Làng tỷ phú... buồnNhững ngày giữa tháng 3, Đa Hội - làng sản xuất thép lớn nhất miền Bắc, Châu Khê (Từ Sơn, Bắc Ninh) im ắng đến lạ lùng. Khủng hoảng kinh tế toàn cầu, kéo theo cơn bão thất nghiệp nặng nề nhất từ trước tới nay... khiến nơi đây đang bước vào thời kì "ngủ đông" dài vô tận.

Tắt lửa lò

Suốt dọc con đường kéo dài từ khu chùa Dận tới làng Đa Hội, những cửa hàng, cửa hiệu buôn bán kinh doanh sắt thép đều cửa đóng then cài. Phía ngoài đường, đám thợ sắt ngồi chầu hẫu tán chuyện. Thấy có khách lạ "viếng thăm", chủ một cơ sở sản xuất thép ở khu công nghiệp Mả Ông tưởng "khách sộp", vội đon đả chèo kéo: "Các anh đang làm công trình hả, cần bao nhiêu sắt, loại phi mấy, nếu mua nhiều tôi sẽ giảm giá, hàng giao tận nơi ngay trong ngày!". Trước, khách đến đây thường phải đặt hàng mất cả tháng trời mới đến lượt được giao, giờ các ông chủ phải tự đi tìm mối hàng.

Cái không khí ảm đạm ở Đa Hội được bắt đầu từ sau cuộc "đại nạn" có tên là "khủng hoảng kinh tế toàn cầu". Giờ đây cụm từ đấy đã trở nên quen thuộc và là nỗi sợ hãi đối với những ông chủ tỷ phú ở làng. Ngồi tiếp chuyện chúng tôi, ông Trần Văn Tuyến - trưởng thôn Đa Hội cho biết, chưa đầy 3 tháng trở lại đây, hơn 7.000 công nhân ở đây bỗng dưng... mất việc. Những người đang có việc, chỉ lẻ tẻ vài ba trăm công nhân thuộc hàng "vai u, thịt bắp" có sức khoẻ được giữ gìn ở lại làm cửu vạn. Nghề thép rơi vào cảnh suy tàn, ở Đa Hội không còn cảnh ầm ầm những chuyến xe chở phôi đến, kéo thép ra nhộn nhịp như trước đây. Những lò lửa luyện thép hừng hực thâu đêm suốt sáng chỉ còn trong... kí ức.

Đa Hội giàu vì thép. Tuy nhiên, thời gian này, vẻ khá giả của những ngôi nhà to đẹp trong làng cùng mang một nét buồn trầm mặc. "Ốp" vào một cửa hàng đầu làng, chúng tôi được chứng kiến ngay cảnh đám thợ đang bu vào sát phạt nhau bằng trò "3 cây". Biết chúng tôi là phóng viên đang đi viết bài, Tôn - một thợ sắt nói: "Thời làng nghề còn ăn nên, làm ra, đến thời gian ngủ còn chẳng có, kể gì đến việc ngồi đánh bài như bây giờ. Chẳng qua cũng để giết thời gian thôi!".

Thì ra, từ khi kinh tế khủng hoảng, thép không có đầu ra, nên các lao động ở làng rỗi việc: "Ngày đánh 3 cây, tối ngồi xóc đĩa". Ông Tuyến cho biết: "7.000 công nhân chỉ là số lao động ở các tỉnh khác đến làm việc, còn riêng ở làng tôi cũng có đến hơn 8.000 lao động nữa, phần lớn số này làm nghề thép cả, giờ đều rơi vào cảnh ăn không ngồi rồi".

Tỷ phú thành "chúa Chổm"

"Nạn nhân" đầu tiên của làng thép Đa Hội hiện nay chính là những công nhân. Ông Phạm Văn Thinh chủ tịch UBND phường Châu Khê cho biết: "Trước đây có việc họ thu nhập chừng 1,5 - 3,5 triệu/ tháng. Giờ thì chẳng có việc mà làm!".

Thu dọn nốt đống hành lý cuối cùng để về quê, Khang - một công nhân quê ở Phú Bình, Thái Nguyên, làm việc cho cơ sở đúc thép Thành Lợi tâm sự: "Nhà em có 6 miệng ăn, hàng tháng chỉ trông vào 2 triệu tiền lương của em. Không còn việc chẳng biết kiếm cái gì cho vào miệng nữa!".

Làng tỷ phú... buồn_0

Xưởng thép vắng lặng

Theo một cán bộ ở phường Châu Khê, các lao động ở đây chủ yếu đến từ nơi khác, nên khi mất việc hầu hết là họ quay về quê, nhờ vậy mà sức ép về an ninh trật tự giảm hẳn. Theo người cán bộ này, mấy tháng đầu năm những vụ phạm pháp, mất trật tự công cộng bỗng dưng biến mất. Được "hưởng lợi" từ khủng hoảng có lẽ lại là lực lượng công an xã. Họ không còn phải tất bật đôn đáo ngược xuôi, để giữ an ninh trật tự như trước đây nữa.

Công nhân mất việc, nhưng tình cảnh của những ông chủ ở Châu Khê còn bi đát hơn. Tổng cộng riêng làng thép đang nợ tới cả gần 2.000 tỉ đồng. Ông Thinh giãi bày: "Nói là tỷ phú cho oai, chứ thực ra tiền của các doanh nghiệp hầu hết là đi vay ngân hàng, người ít cũng phải 1-1,5 tỷ."

Chúng tôi tìm gặp chủ cơ sở cán kéo thép Tiến Cường, cụm công nghiệp Châu Khê 1, anh Cường tâm sự: "Xưởng chúng tôi có 60 công nhân, mỗi tháng làm khoảng 20-25 ca, nhưng hiện nay chỉ dám giữ lại 4-5 người làm cầm chừng khoảng 9-10 ca...".

Theo tìm hiểu của chúng tôi, do bí đầu ra, nhiều chủ DN đã rơi vào cảnh nợ như "chúa Chổm" phải bán hết cả đất đai, xưởng sản xuất với giá rẻ để dạt đi nơi khác tránh bão. Ông Thinh khẳng định: "Chắc chắn sẽ có 100% DN đứng trước nguy cơ vỡ nợ, vì thời hạn trả nợ ngân hàng sắp đến".

Rời Châu Khê trong những ngày mưa phùn tháng 3, dọc đường vào, ra vẫn vắng hoe. Có lẽ trước đây thực trạng đáng buồn này, dù có giàu tưởng tượng họ cũng không bao giờ nghĩ ra được!

Theo NT.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC