn Ninh trong phiên trả lời chất vấn chiều qua. Người đứng đầu ngành Tài chính đã “hóa giải” thuyết phục nhiều câu hỏi hóc.

Giải mã “hộp đen” giá xăng

Đại biểu Nguyễn Thị Bạch Mai (Tây Ninh) cho rằng có nghịch lý khi báo cáo thành tích chống lạm phát nhưng hiện một số mặt hàng thực phẩm, dịch vụ không giảm mà còn gia tăng. Bà Mai nêu câu hỏi, cơ quan điều hành về giá có biện pháp gì để người tiêu dùng không bị móc túi bởi các doanh nghiệp đang liên kết với nhau để làm giá?

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh thừa nhận hiện có những mặt hàng giá chưa hạ ngay được. Ông Ninh đi thẳng vào vấn đề giá xăng dầu: khi giá thế giới xuống, cũng phải có thời gian để giá xăng dầu đảm bảo kinh doanh bình thường và có lãi. Theo lý giải của Bộ trưởng, việc chậm điều chỉnh giảm là để bù cho thời điểm tăng giá cao nhất nhưng vẫn lỗ, lỗ cả xăng, cả dầu.

Đại biểu Mai chưa thuận. Theo bà, giá thành đầu vào sản phẩm hiện vẫn còn là “một hộp đen”. Bà Mai đề nghị Bộ trưởng Ninh giải mã cho hộp đen đó, với tư cách người quản lý về giá.

Lạm phát, giá hàng hóa vẫn là
 Đại biểu Nguyễn Thị Bạch Mai chất vấn Bộ trưởng Vũ Văn Ninh. (Ảnh: Lê Anh Tuấn)

Ông Ninh lý giải kinh doanh xăng dầu phải có một lực lượng dự trữ lưu thông, hiện quy định là 30 ngày. Vì thế, giá để tính đầu vào là phải tính bình quân cho 30 ngày trước đó chứ không phải tính tại thời điểm nhập khẩu.

Đại biểu Phạm Đức Châu (Quảng Nam) vẫn tỏ ra băn khoăn khi thông tin về kinh doanh xăng dầu hiện rất khác nhau, thậm chí có báo còn nêu đây là lĩnh vực “siêu lợi nhuận” ngay ở thời điểm này.

Đại biểu Châu đề nghị công khai về điều kiện kinh doanh của các doanh nghiệp xăng dầu với mức thuế và giá bán áp dụng như hiện nay. Với mức giá bán như vậy, người tiêu dùng đã được đảm bảo quyền lợi?

Bộ trưởng Tài chính khẳng định sẽ có cơ chế để giám sát và quản lý, đối với xăng dầu. Theo đó, Bộ Tài chính đã trao đổi với Bộ Công Thương để công bố giá dầu thô, giá nhập khẩu và quy định áp thuế phù hợp.

Bộ trưởng cũng chỉ ra mặt được của tăng giá là thúc đẩy tiêu dùng một cách tiết kiệm. Sau khi điều chỉnh giá xăng dầu, mấy tháng sau lượng tiêu dùng xăng dầu giảm từ 20 - 30%, buôn lậu cũng giảm.

Gà rớt giá do chăn nuôi, thép dư tồn do tính “ăn” chênh lệch

Chuyển sang vấn đề điều hành về thuế, đại biểu Nguyễn Thị Mai (Ninh Thuận) bức xúc về quyết định giảm thuế nhập khẩu thịt bò, gà, lợn mà sản xuất trong nước có thể thay thế từ cuối năm 2007.

Trong điều kiện chống lạm phát, hạn chế tối đa nhập khẩu, việc giảm thuế này lại khiến kim ngạch nhập thịt và thức ăn chăn nuôi lên tới gần 2 tỷ USD, làm điêu đứng người chăn nuôi trong nước.

Lạm phát, giá hàng hóa vẫn là
Theo đại biểu tỉnh Ninh Thuận, Nguyễn Thị Mai, việc giảm thuế thịt gà đã làm nông dân điêu đứng. (Ảnh: Lê Anh Tuấn)

Bộ trưởng Vũ Văn Ninh giải thích, thời điểm đó, lạm phát đã rất cao, chỉ số giá của nhóm hàng lương thực thực phẩm tăng gấp đôi trung bình. Chăn nuôi trong nước khi đó lại gặp khó khăn vì dịch bệnh dẫn đến mất cân đối cung cầu, lượng thịt lợn thiếu gần 100.000 tấn, thịt bò cũng khoảng 119.000 tấn.

Để tránh sốt giá, thuế nhập khẩu các mặt hàng này đã được điều chỉnh giảm để tăng nguồn cung trong nước, cùng với việc hạ thuế các loại thức ăn, nguyên liệu chăn nuôi xuống 0% để hỗ trợ người sản xuất. Nhưng theo ông Ninh, thực tế cũng không có chuyện nhập khẩu hàng phụ phẩm lên đến 2 tỷ USD.

“Còn việc thịt rớt giá vừa rồi là do công nghệ chăn nuôi của ta có vấn đề. Thịt gà nhập khẩu, cộng cả thuế cả giá thì vẫn rẻ hơn gà trong nước 30.000 - 50.000 đồng/con” - ông Ninh “phản hồi”.

Đại biểu Mai tiếp: “Bộ trưởng trả lời như vậy, tôi rất buồn”. Bà Mai “than”, việc giảm thuế thịt gà đã làm nông dân điêu đứng. Đợt giảm thuế đó cũng sớm gần 4 năm so với lộ trình WTO, theo bà Mai là đi ngược lại với xu hướng trợ cấp nông nghiệp.

Cũng bức xúc tương tự, đại biểu Phạm Thị Loan yêu cầu giải thích việc vừa qua lúc giá thép của thế giới tăng, Chính phủ lại tăng thuế xuất khẩu, làm các doanh nghiệp mất cơ hội. Hiện tại, một lượng thép lớn tồn kho trong khi, giá thép thế giới xuống và doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Ông Ninh tiếp tục “hóa giải” bằng những con số rất cụ thể: Thị trường khi đó, giá thép tăng, các doanh nghiệp xuất khẩu rất lớn, gần 482.000 tấn, dẫn tới trong nước chưa đủ lượng hàng cân đối nhu cầu 2 triệu tấn thép/năm. Tăng thuế để hạn chế xuất, đảm bảo cung cầu trong nước.

Tháng 8 vừa qua, tình hình ngược lại, doanh nghiệp nhập khẩu phôi thép quá nhiều, nhu cầu lại giảm dẫn tới dư thừa. Theo đề nghị của Hiệp hội thép, Bộ Tài chính lại hạ thuế xuất khẩu để cân đối.

Ông Ninh cũng “nhấn nhá”, nhu cầu thép trong nước khoảng 2 triệu tấn/năm nhưng chỉ trong vòng 6 tháng, các doanh nghiệp đã nhập tới 1,8 triệu tấn và hầu hết nhập vào thời điểm giá rất cao.

“Đây là vấn đề gì thì các đại biểu chắc cũng thấy, không biết có phải nghĩ rằng giá thép còn cao nữa cho nên nhập để hưởng chênh lệch giá không?” - Bộ trưởng Tài chính “chốt hạ”.

P.Thảo




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC