Làn sóng công nhân mất việc gia tăngĐơn hàng giảm, chủ bỏ trốn, các công ty thu hẹp sản xuất... đẩy hàng chục nghìn công nhân mất việc. Người lao động đang chịu áp lực nặng nề của bài toán "cơm áo gạo tiền".

Từ khi nghỉ Tết vào làm đến nay, chị Bùi Thị Đang ngày nào cũng lo lắng khi "nghe chị em truyền tai nhau bảo công ty sắp đóng cửa". Lo sợ cảnh phải vất vả đi tìm việc hàng tháng trời, nghe thông tin tuyển dụng mới là chị Đang quyết định nộp hồ sơ ngay. Khu nhà trọ nơi chị sinh sống có tới mấy chục công nhân hiện vẫn không thấy vào. Một người đồng hương ở quê gọi điện rủ chị về vì vừa có một khu chế xuất đưa vào hoạt động.

Nhiều lao động chấp nhận về quê làm việc, tuy đồng lương ít ỏi nhưng chi phí sinh hoạt lại rẻ hơn ở Sài Gòn rất nhiều. Đó là trường hợp của anh Trần Đình Long, quê Bắc Ninh. Cách đây hai năm anh cùng một người bạn khăn gói vào Nam trong tâm trạng phấn chấn. “Lúc đó trong đầu tôi luôn nghĩ rằng mình sẽ lập nghiệp ở Sài Gòn. Sau khi vừa đến Sài Gòn tôi xin việc ngay và may mắn được nhận vào làm cho một công sản xuất đồ gỗ, tôi làm việc rất cực lực nhưng không ngờ…”, nói đến đây anh nghẹn lại. Hiện giờ anh Long đã về Bắc Ninh và làm việc cho một công ty xuất nhập khẩu với mức lương gần 1.500.000 đồng/tháng.

Sau khi nghỉ Tết, công ty anh Trần Văn Cảnh, chuyên sản xuất bóng đèn thuộc Khu chế xuất Tân Thuận đột nhiên đề nghị công nhân nghỉ dài hạn. Nguồn sống cho cả gia đình bị đe dọa, trong khi đó "nếu đi tìm công việc khác, tôi phải chấp nhận với mức lương thử việc, chưa đầy 1 triệu đồng một tháng, làm sao mà sống nổi...”, anh chua chát.

Tới Trung tâm giới thiệu việc làm khắp các quận, huyện trên địa bàn TP Hồ Chí Minh những ngày này, không khí náo nhiệt ngay từ ở cổng vào.

Dù trời đã trưa, nhiều công nhân vẫn kiên nhẫn ngồi đợi đến giờ làm việc buổi chiều. Một nhân viên ở Trung tâm giới thiệu việc làm Hepza (KCX Tân Thuận) cho biết, mỗi ngày chị nhận tới mấy trăm hồ sơ, nhiều hôm Trung tâm tiếp nhận gần 1.000 hồ sơ một ngày. Chị Khương Thị Tâm, quê ở Quảng Bình mới nộp hồ sơ ngày hôm qua, hôm nay chị đến đây để nhận lịch phỏng vấn trong tâm trạng hồ hởi: "Hi vọng nay mai tôi sẽ có công việc để làm".

 

Sở Lao động Thương binh và Xã hội TP HCM đang tập trung vào hai giải pháp đối với lao động thất nghiệp.

Ông Lê Thành Tâm, Giám đốc Sở cho biết: "Trung tâm giới thiệu việc làm cùng với Phòng lao động quận huyện sẽ phối hợp chặt chẽ nhau, làm cầu nối đưa công nhân đến với những nơi đang có nhu cầu". Đây sẽ là đầu mối cập nhật thông tin thường xuyên về lao động trên địa bàn, doanh nghiệp nào đang tuyển, chỉ tiêu tuyển, ngành nghề nào... Người lao động mất việc đến đây sẽ được hướng dẫn, giới thiệu đến doanh nghiệp đang cần người. Ngoài ra, người lao động mất việc nếu muốn học nghề để nâng cao tay nghề cũng sẽ được vay vốn từ quỹ quốc gia về việc làm để tự tạo việc làm.

Không chỉ chờ doanh nghiệp cung cấp thông tin như trước, Trung tâm dịch vụ việc làm cho trí thức (Rajci) còn phải thường xuyên liên hệ với nhiều công ty để tăng cơ hội tìm việc cho người lao động, Giám đốc trung tâm, bà Trần Thị Túc cho biết.

Theo bà Nguyễn Thị Dân, Trưởng phòng Lao động - Tiền lương - Tiền công, 78% lao động mất việc (tương đương 14.851 người lao động) hiện đã có chỗ mới. Thành phố có khoảng 24 nghìn lao động mất việc, tính từ cuối năm 2008 đến nay, con số này sẽ còn tăng lên trong thời gian tới.

Hầu hết các quận huyện TP HCM đều có lao động mất việc. Quận 12 có 6 doanh nghiệp giảm lao động, 1.755 người không có việc làm, quận Bình Tân có 17 đơn vị giải thể, phá sản, sắp xếp lại sản xuất, quận 8 có 9 doanh nghiệp hoạt động khó khăn phải thu hẹp sản xuất...

Theo chia sẻ của các Phòng lao động thương binh và xã hội quận, huyện trên địa bàn TP HCM trong cuộc họp về tình hình lao động mất việc hôm 9/3, hiện cung cầu lao động vẫn chưa khớp nhau. Trong khi nhiều nơi công nhân mất việc thì có nhiều doanh nghiệp ngành may lại khát nhân lực và đang ráo riết tuyển với những ưu đãi chưa từng có, như thưởng tiền từ 200.000 trở lên.

Bà Đoàn Thị Thu Hà, Trưởng phòng quản lý lao động Ban quản lý các khu chế xuất, công nghiệp TP HCM cho biết: "Tuy giảm đơn hàng, thời gian làm việc của người lao động thu hẹp lại nhưng nhiều doanh nghiệp tại đây không cắt lao động ngoại trừ trường hợp đơn vị quá sức chịu đựng, không thể duy trì guồng máy". Bởi lẽ, theo bà Hà, việc tuyển dụng, nhất là ngành may hiện nan giải, nhiều nơi đăng tuyển rầm rộ vẫn không hút công nhân.

Điểm khác lạ của thị trường lao động năm nay theo bà Hà, nếu mọi năm doanh nghiệp "kêu trời" vì lao động về quê, sau Tết vẫn không chịu vào. Còn năm nay, người lao động "tề tựu" gần như đông đủ ngoại trừ những trường hợp đã nghỉ việc trước Tết. Ngoài ra, đơn thư khiến nại của cá nhân về vấn đề giải quyết trợ cấp mất việc, thôi việc, bảo hiểm xã hội cho lao động xin nghỉ việc tăng lên so với cùng kỳ.

Theo dự đoán của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, tình huống xấu nhất, số người mất việc trên cả nước vào cuối năm nay sẽ là 400.000, cao hơn nhiều so với con số được Bộ này đưa ra hồi cuối tháng 1.

Theo Vnexpress.





 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC