Trong khoảng một thập kỷ trở lại đây, nền kinh tế nước ta có quá nhiều thay đổi. Chúng ta đã ca ngợi rất nhiều và chắc chắn, chúng ta sẽ còn ca ngợi tiếp về những thành quả này. Thế nhưng, nó cũng làm xuất hiện rất nhiều hình thái văn hóa mới, lối sống mới, đôi khi đã bóp nghẹt và phủ định những giá trị truyền thống.
Chúng ta đã đầy hãnh diện nói đến tốc độ đô thị hóa ở các vùng nông thôn nhưng nó cũng đã làm rất nhiều giá trị văn hóa truyền thống, lịch sử, những huyền thoại trong những ngôi làng yêu quý của chúng ta bị lãng quên và có nguy cơ biến mất vĩnh viễn khỏi cuộc sống cộng đồng.
Từ lâu chúng ta đã nói về khoảng cách và những mâu thuẫn giữa các thế hệ trong một gia đình. Vấn đề này nay không còn là “chuyện phố, chuyện phường” nữa, mà ở những vùng nông thôn hẻo lánh nhất của nước ta, ngay trong những ngôi nhà cổ kính nhất, trong những ngôi làng cổ kính nhất, nơi mà sự gắn kết gia đình dường như là một truyền thống thì nay cũng đang dần dần bị phá vỡ.
Mấy năm gần đây, về quê, năm nào tôi cũng nghe trong xã mình có thêm vài cụ làm thượng thọ 80. Chuyện những người già sống đến thượng thọ hẳn là một điều đáng mừng rồi. Có cụ còn vượt qua được cái ngưỡng 85, rồi 90, cái tuổi mà mỗi tháng, các cụ sẽ nhận được một khoản trợ cấp tuổi già của nhà nước. Và, dù chỉ là tiền trợ cấp ít ỏi, nhưng các cụ vui lắm, gọi là “lương”, nghe rất trịnh trọng.
Năm ngoái, ở gần nhà tôi có cụ Thục, vừa làm lễ thượng thọ được ít hôm thì nhận được tiền “lương” của cả một quý. Số tiền này, cụ quyết định dành hết để mua bim bim và bánh kẹo, sau đó cụ cho gọi đám cháu chắt, dễ đến cả trăm người đến chia quà. Đám cháu chắt đứng chật sân, cứ ào ào nhận quà từ tay cụ, sau đó nhà ai nấy về, ngôi nhà lại vắng hoe. Ở phía trong nhà, chỉ còn mấy cụ bạn ngồi uống nước chè với nhau, nói toàn những chuyện xưa cũ, khiến bọn thanh niên nghe chán quá cũng bỏ đi nốt.
Trong lịch sử nước nhà, tiếng nói của người già đã từng rất được coi trọng. Vào đời nhà Trần, khi quân Nguyên Mông đang có định định xâm lược nước ta lần thứ 2, Thượng hoàng Trần Thánh Tông đã triệu tập Hội nghị Diên Hồng, mời những bậc bô lão già nhất đến để quyết định cả vận mệnh của đất nước. Nhưng hiện nay người già đã không còn được coi trọng như xưa mà dường như họ đang bị lãng quên và ngày càng có ít tiếng nói hơn trong cộng đồng.
Nếu như trước đây, bữa cơm là nơi tụ họp gia đình, nơi người cao tuổi giáo dục các thế hệ cháu con và truyền lại những kiến thức, kể lại những câu chuyện mang đầy tính huyền thoại về ngôi làng, dòng họ, gia đình, thì nay, những thế hệ cháu con không còn muốn nghe những câu chuyện như thế nữa.
Hiện tượng những người trẻ không còn thích thú với những câu chuyện của cha ông mình là do mâu thuẫn thế hệ hay do chính cách giáo dục của chúng ta? Rõ ràng bọn trẻ ngày nay thích đọc truyện tranh, thích chơi những trò chơi bạo lực và những chuyện phiêu lưu tình ái hơn việc phải nghe những người già lẩn thẩn, lúc nào cũng thích hồi cố để kể lại những câu chuyện cũ xưa nhàm chán. Đấy có lẽ cũng là lý do khiến nhiều cụ già hiện nay, dù con cháu đầy đàn, nhưng vẫn cô đơn, cảm giác như một người thừa trong gia đình. Nhiều cụ, khi đã gần đất xa trời rồi vẫn nhất quyết đòi ra ở riêng. Và, đám con cháu sẽ không bao giờ hiểu được vì sao bố mẹ, ông bà của chúng lại ngày càng lẩn thẩn như thế!
Cách đây ít hôm, tôi về quê đúng dịp người dân đang tiến hành lễ hội cổ truyền của làng. Thế nhưng, đi xem hội mà tôi cứ buồn tê tái trước những cảnh trái chiều. Ở trong sân đình, nhạc bát âm vang lên réo rắt, các cụ cao niên cứ hì hụp khấn vái, tế lễ trong những sắc phục diêm dúa.. Nhưng ở phía ngoài, cách đó chỉ chừng 10 mét, những nam thanh nữ tú với mái tóc nhuộm xanh nhuộm đỏ cứ xúm đầu vào các bàn đỏ đen, các trò chơi ăn tiền và các quán điện tử với những game sặc mùi bạo lực. Với bọn trẻ, lễ hội bây giờ chỉ là dịp chúng được chơi bời xả láng, chứ không phải là dịp để chúng được hiểu rõ hơn về truyền thống, lịch sử của ngôi làng mà mình đang sống.
Mấy năm gần đây, trên các phương tiện truyền thông báo chí, chúng ta liên tục được nghe đến những thế hệ X nọ, X kia, nghe cứ lạ hoắc. Và, thế hệ X sau bao giờ cũng tân tiến và “khả uý” hơn thế hệ trước. Có một thực tế là thế hệ X càng lớn thì khoảng cách và mâu thuẫn với những thế hệ cha ông mình càng nhiều.
Phải thừa nhận rằng, giới trẻ hiện nay tiếp nhận cái mới rất nhanh. Chúng ta không thể bắt họ lúc nào cũng phải học, cũng phải làm theo truyền thống. Chúng ta cần phải có một cái nhìn khác, cảm thông hơn đối với lớp trẻ. Thế nhưng, một số việc làm, một số cách ứng xử của họ cũng đầy kỳ lạ và rất đáng lên án…
Nhiều lúc nghĩ về những người già, tôi lại nghĩ họ giống như những cái cây. Cái cây càng cổ thụ bao nhiêu, nó nắm giữ càng nhiều bí mật của đất trời, càng nhiều những huyền thoại của ngôi làng, của dòng họ, tổ tiên. Và, sứ mệnh của họ là tiếp tục truyền lại những giá trị đó cho các thế hệ sau này. Còn những thế hệ sau, cũng giống như là rễ cây, càng ngày họ càng bỏ xa cái gốc, nguồn cội của mình.
Còn nhớ ngày ông nội tôi còn sống, ông vẫn hay kể về cuộc sống đói kém ngày xưa, rồi nạn đói năm 1945 diễn ra ở làng tôi và các vùng quê lân cận như thế nào. Khi khác, ông lại kể về cụ nội, về những người trong dòng tộc đã khuất núi từ lâu lắm rồi. Lại có lúc ông kể về việc làm cái cầu ao bằng tre, về cái cối xay gạo, về tên một cánh đồng, tên một con ngõ trong ngôi làng của mình… Cái gì qua lời kể của ông tôi cũng đầy những huyền thoại. Đến đời bố tôi, ông lại tiếp tục kể về những câu chuyện của thế hệ ông. Đó là những câu chuyện về làng tôi trong những năm chống Mỹ ác liệt, đến chuyện tem phiếu và cuộc sống gia đình trong những năm bao cấp đầy khó khăn. Có thể những câu chuyện mà ông tôi, rồi bố tôi kể chỉ là một phần rất nhỏ những gì họ đã được chứng kiến hoặc nghe được từ những người già trước đó đã truyền lại. Còn rất nhiều những huyền thoại khác mang trong mình lịch sử của ngôi làng, lịch sử cuộc sống của từng dòng họ, hay sự tích một địa danh nào đó, mà chỉ những người già mới biết. Nhưng những câu chuyện ấy đã dần dần theo họ nằm sâu chôn chặt dưới những nấm mồ cả rồi.
Bây giờ về làng, tôi không còn nhìn thấy một cái cầu ao hay cái cối đá nữa; những rặng ruối, những bụi tre, rồi những trò chơi dân gian của trẻ nhỏ cũng đã biến mất vĩnh viễn. Mọi thứ thay đổi quá nhanh. Những gì cũ xưa nay chỉ còn lưu lại trong ký ức. Có lẽ đây cũng là thực trạng chung ở những ngôi làng khác. Lịch sử của chúng đang bị xóa nhòa, từ những thứ hữu hình có thể hiển hiện cho đến những điều vô hình, chỉ còn là những hình ảnh trong trí tưởng tượng của chúng ta.
Tôi vẫn nghĩ rằng, bất kỳ một hòn đá, một cái cầu ao, một lối đi, một câu đồng dao cũng mang đầy huyền thoại. Thế nhưng, những hòn đá nay đã vị đập vỡ hoặc chôn vùi để phục vụ một nhu cầu náo đó của con người; những cái ao cũng bị lấp đi và cây cầu tre cũng biến mất; những lối đi nay dần được làm mới, lát gạch hoặc đổ bê tông trơn tru; những ngôi làng với những ngôi nhà cổ kính mang trong mình rất nhiều lịch sử, huyền tích cũng đã bị thay thế bằng những khối bê tông vuông vức. Sự đổi thay đến chóng mặt ấy đã xóa nhòa đi tất cả những câu chuyện huyền thoại. Và, những người già, những “công dân” cuối cùng còn sót lại trong chính ngôi làng của mình bỗng trở nên lạc lõng. Rồi đây, chính họ cũng sẽ trở thành những huyền thoại. Những huyền thoại này rất có thể sẽ bị quên lãng, hoặc chỉ được ghi nhớ một cách mơ hồ, trong đời sống của cháu con chúng ta.
Và, tôi chợt giật mình nghĩ đến một buổi sáng đẹp trời nào đó, khi những con người sống trong ngôi làng ấy bừng tỉnh, đột nhiên họ không còn biết gì về nơi mình đang sống nữa. Họ không biết cách gọi tên các đồ vật trong chính ngôi nhà của mình. Rồi những cái tên ngõ, tên cánh đồng mang đầy huyền thoại cũng dần biến mất. Họ mất hết hoàn toàn những ký ức về ngôi nhà, về cái lối đi, về lịch sử của mình. Họ không biết gì về những câu chuyện từng tồn tại ở chính mảnh đất họ đang sống.
Vậy mà thật buồn là điều đáng sợ ấy lại đang diễn ra lặng lẽ, ngọt ngào ở tất cả những ngôi làng yêu quý của chúng ta.
Trọng Tuyến