Cưới vợ từ năm 13 tuổi, anh Dình ở xóm Mỏ Ba (Đồng Hỷ, Thái Nguyên) đã có 13 con với 5 trai, 8 gái. Giờ đây, người đàn ông 39 tuổi đã lên chức ông ngoại.
Xóm Mỏ Ba (Đồng Hỷ, Thái Nguyên) được xem là địa phương giữ nhiều kỷ lục nhất về sinh đẻ vỡ kế hoạch. Gia đình bình thường có 4-5 con, không ít nhà 10 con, cá biệt có gia đình 20 đứa con.
Con đường ven vách núi dẫn lên làng Mỏ Ba. Ảnh: Phan Dương. |
Mỏ Ba là nơi thâm sơn cùng cốc trên đỉnh núi thuộc xã Tân Long, Đồng Hỷ. Dù một số đoạn đường đã được đổ bê tông, nơi đây vẫn tách biệt với bên ngoài.
Nhà "ông Dình" - người được "quảng cáo" vỡ kế hoạch liên tiếp nằm ở con dốc dẫn vào xóm. Con đường đất đỏ dẫn lên nhà ông thẳng đứng, trơn trượt... Thế nhưng trên đỉnh là một vùng đất bằng phẳng, cỏ cây xanh mướt. Từ xa đã nhìn thấy những mái nhà sàn co cụm sát nhau, khói lam chiều lan tỏa. Dưới chân nhà sàn, hơn chục đứa trẻ, đám đá banh, đá cầu, đám chơi khăng, vật nhau. Bên khung cửa, mấy người phụ nữ già có, trẻ có đang bồng con cho bú. "Ông Dình", cha của 13 người con, trông như một chàng thanh niên, áo trắng đóng thùng chỉnh tề.
Trong căn nhà sàn kiên cố, rộng rãi, anh Hùng Văn Dình cho biết, 6 mái nhà trên quả đồi này đều là của anh em, con cái nhà anh Dình. Anh sinh năm 1974, đến năm 1987 (năm13 tuổi) thì lập gia đình với chị Vương Thị De hơn anh 1 tuổi. Từ đó đến năm 2011, vợ chồng anh đã "sản xuất" cả thảy... 13 người con với 5 trai, 8 gái. Hiện nay, 2 người con gái đầu của anh đã lập gia đình, đưa anh lên chức ông ngoại từ năm 36 tuổi. 11 người con khác của anh Dình đang học rải rác từ mầm non đến hết cấp 1 thì nghỉ ở nhà. Giờ nhà anh Dình có cậu con trai Hùng Văn Tanh đang học lớp 7, phải ở trọ dưới thị trấn.
Đa số người H'Mông ở đây đều sinh đẻ tự nhiên, chẳng bao giờ đi viện. Nhà anh Dình cũng thế, những đứa con cứ sòn sòn năm một ra đời nhờ bàn tay những người già trong làng. Duy chỉ có lần sinh con thứ 9, vợ Dình khó đẻ mới cho đi bệnh viện tỉnh. Từ lần đó, chị De đã quyết không sinh nữa rồi nhưng rồi lại lỡ và lại đẻ.
Năm nay 39 tuổi, trông anh Dình trẻ trung, đối nghịch hoàn toàn với vẻ già nua của người vợ đang bồng con bên bếp lửa. Anh chia sẻ: "Vợ chồng tôi cũng dùng thuốc tránh thai kế hoạch nhưng vợ bị nhiều bệnh lắm, uống vào là bị dị ứng. Bên phụ nữ cũng bảo cho đi đặt vòng tránh thai nhưng vẫn chưa đặt". Tuy nói sẽ không đẻ nữa nhưng anh Dình cũng không chắc chắn bởi trong phong tục của người dân nơi này và đức tin của họ không cho phép phá thai.
Anh Hùng Văn Dình (39 tuổi) lấy vợ từ năm 13 tuổi, năm 36 tuổi lên chức ông ngoại. Ảnh: Phan Dương. |
Từ nhà anh Dình, đi thêm một đoạn đường đất là nhà đông con nhất xóm - gia đình ông Ngô Văn Sùng (sinh năm 1956). Ông Sùng có hơn 20 người con (bao gồm cả con đã mất và 2 người con riêng của vợ).
Trên nền đất lởm chởm, ông Sùng đang sửa máy cắt rau lợn. Ông chít chiếc khăn xanh trên đầu làm nổi hơn nước da trắng hồng, khỏe khoắn. Ngoài hiên, mấy đứa trẻ đang lăn lộn, tranh giành đồ ăn. Trong đó có cả con, cháu và chắt của ông Sùng.
Ông Sùng ngơi việc chỉ tay: "Đứa bị liệt đó là con út của tôi". Cô bé tên Thi, mặc một chiếc váy bò bết đất đang bốc mì tôm cho vào miệng. Dù đã 12 tuổi nhưng do bị tật nên em chậm nói, đi lại khó khăn. Thi vẫn lên lớp đi học cùng các bạn nhưng theo ông bố, "cho nó đi chơi là chính".
Ông Sùng cho biết, năm 15 tuổi, ông lấy bà Lý Thị Chi làm vợ. Ngày đó, bà Chi nổi bật hơn hẳn những người con gái ở vùng rừng rú này vì trắng trẻo, xinh đẹp, khuôn mặt tròn như trăng 16. Ấy thế mà chỉ 10 năm sau với 8 lần sinh đẻ, trông người phụ nữ ấy đã gầy nhom như bà lão.
Sau khi vợ bệnh, sức khỏe giảm, ông Sùng cưới thêm bà hai, tên Vương Thị Nhung. Chồng bà Nhung đã mất, bà mang theo hai người con về sống với ông. Chẳng mấy chốc, người phụ nữ này đã giúp ông nâng "quân số" lên tương đương bà cả.
Hầu hết trẻ con ở vùng núi Mỏ Ba chỉ học đến cấp 1 là bỏ. Ảnh: Phan Dương. |
Ban đầu lúc ông Sùng cưới thêm vợ mới, bà cả cũng không vui vẻ gì. Nhưng mấy chục năm qua, hai người vợ của ông chưa bao giờ cãi nhau. Các con của hai bà cũng không phân biệt mẹ cả, mẹ hai và thân thiết như anh chị em ruột.
Ông Sùng dành căn nhà phía trước cho vợ cả, nhà phía sau rộng rãi không kém cho người vợ hai. Ngoài làm nương rẫy, ông cũng mua thêm 4 con bò chia cho mỗi bà hai con. Ngày ngày, hai người vợ của ông đều đi chăn bò trong rừng, tranh thủ nhặt thêm ít củi, rau dại làm cơm.
Hiện nay, con cái của ông Sùng đã lập gia đình gần hết. Căn nhà chính chỉ còn vợ chồng ông và 3 người con. Nhà còn lại cũng chỉ có vợ hai và 3 người con chung của ông bà. Làm ông từ năm ngoài 30 tuổi, cách đây 3 năm ông Sùng cũng đã lên chức... cụ.
Nhà đông con, đông cháu nhưng ông Sùng chỉ trông chờ vào vài sào ruộng. Bữa cơm chiều của nhà ông chỉ có cơm, canh rau dại và một bát khế chua ăn sống cùng cơm.
Theo trưởng thôn Vương Văn Lầu (24 tuổi), Mỏ Ba là nơi định cư của 6 dân tộc anh em, bao gồm người Kinh, H'Mông, Dao, Tày, Ba Na, Sán Dìu, trong đó người H'Mông chiếm số đông. Trước đây các gia đình người H'Mông thường sinh rất nhiều con. Còn đến nay nhờ được phổ biến kiến thức nên các cặp vợ chồng trẻ chỉ sinh đến 2 con là dừng. Vợ chồng anh Lầu cũng vậy, cưới nhau cách đây 6 năm, giờ có 2 mụn con đã lớn và họ quyết định không đẻ nữa.
Dù thế, nơi đây vẫn còn những hộ gia đình chưa dừng đẻ được như trường hợp anh Hùng Văn Dình. Bên cạnh gia đình anh Dình và ông Sùng, còn có nhiều hộ khác cũng có trên 10 người con như gia đình ông Hồng Văn Páo 12 con, Lý Văn Día 11 con, Hùng Văn Nó 10 con, Vương Văn Khìn 10 con, Đào Văn Tư 13 con...
"Người dân nơi đây chỉ dựa vào nương rẫy, hết mùa thì ở nhà ăn chơi. Vì thế, bữa ăn của các nhà thường chỉ có cơm rau. Đa phần trẻ em học ở trường làng hết cấp 1. Đứa trẻ nào sáng dạ lắm mới có quyết tâm ở trọ xuống học ở thị trấn", trưởng thôn Vương Văn Lầu cho biết thêm.
Theo VNE.