Lao động trẻ em - Tuổi thơ bị đánh cắp Không được tới trường, phải đối mặt với đòn roi, bạo lực về thể xác và tinh thần, chịu cảnh lao động khổ sai... Đó là thực trạng của một bộ phận trẻ em từ nông thôn lên thành phố làm việc.

 Mới đây, công an huyện Thanh Trì, Hà Nội, đã tiến hành bắt khẩn cấp Phan Thị Thu Hương (22 tuổi, ở phường Vạn Phúc, quận Hà Đông, Hà Nội) về hành vi làm nhục người khác. Nạn nhân của Hương là Thắm (16 tuổi, quê Nghệ An). Thắm từ quê ra làm giúp việc cho gia đình Hương từ năm 2008 với mức lương rẻ mạt. Hàng ngày Thắm phải phục vụ bán cháo lòng, bún ốc từ sáng sớm đến tận đêm. Trong thời gian ở với Hương, cô bé bị bà chủ quát mắng, không cho về quê thăm gia đình, bị ốm đau cũng không được chăm sóc. Một lần Thắm đã trèo tường bỏ trốn nhưng bị bắt lại…

Thắm không phải là trường hợp cá biệt trong số hàng vạn trẻ em nông thôn lên thành phố kiếm sống đang bị bạo hành cả về thể xác và tinh thần.

Khảo sát của Viện Gia đình và Giới tại 201 gia đình có trẻ em đã và đang làm giúp việc tại hai tỉnh Vĩnh Phúc và Thanh Hóa, và 80 trẻ đang làm giúp việc ở Hà Nội cho thấy, 78,6% số trẻ đi làm thuê khi gia đình gặp khó khăn, trong đó thiếu tiền (hơn 49%), có người ốm đau bệnh tật (hơn 15%), thiếu người lao động và vay nợ (12%), thiếu việc làm (10%), đông con (8%)... Có tới gần 70% số gia đình được hỏi nói rằng, quyết định cho con nghỉ học và đi làm khi gặp những khó khăn trong cuộc sống. Kết quả điều tra này cho thấy bố mẹ thường có xu hướng cho con cái đi làm thuê để trợ giúp kinh tế cho gia đình.

Báo cáo của TPHCM cũng cho thấy, vấn đề lạm dụng lao động trẻ em tại các cơ sở sản xuất cũng đang là nỗi lo lắng của cơ quan quản lý. Sở LĐ-TB&XH thành phố cho biết, trên địa bàn có gần 1,7 triệu trẻ em, trong đó hơn 70.000 em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, 1.450 em phải lang thang kiếm sống và 342 em phải lao động nặng nhọc trong các cơ sở sản xuất. Theo báo cáo, trong 6 tháng đầu năm nay, Sở đã nắm được 110 cơ sở sản xuất sử dụng lao động trẻ em, tập trung chủ yếu ở quận 4, Bình Tân, Gò Vấp và huyện Bình Chánh. Tuy nhiên, khi Thanh tra Sở đến kiểm tra thì chỉ xử phạt được hơn 30 cơ sở, những nơi còn lại đã giải tán hoặc có những biện pháp đối phó với cơ quan chức năng. 

Kết quả điều tra cũng cho thấy một vấn đề đáng lưu ý ở không ít gia đình nông thôn còn tồn tại quan niệm đầu tư khác nhau cho việc học hành của con trai và con gái. Trong nhiều gia đình, cha mẹ không muốn cho con gái học lên cao, thậm chí có nhà bắt con gái phải nghỉ học đi làm kiếm tiền cho anh, em trai của mình được học. Theo TS Phạm Thị Huệ (Viện Gia đình và Giới), do quan niệm của cha mẹ về vai trò của con trai và con gái trong gia đình không giống nhau nên cách nuôi dạy của họ đối với con trai và con gái cũng khác nhau. Do đó, số trẻ em gái phải lên thành phố làm giúp việc chiếm tỷ lệ khá lớn.

Nhiều tổ chức xã hội đã đưa ra cảnh báo, bên cạnh vấn đề trẻ đi làm sớm là vi phạm quyền trẻ em thì việc trẻ làm thuê giúp việc gia đình cũng tiềm ẩn nhiều mối nguy như có thể bị ngược đãi, xâm hại, đánh đập…

Do đó, vấn đề giảm thiểu số trẻ em đi làm thuê tại các cơ sở sản xuất hay giúp việc gia đình đã ở mức cấp thiết. Tuy nhiên, chuyên gia cũng thẳng thắn nhìn nhận, đây không phải vấn đề có thể giải quyết một sớm một chiều, bởi trên thực tế tại các thành phố phát triển, nhu cầu về nhân công và nhu cầu người giúp việc tại các gia đình rất lớn. Trong khi đó, tại nhiều gia đình ở nông thôn, suy nghĩ tìm việc làm cho trẻ em để giảm bớt gánh nặng kinh tế của gia đình đang có xu hướng phát triển.

Về tình trạng lạm dụng lao động trẻ em, chuyên gia nhận định, hiện mức phạt theo Nghị định 91 về Quy định xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em (NĐ/CP ngày 17/10/2011) đối với hành vi bắt trẻ em làm quá sức, nặng nhọc chỉ từ một đến năm triệu đồng, vẫn chưa đủ sức răn đe các cơ sở vi phạm.

Theo Dân trí.




 

Báo TINTUCVIETDUC-Trang tiếng Việt nhiều người xem nhất tại Đức

- Báo điện tử tại Đức từ năm 1995 -

TIN NHANH | THỰC TẾ | TỪ NƯỚC ĐỨC